Cách mạng Tháng Mười Nga - Những bài học còn nguyên giá trị về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

Thứ Hai, 16/10/2017, 08:12
Cách đây tròn một thế kỷ, thế giới chứng kiến một cuộc cách mạng vĩ đại nhất, đưa chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực - Cách mạng Tháng Mười Nga.


Sự ra đời của Nhà nước Xô Viết chuyên chính vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người đã tạo tiền đề căn bản, quyết định để nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 chống lại chủ nghĩa diệt chủng, phát xít.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và những gì mà cuộc cách mạng này tạo ra có sức lan tỏa, cổ vũ, lôi cuốn, thúc đẩy mãnh liệt đối với phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế, làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa của thực dân, đế quốc ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh.

Khi đánh giá về vai trò, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(1); “Thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng Mười Nga đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của loài người”(2)...

Cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra trong bối cảnh phong trào yêu nước và phong trào công nhân Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, song đều thất bại do thiếu đường lối cách mạng phù hợp.

Tiếp thu ánh sáng của học thuyết Mác - Lênin và thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, bằng phương pháp luận khoa học, nhãn quan chính trị sắc bén, trí tuệ vượt trội và khả năng thiên tài quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ: “Cách mạng Việt Nam muốn thành công phải đi theo con đường của V.I. Lênin, con đường cách mạng tháng Mười Nga; muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(3).

Để hiện thực hóa chân lý ấy, Người đã tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh về mọi mặt, đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử tập hợp, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quán triệt tư tưởng của Lênin: “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”; “cách mạng phải biết tự bảo vệ và có sức mạnh tự bảo vệ”, Đảng và Bác Hồ kính yêu đã thường xuyên quan tâm giáo dục cho những người cộng sản, nhân dân lao động nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tính cấp bách, chủ trương xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyên chính với kẻ thù và là chỗ dựa vững chắc cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.

Giác ngộ, tập hợp, phát động đông đảo các giai tầng xã hội “vô luận theo hình thức gì, lối gì, theo sản nghiệp hay nghề nghiệp, tên gọi là gì, các hội ái hữu, hội tương tế, hội đồng hương, hội đồng minh, hội hợp tác xã, hội học sinh, hội phụ lão, hội thể thao, ban học tối, hội hát kịch, hội đưa ma, hội lợp nhà...”(4) tham gia các phong trào đấu tranh chính trị rộng khắp, từ đó lựa chọn, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú, dũng cảm, trung thành nhất tổ chức thành các Đội tự vệ đỏ, Đội du kích, Đội tự vệ cứu quốc… là tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân sau này. Chỉ chưa đầy 15 năm (1930 - 1944), lực lượng vũ trang nhân dân từ chỗ chưa có gì đã được xây dựng, phát triển từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn chỉnh đến dần hoàn chỉnh với lực lượng “ba thứ quân” hùng hậu ở hầu khắp các địa phương.

Trong những ngày tháng tám lịch sử, tình thế cách mạng chuyển biến tích cực, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã chín muồi, lực lượng vũ trang nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt trong đấu tranh, tiêu diệt địch, hỗ trợ, mở đường cho quần chúng nhân dân đồng loạt tổng khởi nghĩa, phá tan xiềng xích nô lệ, thiết lập chính quyền công - nông trên phạm vi cả nước.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân ta chưa kịp thụ hưởng thành quả từ nền độc lập, tự do mang lại đã phải đối mặt với nguy cơ, thách thức “thù trong, giặc ngoài”, vận mệnh dân tộc và nhà nước công - nông non trẻ rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trước tình hình đó, lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đã dựa vào nhân dân bước vào cuộc đấu tranh sinh tử, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” bảo vệ Đảng, nhân dân và thành quả cách mạng mà nhân dân ta mới giành được.

Bám sát nhiệm vụ cách mạng trong mỗi giai đoạn lịch sử, lực lượng vũ trang nhân dân đã không ngừng được xây dựng, phát triển, trưởng thành về mọi mặt, cùng với toàn Đảng, toàn dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, kế hoạch chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước sau đại thắng mùa xuân năm 1975.

