Xung quanh đề xuất kỷ luật cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương:

Cảnh giác trước những chiêu trò “đánh tráo khái niệm” nhằm chia rẽ nội bộ

Thứ Ba, 02/05/2017, 18:27
Nhân việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề xuất kỷ luật đối với các vị nguyên là lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), các “nhà quan sát” bên bàn phím, máy lạnh, thả sức “bình loạn”, “không sợ ai đánh thuế”, bất chấp những nhận xét rất ngây ngô của mình hoàn toàn sai lạc với thực tế đời sống chính trị ở Việt Nam hiện nay...


Ilya Erenburg là nhà văn, nhà chính luận nổi tiếng của nước Nga. Chuyện kể rằng, ngay sau Đại chiến thế giới lần thứ II, với tư cách Đại biểu Xôviết Tối cao Liên Xô, Erenburg sang công tác tại Canada. 

Trong một cuộc họp báo, khi câu chuyện xoay quanh vấn đề Liên Xô công nhận Argentina, một nhà báo Mỹ đã đưa ra câu hỏi khiêu khích Erenburg: “Có đúng là nước Nga Xôviết đã công nhận Argentina, mặc dù ở đó, người cầm quyền vẫn là Peron, người mà báo chí Xôviết một thời gọi là tên phát xít?”.

Erenburg nheo mắt: “Tôi không hiểu câu hỏi?”. Trong tiếng cười nhạo phát ra từ căn phòng chật ních các nhà báo, người ta nhắc lại thật to cho ông nghe vẫn câu hỏi ấy. 

“Không, tôi nghe rất rõ điều ông nói - Erenburg cho biết - Tôi chỉ không hiểu ý nghĩa câu hỏi của ông. Khi chúng tôi không thừa nhận Peron, các ông không hài lòng và hỏi chúng tôi tại sao không thừa nhận Peron. Bây giờ, nếu như tin vào lời ông, chúng tôi đã thừa nhận Peron, các ông cũng lại không hài lòng vì chúng tôi đã thừa nhận ông ta. Tôi không hiểu, cuối cùng thì các ông muốn gì ở chúng tôi?”.

Dân gian ta có câu “Không ưa, dưa có dòi”. Cách cật vấn của vị phóng viên người Mỹ đối với một trong những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Nhà nước Xôviết là Ilya Erenburg khi ấy đã cho thấy một thực tế: Rất khó tìm được tiếng nói chung về một vấn đề khi người ta có cách nhìn thiếu thiện chí đối với nhau.

Còn nhớ, ngày 17-10-2016, trong một cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) trước thềm kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, nhân đề cập tới việc chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu nhận định: “Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh vào ta”. 

Cũng trên cái ý này, Tổng Bí thư phân tích thêm: “Ai dám tự phê bình, tự nhận khuyết điểm, nhận kỷ luật? Kiểm điểm rất nghiêm túc, nhưng xin được rút kinh nghiệm, thế thôi…Vì vậy, việc chống tham nhũng vẫn chưa được như chúng ta mong muốn”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu hai năm rõ mười vậy. Có clip ghi lại. Nhưng không hiểu sao, khi trích dẫn, nhiều trang mạng (trong đó có cả một số cơ quan báo chí) lại chuyển ra thành “Chống tham nhũng là ta đánh ta”!?. 

Tất nhiên, hẳn sẽ có người “lý luận” rằng, tham nhũng chính là “giặc nội xâm”, nên đổi câu “chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh ta” thành “Chống tham nhũng là ta đánh ta” về nội hàm cũng không mấy khác nhau. Song cái chính là phía “lề trái” khi vin vào câu này, họ đã bình luận và đi đến quy kết, Đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận không thể đấu tranh chống tham nhũng vì “không ai lại dại gì ta đánh ta”. Có thể nói, đây là một cách trích dẫn, bình luận xiên xẹo, vừa không nghiêm túc, khoa học, vừa rất thiếu thiện chí (nếu không muốn nói là ác ý).

Những tưởng với một số người đã trót đưa ra kết luận hàm hồ nói trên, hẳn sau khi được tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương (của Đảng Cộng sản Việt Nam) ra thông báo, trong đó nêu rõ những sai phạm và kiến nghị mức kỷ luật cũng như đề xuất kỷ luật đối với các vị nguyên là lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), giai đoạn 2009-2015 có sai phạm trong quản lý kinh tế, gây hậu quả rất nghiêm trọng, họ hoặc giả nếu không lên tiếng ủng hộ thì cũng nên im lặng “tự điều chỉnh” bởi những nhận định trước đó của mình. Đằng này, sự thể hoàn toàn ngược lại. 

Sau khi nhiều tờ báo chính thống ở Việt Nam cho in bản thông báo nói trên vào ngày 27-4-2017, và sau đó là đăng ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số cơ quan Ban, Ngành… nhận định về vụ việc, một số nhà “bình loạn” (trong đó có những người mà chúng ta quen gọi là “các đối tượng thù địch và phần tử cơ hội chính trị”) đã viết bài, nêu ý kiến, như thể đây là một “chiến dịch thanh trừng nội bộ”, “đấu đá, thâu tóm quyền lợi”. 

Ví dụ rất nhiều, ở đây tôi chỉ xin nhắc tới 2 bài viết, một của tác giả ký tên Người Quan Sát, một của tác giả ký tên Bùi Quang Vơm, được dẫn lại trên trang web của GS Trần Hữu Dũng (một Việt kiều hiện định cư tại Mỹ) trong các ngày 28, 29-4 vừa qua. Đó là 2 bài viết cùng được dẫn trên một trang web nhưng lại có những nhận xét “vênh” nhau tới… 180 độ; trong khi đều rất giống nhau ở độ “loạn chuẩn”, thiếu tính xây dựng. 

Có thể nói, đó là các “nhà quan sát” bên bàn phím, máy lạnh, thả sức “bình loạn”, “không sợ ai đánh thuế”, bất chấp những nhận xét rất ngây ngô của mình hoàn toàn sai lạc với thực tế đời sống chính trị ở Việt Nam hiện nay.

Một điều rất đáng ngạc nhiên nữa, là ở bài viết của tác giả Bùi Quang Vơm, mặc dù thừa nhận có khuất tất, mờ ám trong động cơ làm ăn (cũng như một số vấn đề khác) của các “thủ lĩnh” PVN trước đây, cũng như thừa nhận quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, vậy nhưng trong cách nhận xét, bình luận, tác giả này (cũng như tác giả Người Quan Sát) vẫn thường xuyên dùng những từ ngữ xúc xiểm, miệt thị người đứng đầu công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực ấy (cũng như một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước). 

Thiết nghĩ, con người sống trong các chế độ khác nhau có thể có quan điểm chính trị khác nhau, song riêng về tội phạm kinh tế, với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực thì ở đâu cũng cần lên án. Tất cả đều phải có một tiếng nói chung. 

Việc các tác giả nói trên (cùng nhiều nhà “bình loạn lề trái” khác) viết bài chửi búa xua, xưng xưng mọc mọc bịa ra đủ các thông tin không có thực; suy xét, nhìn nhận vấn đề không trên nền tảng của đạo đức, đạo lý, của tiến bộ xã hội…nhân việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra kết luận xử lý cán bộ ở PVN càng thể hiện ở họ một mưu đồ, một quyết tâm: Nói gì cũng được, đúng sai không bàn, miễn là góp phần thay đổi chế độ do Đảng Cộng sản lãnh đạo ở Việt Nam.

Phạm Thành Chung
.
.
.