Nhận diện và đấu tranh làm thất bại âm mưu đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang

Thứ Ba, 01/03/2016, 09:30
Âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang đã được các thế lực thù địch áp dụng thành công ở Liên Xô trước đây. M. Gorbachev và những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô đã rời bỏ nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin.

M.Gorbachev đã cố tình xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với lực lượng vũ trang, làm cho Quân đội và Công an bị “phi chính trị hoá” và bị vô hiệu hoá, từ đó mất phương hướng chính trị, mất sức chiến đấu, không thể bảo vệ được Tổ quốc XHCN (mặc dù quân đội Liên Xô lúc bấy giờ vẫn còn 3,9 triệu quân thường trực, được trang bị rất hiện đại). Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự tan rã của Liên bang Xô viết.

Lực lượng vũ trang ra đời khi xã hội phân chia thành các giai cấp và xuất hiện Nhà nước, nó gắn liền và bị chi phối bởi tính chính trị của Nhà nước và giai cấp đã sinh ra nó. Lực lượng vũ trang là lực lượng đặc biệt của giai cấp, mang bản chất giai cấp sâu sắc, là công cụ vũ trang chủ yếu của Nhà nước để bảo vệ chế độ, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội nhằm thực hiện quyền thống trị của giai cấp cầm quyền.

Do đó, vấn đề chính trị của lực lượng vũ trang luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu, liên quan đến bản chất giai cấp, mục tiêu lý tưởng chiến đấu; thực chất là giải đáp câu hỏi lực lượng vũ trang do ai tổ chức, lãnh đạo; chiến đấu cho ai, vì ai?

Trong lần về thăm Trường Chính trị trung cấp Quân đội (nay là Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng) ngày 25-10-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các học viên: “Phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, dân sự.

Phải học tập chính trị: quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Đối với lực lượng CAND, Người căn dặn: “Là một bộ phận của cả bộ máy Nhà nước dân chủ chuyên chính tiến lên CNXH, Công an phải bảo vệ dân chủ nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ nhân dân”.

QĐND và CAND ra đời từ các phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, được Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo và giáo dục, có nhiệm vụ chiến đấu giành và giữ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ XHCN và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước, chính vì vậy, bản thân nó đã là một lực lượng chính trị.

Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐND và CAND Việt Nam đã chứng minh: Quân đội và Công an là lực lượng chính trị trung thành tuyệt đối của Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Điều đó được thể hiện trước hết ở sự thống nhất về mục tiêu chiến đấu của Quân đội và Công an với mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Vì thế, trái với sự hô hào “Quân đội và Công an phải đúng là chính trị”, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo xây dựng Quân đội, Công an vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam chỉ rõ, bài học thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới của giai cấp vô sản chính là xây dựng QĐND và CAND vững mạnh về chính trị mà cốt lõi là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân gắn liền với xây dựng tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội và Công an.

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp; trong đó có những nguy cơ, thách thức trực tiếp đe dọa đến hoà bình, ổn định chính trị và phát triển của đất nước. Tuy hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như khủng bố quốc tế, xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ; những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, thiên tai, dịch bệnh…

Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thâm độc hơn nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đáng chú ý là, chúng triệt để lợi dụng quá trình hội nhập quốc tế và tác động mặt trái của cơ chế thị trường tập trung tấn công vào nội bộ, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để mua chuộc, lôi kéo, cài cắm người vào các cơ quan trọng yếu; ráo riết tiến hành các hoạt động nhằm “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nhân tố gây mất ổn định để chống phá ta.

Cùng với đó, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xuống cấp về văn hoá, đạo đức và những bức xúc trong xã hội chưa được ngăn chặn hiệu quả; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ngày càng bộc lộ với tính chất và mức độ nghiêm trọng hơn. Tình hình đó đặt ra cho Quân đội và Công an - lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống hoạt động chống phá của các thể lực thù địch, phản động và các loại tội phạm nhằm góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, những trọng trách to lớn.

Để xây dựng QĐND và CAND thực sự trở thành lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước trong điều kiện hiện nay, cần phải tập trung giải quyết tốt những vấn đề trọng tâm.

Một là, cần thống nhất cao về nhận thức, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cùng phải luôn kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với QĐND và CAND, đảm bảo hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang.

Hai là, nâng cao giác ngộ, lập trường, bản lĩnh chính trị là vấn đề rất cơ bản, làm cơ sở tạo ra sức mạnh của lực lượng vũ trang.

Ba là, QĐND và CAND phải thường xuyên quán triệt, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát huy vai trò nòng cốt trong giữ vững, ổn định chính trị đất nước; nêu cao cảnh giác, chủ động, nhạy bén, sẵn sàng có các phương án đối phó với mọi tình huống.

Bốn là, tích cực đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, phòng, chống “diễn biến hoà bình”, “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang. Nhiệm vụ đặt ra là phải đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới, vạch trần bản chất phản động, phản khoa học của âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với QĐND, CAND… 

Thiếu tướng, GS, TS Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng, Giám đốc Học viện Chính trị CAND
.
.
.