Bước vào giai đoạn cách mạng mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch, phản động, chống đối tuy thất bại nhưng vẫn không chịu từ bỏ âm mưu, ý đồ chống phá sự nghiệp cách mạng của đất nước, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng với mọi phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Nhiệm vụ cách mạng thay đổi đặt ra yêu cầu cấp bách cho lực lượng vũ trang nhân dân nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, nhất là chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới, lực lượng vũ trang nhân dân tiếp tục được xây dựng, kiện toàn theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó xây dựng chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó mật thiết, máu thịt với nhân dân là nguyên tắc cơ bản, nhân tố quyết định bản chất, sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy, trong suốt chặng đường đã qua, được Đảng và Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo, tổ chức, giáo dục và rèn luyện, được tôi luyện, trưởng thành từ các phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, của dân tộc, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, bất luận trong hoàn cảnh nào, lực lượng vũ trang nhân dân luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, thực sự là lực lượng trọng yếu, nòng cốt trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, thế giới đã có những biến động, thay đổi to lớn, sâu sắc, bên cạnh hòa bình, ổn định cũng phải đối mặt với không ít những thách thức về chính trị, an ninh, kinh tế - xã hội. Một trong những thành quả của Cách mạng tháng Mười Nga là Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu - nơi từng là niềm tự hào của nhân loại tiến bộ, “thành trì của hòa bình thế giới” không còn nữa.

Thế nhưng, học thuyết Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, thời đại, đã và đang thôi thúc giai cấp công nhân và những người tiến bộ tiếp tục cống hiến, hy sinh không mệt mỏi trong cuộc đấu tranh để xây dựng một thế giới hòa bình, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, bình đẳng, bác ái, không còn áp bức, bóc lột, không còn những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến xung đột, chiến tranh - đó là xã hội xã hội chủ nghĩa.

Đối với nước ta, sự kiện chính trị ở Liên Xô, Đông Âu luôn gợi lên trong tâm thức và nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân bài học cảnh tỉnh về tinh thần kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với nhà nước, xã hội và lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang nhân dân mang bản chất giai cấp, tính đảng, tính nhân dân sâu sắc.

Trong bối cảnh mới, các thế lực thù địch ráo riết lợi dụng mọi điều kiện, đặc biệt là sự kiện chính trị ở Liên Xô và Đông Âu để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” và các hoạt động chống phá, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kích động chia rẽ, đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang với những thủ đoạn vô cùng tinh vi, nham hiểm nhằm lật đổ vai trò lãnh đạo của các Đảng Cộng sản, xóa bỏ hoàn toàn chế độ xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới.

Tuy nhiên, như Lênin đã từng khẳng định: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”(5). Điều đó đồng nghĩa với việc, trong mọi hoàn cảnh, yếu tố “tự bảo vệ” luôn giữ vai trò quyết định sự tồn vong, phát triển vững mạnh của Đảng, Nhà nước và chế độ, trong đó giữ vững bên trong là chính, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp, tiềm lực, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của lực lượng vũ trang nhân dân là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng.

Tình hình nêu trên đã và đang đặt ra cho lực lượng vũ trang nhân dân những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất nặng nề, phấn đấu hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó, đó là: “bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”(6).

Trong đó, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự phối hợp của Quân đội nhân dân, các cấp, các ngành và sự thương yêu, che chở, đùm bọc, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vẻ vang của dân tộc, của ngành và các thế hệ cha anh đi trước; nghiên cứu, học tập, quán triệt, nhận thức sâu sắc và phát triển, vận dụng sáng tạo những giá trị lý luận, thực tiễn của học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng xã hội ổn định, trật tự, kỷ cương, yên bình, góp phần xây dựng hòa bình trong khu vực và thế giới.

Trong mọi hoàn cảnh, cấp ủy và lãnh đạo công an các cấp, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân cần xác định bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả nhưng cũng hết sức nặng nề, khó khăn, gian khổ, phức tạp.

Từ đó, chủ động, nhạy bén, nắm vững các quy luật khách quan, xuất phát từ thực tế khách quan và tình hình thế giới, khu vực và trong nước, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân và các lực lượng chức năng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận diện kịp thời, đầy đủ và có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, chiến lược “Diễn biến hoà bình”, “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” của các thế lực thù địch.

Bảo đảm thực chất, hiệu quả, thiết thực công tác “tự phê bình, phê bình”, đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” trong Công an nhân dân.

Chú trọng công tác vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận lòng dân vững chắc.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, T.12, tr.300.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, T.12, tr.303.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, T1, tr.9.

4. ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.154.

5. V.I.Lênin - Toàn tập, Tập 39,Nxb Tiến bộ, M.1978, tr.53.

6. Điều 65 Hiến pháp năm 2013.

Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
.
.
.