Lại tiếp diễn kịch bản “giải thưởng nhân quyền”

Thứ Hai, 14/12/2020, 08:29
Theo thông tin được các hội nhóm đăng tải, vừa qua, tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam đã tiến hành trao cái gọi là “giải thưởng nhân quyền Việt Nam” cho Nguyễn Năng Tĩnh, Nguyễn Văn Hóa, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.


Ở một diễn biến khác, Việt Tân cũng tích cực truyền bá về cái gọi là “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng”. Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta lại được chứng kiến một sự “nở rộ” của các giải thưởng núp bóng nhân quyền như hiện nay.

“Giải thưởng nhân quyền”: Một kịch bản vụng về

Về câu chuyện giải thưởng liên quan đến nhân quyền, những năm gần đây, các tổ chức núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền” rầm rộ trao giải cho các cá nhân người Việt Nam. Các giải thưởng có thể kể đến như: “Công dân mạng”, “Tự do báo chí” của tổ chức RSF, “Phụ nữ tiêu biểu về bảo vệ quyền tự do ngôn luận” của tổ chức Tự do ngôn luận quốc tế (IFEX), giải “Phụ nữ can đảm nhất thế giới” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải thưởng “nhân quyền Việt Nam” của Mạng lưới nhân quyền Việt Nam, giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng của Việt Tân v.v…                         

Không rõ quy trình xét duyệt giải thưởng ra sao, tiêu chuẩn nhận giải thưởng là gì. Vậy nhưng khi nhìn vào những cá nhân được nhận giải, không khó để chúng ta thấy được một điểm chung là những cá nhân đó đều có hành động chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ hết sức quyết liệt. Như thông tin được tuyên bố, hôm 21/11, tại California, tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam đã trao “giải thưởng nhân quyền Việt Nam” năm 2020 cho Nguyễn Năng Tĩnh, Nguyễn Văn Hóa và Hội Nhà báo Việt Nam độc lập. Tất cả những đối tượng được trao thưởng đều có hoạt động chống phá đất nước dưới vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền”.

Với trường hợp Nguyễn Năng Tĩnh, đây là đối tượng bị kết án về hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Nguyễn Năng Tĩnh có mối quan hệ móc nối với nhiều phần tử cực đoan, phản động trong và ngoài tỉnh Nghệ An, đặc biệt là số thành viên tổ chức Việt Tân tại các tỉnh, thành: Vũng Tàu, Hà Nam, Hà Nội... Thông qua mạng xã hội, Nguyễn Năng Tĩnh đã đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc nhằm mục đích chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; kích động người dân biểu tình, chống chính quyền…

Đối tượng Nguyễn Văn Hóa, người được trao “giải thưởng nhân quyền” cùng với Nguyễn Năng Tĩnh cũng là một đối tượng có hành động chống đối quyết liệt. Nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ các cá nhân, tổ chức phản động nước ngoài, Nguyễn Văn Hóa đã sử dụng mạng xã hội tuyên truyền, phát tán các tài liệu có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Qua đó, truyền bá những tư tưởng phản động, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính quyền; gieo rắc sự nghi ngờ, bất mãn, chống phá Nhà nước Việt Nam. Dù bị kết án và phải chấp hành án phạt tù nhưng Nguyễn Văn Hóa vẫn tiếp diễn nhiều hoạt động chống đối, đặc biệt là sử dụng chiêu trò tuyệt thực trong trại giam để gây sức ép với chính quyền.

Rõ ràng, những “giải thưởng nhân quyền” được trao chẳng phải nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của nền “dân chủ”, “nhân quyền” tại Việt Nam, mà nó chỉ là một màn kịch để hợp thức hóa hoạt động chống phá chính quyền.

Vậy bản chất thực sự của các giải thưởng trên là gì?

Một giải thưởng muốn có vị thế, có uy tín, được công nhận thì trước hết, các cơ quan chủ trì tổ chức giải phải là đơn vị có uy tín. Vậy nhưng các tổ chức đang tiến hành trao các giải thưởng dưới vỏ bọc “nhân quyền” lại không hề có tính chính danh.

