Cần có đánh giá khách quan về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam hiện nay

Thứ Bảy, 22/12/2018, 09:05
Ngày 16-12, Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch, viết tắt: HRW) công khai đệ trình báo cáo về Việt Nam lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC). Mặc dù đã có đánh giá tiến bộ, song tổ chức này tiếp tục có cái nhìn phi lý, quy chụp, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Báo cáo của tổ chức này lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong bối cảnh ngày 22-1-2019, Việt Nam sẽ trình bày và đối thoại Báo cáo Quốc gia về nhân quyền theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 3 của UNHRC. 

Sau khi xem xét, nghiên cứu những nội dung Báo cáo mà HRW đệ trình cho thấy, những cáo buộc của tổ chức phi chính phủ này là hoàn toàn phi lý, thiếu khách quan và đi ngược lại xu thế hợp tác, hòa bình, phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế.

Báo cáo của tổ chức này cho rằng: “Kể từ năm 1954 cho đến hiện tại, Việt Nam chưa bao giờ tổ chức bầu cử tự do và công bằng. Đại biểu Quốc hội hầu hết là thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam được chọn lựa vào. Tòa án và các bộ, ngành đều dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam…”?.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Đại hội đồng Liên hợp quốc quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá (Điều 1). 

Tuyên ngôn về nhân quyền cũng ghi rõ: Ai cũng được hưởng những quyền tự do, không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.

Trong những tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ, nguyên thủ hai quốc gia đều nhất quán khẳng định: Tiếp tục nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ hai nước trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

Chắc hẳn, khi xây dựng Báo cáo đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, HRW cố tình không biết những điều trên? Họ cũng lờ đi tình hình thực tế là, trong Hiến pháp, văn bản luật, pháp lệnh ở Việt Nam đều nhấn mạnh quyền con người, trong đó có những văn bản hết sức quan trọng như Hiến pháp 2013, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự...

Điển hình như Hiến pháp năm 2013 khẳng định, nêu rõ: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính chị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14). Các quyền cơ bản như: quyền bầu cử và quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, quyền và cơ hội bình đẳng giới… đều được nhất quán trong hệ thống quy phạm pháp luật và điều chỉnh, thực hiện trong thực tiễn cuộc sống.

Mọi người dân đều có quyền ứng cử vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc Hội. Việc lựa chọn ai đều do người dân thông qua lá phiếu bầu cử của mình quyết định. Và thực tế là, trong Quốc Hội có đa dạng thành phần, có đại biểu là đảng viên, có đại biểu ngoài đảng, có đại biểu là chức sắc tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc khác nhau… Quốc hội là cơ quan của dân, vì dân, do dân quyết định. Với thực tế như vậy, những cáo buộc trên của HRW là không khách quan và xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, có chủ quyền, thể chế chính trị ở Việt Nam là do lịch sử và dân tộc, nhân dân Việt Nam lựa chọn, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc, được quốc tế, các quốc gia và các tổ chức thừa nhận, tôn trọng. Trong hệ thống chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam, trung thành với lợi ích nhân dân và cả dân tộc; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước thống nhất giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Vì vậy, không chỉ tòa án, các bộ, ngành, mà cả hệ thống chính trị hoạt động theo pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng nằm trong quy định pháp luật. Về các quyền dân sự, chính trị, Việt Nam đã đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân. Rõ ràng đánh giá trên là cố tình suy diễn, can thiệp nội bộ tình hình Việt Nam.

Tổ chức Theo dõi nhân quyền nêu lên các vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam điển hình như: “Việt Nam kiểm soát truyền thông, khóa hoặc đóng các trang website nhạy cảm về chính trị, bắt bớ những người sử dụng mạng xã hội để lên tiếng chỉ trích Chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2018, Quốc Hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng, có hiệu lực vào năm 2019 để can thiệp sâu hơn liên quan quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt của người dân. Việt Nam cấm đoán các hiệp hội thương mại độc lập, cũng như kiểm soát chặt chẽ các tổ chức xã hội, các nhóm sinh hoạt tôn giáo và các xã hội dân sự”.

