Khẩu hiệu ‘giả nhân giả nghĩa’ không lừa được ai!
Hiện nay, trên các trang mạng, người ta lại thấy xuất hiện những ý kiến, kiến nghị: lực lượng vũ trang phải "đứng ngoài" chính trị, “phải duy trì tính trung lập về chính trị”; rồi yêu sách đòi từ bỏ quy định của Hiến pháp nước ta về lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam v.v... Những ý kiến, kiến nghị này lại được các đài, báo nước ngoài như VOA, BBC, RFA, RFI... cùng những kẻ từng thâm thù với cách mạng ở hải ngoại tung hô, khuếch trương, làm rùm beng lên.
Một điều đáng tiếc là, đã có những người mơ hồ, mất cảnh giác, không tỉnh táo, mắc mưu những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, vào hùa với họ, "tiếp sức" cho những luận điệu chống phá trên.
Những người đưa ra kiến nghị “lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị” đã cố tình ngụy biện rằng, đó không phải là đòi "phi chính trị hóa", mà chỉ là yêu cầu duy trì "tính trung lập về chính trị” của lực lượng vũ trang thôi! Theo họ, như thế thì lực lượng vũ trang vẫn "có chính trị" chứ không phải là "phi chính trị"! Thoảng qua, có không ít người ngộ nhận về sự "có lý" của lập luận này, mà không thấy âm mưu đích thực của họ là nhằm "chuyển lập trường chính trị" của lực lượng vũ trang ta sang lập trường khác.
Đây là một dạng thức mới, một cách biểu đạt mới rất khéo léo của quan điểm "phi chính trị hóa" lực lượng vũ trang.
Vậy thì, "trung lập về chính trị”, theo họ, có phải chăng là "đứng giữa" các lực lượng chính trị, "đứng ngoài chính trị", "không can dự" vào các hoạt động đấu tranh chính trị của các lực lượng chính trị? Cả lý luận và thực tiễn, cả lịch sử và hiện tại, từ Đông sang Tây đều cho thấy không có lực lượng vũ trang phi chính trị.
Luận điệu “lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị” như là một yêu cầu, kiến nghị tưởng là rất khách quan, "không chính trị”, không giai cấp, nhưng lại rất đậm đặc tính giai cấp, tính chính trị. Thực chất là nhằm lái chính trị của lực lượng vũ trang ta sang chính trị tư sản, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang, dễ dẫn đến sự hoài nghi, thiếu tin tưởng trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ta đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Đó thực sự là những luận điểm vô căn cứ, phản khoa học và có dụng ýý xấu về chính trị; là khẩu hiệu "giả nhân giả nghĩa" của các thế lực phản động chống đối, điều mà V.I.Lênin đã từng vạch rõ và phản bác từ đầu thế kỷ XX. Tính chất "giả nhân giả nghĩa" của những kẻ đưa ra luận điểm trên biểu hiện ở chỗ: thứ nhất, nhằm để đánh lừa người khác, chứ bản thân họ cũng thừa hiểu lực lượng vũ trang không thể "đứng ngoài chính trị", mà phải mang bản chất chính trị và phải chiến đấu, phục vụ cho ai; thứ hai, trên cơ sở đó, họ nhằm "lôi kéo" Quân đội, Công an vào chính trị phản động, chống lại Tổ quốc, chống lại Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện âm mưu "phi chính trị hóa" lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Bất cứ lực lượng vũ trang nào thì vấn đề chính trị cũng đều là vấn đề quan trọng hàng đầu, đó thực chất là vấn đề bản chất giai cấp, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, do ai tổ chức và lãnh đạo, chiến đấu cho ai, vì ai.
Trong quá trình cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, mang đầy đủ bản chất, tính chất, đặc điểm của lực lượng vũ trang kiểu mới của giai cấp công nhân. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, viết nên truyền thống tốt đẹp, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành; khó khăn nào cũng vượt qua; kẻ thù nào cũng đánh thắng”, thật sự là công cụ bạo lực sắc bén, là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến.
Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Lực lượng vũ trang không thể "đứng ngoài" chính trị, đứng ngoài cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.
Chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam là thực hiện chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam, phục vụ Đảng, Tổ quốc, phục vụ nhân dân, biểu hiện tập trung ở nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Không thể nói bừa rằng lực lượng vũ trang "đứng ngoài chính trị", không cần đặt dưới sự lãnh đạo của lực lượng chính trị, đảng phái nào. Khẩu hiệu "lực lượng vũ trang đứng ngoài chính trị" ngày càng lộ rõ tính chất giả nhân, giả nghĩa của nó, nhất định bị phá sản.