Điều kiện quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
Một là, quyết tâm, quyết liệt tổ chức quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đánh giá cao và hy vọng lớn. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện ra sao để đem lại hiệu quả thiết thực trong thực tế cuộc sống. Để làm được điều đó, trước hết cần nâng cao nhận thức của mỗi cấp ủy, cán bộ, đảng viên: Xây dựng Đảng luôn luôn phải đi đôi với chỉnh đốn Đảng. Cần nắm vững những nội dung cơ bản, tư tưởng cốt lõi của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách có hiệu quả.
Nghị quyết Trung ương của Đảng đã chỉ rõ những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhấn mạnh tính chất nguy hiểm và hậu quả khôn lường của nó.
Cùng với việc cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng mà Đại hội XII đề ra, Nghị quyết Trung ương 4 lần này đã đưa ra 4 nhóm giải pháp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, trong đó tập trung vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng chúng ta phải quyết tâm thực hiện cho bằng được, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta. Quan điểm chỉ đạo của Đảng là kiên quyết, kiên trì thực hiện, khó mấy cũng phải thực hiện, thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, đồng bộ cả ở Trung ương và cơ sở.
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII phải thực hiện đồng bộ với các nghị quyết khác của Trung ương, của Quốc hội và của Chính phủ; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, ổn định tình hình; tạo niềm tin trong Đảng, trong nhân dân.
Cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp phải thật sự đoàn kết, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là phải có những giải pháp đủ mạnh, những việc làm cụ thể để làm chuyển biến rõ rệt tình hình; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống. Thực hiện Nghị quyết của Đảng cần phải hành động, hành động thiết thực, rõ hiệu quả; tránh nói nhiều làm ít hoặc chỉ nói mà không làm...
Hai là, kịp thời phát hiện, vạch trần mọi âm mưu, luận điệu, hoạt động của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị xuyên tạc, chống phá cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta hiện nay.
Cứ đến những ngày kỷ niệm lớn, các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng (như ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu cử Quốc hội, Đại hội Đảng, các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương...) các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, những kẻ tự xưng là “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam”, “người yêu nước”, lại gia tăng các hoạt động như đưa lên các trang mạng, blog hoặc dưới dạng “thư ngỏ”... những nội dung mang quan điểm sai trái, độc hại, tiến hành các hoạt động xuyên tạc, chống phá.
Thời gian gần đây, khi chúng ta đã và đang triển khai nhiều hoạt động đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, nhất là trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... thì các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực thù địch cho rằng đó chẳng qua chỉ là những cuộc “đấu đá” nội bộ, “nhóm lợi ích mới cướp (lại) nhóm lợi ích cũ” hoặc chỉ là để “trả thù, triệt hạ tay chân” của người này, người khác...
Tất cả những luận điệu xuyên tạc, bóp méo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” trên các mạng xã hội trong và ngoài nước thời gian qua đều nhằm hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động tâm trạng bất mãn của người dân trước thực trạng xã hội còn có những vấn đề chưa được giải quyết, hòng chuyển hóa xã hội ta sang một hình thức “dân chủ, nhân quyền”, “đa nguyên, đa đảng”...
Sự suy thoái về đạo đức, lối sống có nguồn gốc sâu xa, sự suy thoái còn liên quan đến môi trường kinh tế thị trường, đến thể chế một đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền... Đặc biệt là vấn đề kiểm soát quyền lực là rất quan trọng và phức tạp. Cơ chế kiểm soát quyền lực không chỉ tùy thuộc vào quyết định của Đảng mà còn tùy thuộc vào thể chế của Nhà nước, của Quốc hội, của Chính phủ...
Chính vì vậy, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được Đảng ta xác định là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành một cách thận trọng, bài bản... Với sự quyết tâm của Đảng, sự đồng tình của nhân dân, chúng ta có quyền tin tưởng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh.
Ba là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, quản lý xã hội bằng pháp luật; kiên quyết xử lý ngay những vụ việc đang gây bức xúc dư luận trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín chính trị của Đảng (điển hình như việc Tổng Bí thư chỉ đạo xử lý rốt ráo vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng và đang tích cực làm rõ khối tài sản khổng lồ của bà Hồ Thị Kim Thoa...).
Cấp ủy các cấp cần chỉ đạo rà soát ngay đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc quyền và xử lý nghiêm những trường hợp có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp. Chú trọng nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, quản lý xã hội bằng pháp luật.
Bên cạnh đó, xử lý vi phạm cần kết hợp chặt chẽ giữa vận động, giáo dục với xử phạt nghiêm minh. Kết hợp các biện pháp giáo dục, quản lý hành chính, pháp luật với dư luận để điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân. Trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cần chú trọng kiểm tra ở những nơi có vấn đề nổi cộm qua phản ánh của báo chí và nhân dân; kiểm tra, giám sát tổ chức đảng phải gắn với kiểm tra cá nhân người đứng đầu; xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.
Thời gian vừa qua, thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã chủ trương tiến hành kiểm tra, thanh tra nhiều lĩnh vực, những dự án có dấu hiệu mờ ám, vi phạm pháp luật, xem xét những cán bộ có dấu hiệu suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng.
Đặc biệt đưa ra xét xử một số vụ án lớn về kinh tế được dư luận rất hoan nghênh, điều đó cho thấy cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “lợi ích nhóm”, nhằm làm trong sạch Đảng đã được thực hiện bước đầu một cách quyết đoán và được đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh ngăn chăn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là yêu cầu, nhiệm vụ, thử thách to lớn; là điều kiện quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là Đảng cách mạng chân chính, xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong mỏi của nhân dân.