Như đã phân tích ở trên, các quyền cơ bản như: Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp… được Hiến pháp công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật. Những nhận định trên là mang tính quy chụp và hoàn toàn không đúng với thực tiễn đang diễn ra ở Việt Nam. Cả nước hiện nay có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm; là một trong số quốc gia có tốc độ phát triển, phổ cập Internet nhanh nhất thế giới với hơn 50 triệu người dùng, chiếm 54% dân số, 58 triệu tài khoản Facebook.

Từ năm 2015 đến nay có 5 cơ sở đào tạo tôn giáo được thành lập mới, mọi người được tự do theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Đây là những số liệu cụ thể, là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy những cáo buộc trên là không có căn cứ, phản ánh không đúng tình hình Việt Nam, nếu không muốn nói là cố tình suy diễn, xuyên tạc về tự do nguôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin, tự do tín ngưỡng… ở Việt Nam  

Ngoài ra, báo cáo này cho rằng: “Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi và tiếp tục sử dụng các Điều 79, Điều 89 là điều luật mơ hồ để bỏ tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo ôn hòa. Việt Nam hiện cầm tù ít nhất 136 người dưới các điều luật này vì họ bị cho là tạo ra mối đe dọa đối với Nhà nước Việt Nam. Trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã bắt giữ và bỏ tù ít nhất 26 nhà hoạt động nhân quyền và blogger”.

Bộ luật Hình sửa đổi tiếp tục quy định tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và “Tội phá rối an ninh” (Điều 79, Điều 89, Bộ luật Hình sự 1999). Đây là những điều luật quy định có nội hàm rõ ràng, quy định hành vi, hình phạt tù cụ thể. Theo đó, người có hành vi chống chính quyền nhân dân; kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Đối với mỗi quốc gia có độc lập, chủ quyền, hệ thống pháp luật đầy đủ, nghiêm minh thì những hành vi lật đổ chính quyền, nhà nước, tụ tập, lôi kéo gây mất an ninh trật tự, chống người thi thành công vụ… đều bị nghiêm trị. Do vậy, những người đã bị xét xử và đang chịu hình phạt tù theo quy định của luật này là cá nhân phạm tội cụ thể, rõ ràng, chứ không phải “mơ hồ” như Tổ chức Theo dõi nhân quyền nêu ra.

Tình hình thế giới biến động mau lẹ, phức tạp và khó lường. Ở nơi này, nơi khác, đấu tranh vũ trang, chiến tranh dân tộc, sắc tộc, bạo loạn, lật đổ, chạy đua vũ trang, từng ngày, từng giờ đang diễn ra; ở nước này, thành phố kia, “phe áo đỏ”, “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” luôn luôn rình rập, đe dọa…, hay ngay cả trung tâm được mệnh danh là “Kinh đô ánh sáng Pari” hoa lệ bậc nhất, biểu tình “áo gile vàng” đi liền hỗn loạn, bất ổn, chưa có hồi kết. Trái ngược với hình ảnh đó, ở Việt Nam là cuộc sống thanh bình. Suy cho cùng, đó là thành quả của tự do, nhân quyền của con người được đảm bảo của một xã hội ngày càng tiến bộ.

Soi lại “Đệ trình Báo cáo nhân quyền Việt Nam” năm 2018  với các “Báo cáo”, “Phúc trình”… của Tổ chức Theo dõi nhân quyền qua các năm trước đây đối với vấn đề nhân quyền Việt Nam, người ta thấy chẳng có gì thay đổi. Nội dung vẫn là những đánh giá vô căn cứ, cáo buộc thiếu khách quan, xuyên tạc, bóp méo sự thật về tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Những đánh giá mà tổ chức này đưa ra nhằm “diễn biến” tình hình Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phủ nhận quá trình đổi mới, phát triển, hội nhập tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Mục đích của tổ chức phi chính phủ này trong nhiều năm qua là hoạt động để thúc đẩy “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, “xã hội dân sự” ở Việt Nam… Đây là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam, cần phải cảnh giác, đấu tranh. Đồng thời cũng là cơ sở để cơ quan chức năng của tổ chức quốc tế có nhìn nhận toàn diện, đánh giá khách quan, xây dựng về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam hiện nay.

Lê Vĩnh Bình (Học viện Chính trị CAND)
.
.
.