Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng quyền tự do ngôn luận, xuyên tạc bản chất chế độ ta

Thứ Tư, 18/04/2018, 09:50
Nhiều người tự xưng là người “yêu nước”, “bất đồng chính kiến”, đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền Việt Nam” đã tung lên mạng xuyên tạc tình hình, vu cáo đường lối chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước ta.

Thời gian qua, lợi dụng những mặt trái của tình hình, lợi dụng tính phức tạp nhạy cảm trong quan hệ quốc tế, nhất là đối với các nước lớn đang tranh chấp vai trò, vị thế ở biển Đông, nhiều người tự xưng là người “yêu nước”, “bất đồng chính kiến”, đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền Việt Nam” đã tung lên mạng xuyên tạc tình hình, vu cáo đường lối chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước ta. 

Một số người đã bị các cơ quan chức năng khởi tố điều tra và đưa ra xét xử về hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, chống Nhà nước.

Nhiều vụ đã đưa ra xét xử, chẳng hạn như vụ Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phú (Hà Nội, 31-1-2018), trước đó là vụ Trần Thị Nga (Hà Nam, 25-7-2017); vụ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Đà Nẵng, 30-11-2017). Đây là xét xử về tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do internet theo Điều 88, BLHS (Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Điều 258 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân), BLHS 1999.

Một số trang mạng có máy chủ ở nước ngoài đã lập tức đưa tin xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam “vi phạm quyền con người”. 

Ngay sau đó, nhiều hãng thông tấn báo chí phương Tây đã tán phát thông tin, vụ việc với cáo buộc “Việt Nam ngày càng gia tăng các vụ bắt giữ các nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”; rằng “Điều 88, BLHS của Việt Nam, được dùng để trấn áp các nhà tranh đấu cho nhân quyền”. 

Họ còn nói “Tất cả các nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền trên thế giới đều cho rằng điều khoản này (Điều 88, 258) quá mơ hồ và vi phạm công ước nhân quyền quốc tế về quyền con người; đã hình sự hoá việc thực hiện các quyền cơ bản, cũng như tự do ngôn luận của công dân”.

Vậy cáo buộc của những người “bất đồng chính kiến” và các hãng thông tấn báo chí phương Tây có đúng với những hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo không? Pháp luật Việt Nam có phù hợp với “chuẩn mực nhân quyền quốc tế” không, hay đó chỉ là một thủ đoạn chính trị nhằm những mục tiêu chính trị xấu xa, thâm độc khác?

Trước hết, về những vụ án gần đây. Tại tòa, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc đã thừa nhận các chứng cứ do cơ quan chức năng đưa ra. Đó là việc họ đã tham gia “Phong trào chấn hưng nước Việt”- là tổ chức chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài. Họ đã phối hợp với nhau quay nhiều video clip rồi đưa lên mạng nhằm xuyên tạc, vu cáo chính quyền và các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật Việt Nam.

Về vụ án Trần Thị Nga, trước tòa bị cáo đã thừa nhận lập tài khoản blog, Facebook và tải trên mạng YouTube 13 video clip có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, truyền bá những tư tưởng phản động, gieo rắc sự nghi ngờ, gây hoang mang trong nhân dân... nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam… 

Ngoài ra Nga còn viết, dán nhiều biểu ngữ có nội dung bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an, tẩy chay bầu cử Quốc hội khóa 14, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Về vụ án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, các cơ quan điều tra đã đưa ra nhiều bằng chứng phạm tội của bị cáo. Quỳnh lập tài khoản facebook “Mẹ Nấm”, đã đăng tải trên mạng gần 1.200 trang tài liệu do Quỳnh soạn thảo có nội dung sai sự thật, đả kích, nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. 

Đặc biệt Quỳnh đã soạn tài liệu “Stop police killing civilians” (phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường). Qua điều tra, hầu hết những thông tin trên mạng do “Mẹ Nấm” phát trên mạng là sai sự thật.

Qua các bằng chứng phạm tội của một số bị can bị cáo nói trên cho thấy Tòa án Việt Nam đã xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Về chuyện pháp luật Việt Nam không phù hợp với “chuẩn mực nhân quyền quốc tế”?

Theo Hiến chương Liên hợp quốc 1945, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948 và các Công ước quốc tế về quyền con người, các quốc gia dân tộc đều có “quyền tự quyết”.

Với quyền của cá nhân, các văn kiện nói trên đều quy định: trong khi hưởng thụ quyền mọi người đều phải chịu một số hạn chế nhất định và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật quốc gia.

Điều 1, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966 quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến… 

Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: (a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; (b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”.

Pháp luật Việt Nam đến nay hoàn toàn tương thích với quy định nói trên. Điều 14, Hiến pháp 2013 quy định: “Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm... 

Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Điều 15 quy định: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Như vậy là không có chuyện pháp luật Việt Nam “mơ hồ”, “trái với chuẩn mực nhân quyền” quốc tế. Tất nhiên pháp luật Việt Nam so với pháp luật các nước có thể có sự khác nhau nào đó. Điều này bắt nguồn từ lịch sử dân tộc, tính đặc thù về văn hóa và bối cảnh chính trị.

Chế độ xã hội ta là chế độ XHCN, Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền. Điều này bắt nguồn từ lịch sử cách mạng Việt Nam. Bởi vậy Hiến pháp 2013 đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Đảng, mối quan hệ của Đảng với nhân dân, bao gồm cả chịu sự giám sát của nhân dân.

Điều 4 Hiến pháp 2013 quy định: “(1) Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. (2). 

Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. (3). Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Có thể nói, nội dung những bình luận trên nhiều trang mạng gần đây, nhất là về các vụ án vi phạm tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do internet tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là vô căn cứ - nói đúng hơn là những thủ đoạn chính trị xấu xa, thâm độc. 

Qua những thông tin sai trái, không có thật, trên thế giới ảo, họ hy vọng gây ra những ngộ nhận về bản chất của Đảng và chế độ ta, phá vỡ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân ta, từ đó từng bước chuyển hóa chế độ xã hội ta sang mô hình “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”. Điều này có thể hủy hoại những thành quả cách mạng của dân tộc ta.

Vọng Đức
.
.
.