Đơn cử như tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam, thực chất chỉ là một tổ chức bất hợp pháp do các đối tượng chống phá Nhà nước Việt Nam lập ra. Núp dưới chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, tổ chức này đã đạo diễn không ít hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, như: Lập website, mạng xã hội để tuyên truyền thông tin chống phá Việt Nam; tích cực vận động một số dân biểu, nghị sĩ Mỹ không có thiện cảm với Việt Nam thực hiện các hoạt động bảo trợ; gửi “thư ngỏ” cho một số quan chức nước ngoài nhằm kêu gọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; núp dưới danh nghĩa đấu tranh cho các “tù nhân tôn giáo”, “tù nhân chính trị” hoặc “tù nhân lương tâm” để tiến hành chống phá v.v…

Thực tế, việc trao giải thưởng chỉ là một vở kịch để đánh bóng tên tuổi và giúp sức về mặt tinh thần cũng như vật chất cho các đối tượng chống đối trong nước. Hiện nay, các phần tử chống đối Đảng, Nhà nước chỉ là phần thiểu số trong xã hội. Vì vậy, để tăng cường “uy tín”, phục vụ cho việc tập hợp lực lượng, các đối tượng chống đối trong nước luôn tìm cách móc ngoặc, hợp tác với các phần tử phản động lưu vong ở bên ngoài. Trong đó, việc trao giải thưởng là một cách thức hữu hiệu đang được lựa chọn nhằm khuếch trương hình ảnh và đánh bóng tên tuổi cho các đối tượng.

Dưới danh nghĩa các giải thưởng quốc tế, các đối tượng lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin, từ đó lôi kéo người dân vào hoạt động chống đối. Các đối tượng triệt để sử dụng các vỏ bọc “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “nhà hoạt động xã hội” v.v… để bao che cho hoạt động chống phá.

Ở một khía cạnh khác, việc trao các giải thưởng như hành động khích lệ, “lên dây cót” tinh thần cho các đối tượng phản động, chống đối được nhận giải. Dù ít hay nhiều, các giải thưởng này đều góp phần thoả mãn sự hư vinh của các đối tượng. Đồng thời, việc trao giải thưởng “nhân quyền” cũng là một phương thức để cổ suý tư tưởng chống đối, kích thích hoạt động chống phá của các đối tượng núp bóng “nhân quyền”.

Hiện nay, các đối tượng phản động trong nước muốn hoạt động được cần phải có sự hỗ trợ về vật chất của các thế lực thù địch, chống đối và các đối tượng phản động ở bên ngoài. Nếu theo dõi các hội nhóm núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”, không khó để chúng ta bắt gặp trường hợp các “nhà dân chủ” đấu đá nhau vì không được “ăn chia” đồng đều.

Vậy nhưng chuyển tiền từ bên ngoài vào trong nước ra sao, phân chia như thế nào thì không hề đơn giản. Vì vậy, việc trao giải cho các đối tượng có hành vi chống phá trong nước như một con đường “hợp thức hoá” việc hỗ trợ vật chất. Và cũng cần nói thêm, thông qua cách trao giải thưởng (đi liền với đó là những khoản vật chất không hề nhỏ), các cá nhân, tổ chức trao giải đã tạo ra sự cạnh tranh giữa các đối tượng phản động trong nước, từ đó thúc đẩy hoạt động chống phá của các đối tượng.

Không để mắc bẫy

Khi các đối tượng chống đối được trao giải, kênh truyền thông của các tổ chức phản động ngay lập tức lên bài tuyên truyền, ca ngợi các đối tượng được nhận giải. Các tổ chức này cố tình hướng lái thông tin, biến những đối tượng được nhận giải trở thành người hùng. Đi liền với đó, các tổ chức này cũng không ngừng rêu rao việc chính quyền đàn áp các “nhà dân chủ” trong nước. Không ít người dân đã bị đánh lừa và lầm tưởng vào những thông tin được các đối tượng rêu rao. Việc này gây ra những hệ luỵ vô cùng xấu.

Những năm qua, nhiều người Việt Nam đã được nhận các giải thưởng quốc tế. Tuy nhiên, giải thưởng quốc tế cũng có nhiều loại và giá trị của nó cũng không hề giống nhau. Vì vậy, chúng ta không thể để cụm từ “giải thưởng quốc tế” đánh lừa, khiến trắng – đen, thật – giả lẫn lộn. Đặc biệt, cần phải xác định rõ: Những giải thưởng liên quan đến dân chủ, nhân quyền mà các cá nhân phản động, chống đối được trao thời gian vừa qua chỉ là một màn kịch được tính toán để phục vụ cho các mưu đồ về chính trị, thể hiện rõ bộ mặt chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

Trần Anh Tú
.
.
.