Vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo

Những linh mục đi ngược lại đạo và đời

Thứ Bảy, 15/04/2017, 08:15
Nguyễn Đình Thục trong vai là linh mục quản xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cấu kết với một số đối tượng phản động trong và ngoài nước, kích động một số người dân...

Bài 1: Những linh mục đi ngược lại đạo và đời

Trong thời gian gần đây, Nguyễn Đình Thục trong vai là linh mục quản xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cấu kết với một số đối tượng phản động trong và ngoài nước, kích động một số người dân trên địa bàn lấy cớ là đi khởi kiện Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa (Công ty Formosa) để nhằm chống đối chính quyền, làm đảo lộn cuộc sống người dân địa phương, làm ách tắc quốc lộ 1A gây nhiều thiệt hại cho các công ty, doanh nghiệp và nhân dân địa phương.

Linh mục Gioan Baotixita Thục tên đầy đủ là Nguyễn Đình Thục, sinh ngày 10-4-1978, tại xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Thụ phong linh mục ngày 19-6-2010. Trước khi về quản xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, Nguyễn Đình Thục là quản xứ Đồng Lam, ở xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trực tiếp xuống vận động, giải thích với người dân Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Cơ quan chức năng xác định Linh mục Nguyễn Đình Thục chính là người đứng đằng sau nhiều vụ kích động gây bất ổn cuộc sống của nhân dân trên địa bàn như vụ truyền đạo trái phép, bắt giữ người trái pháp luật xảy ra ở thôn Trung Hương, xã Yên Khê, Con Cuông, Nghệ An; kích động nhân dân chống đối chính quyền, gây rối, ném đá làm bị thương hàng chục người vào sáng 14-2-2017.

Những hành động sai trái của Nguyễn Đình Thục đều có sự tiếp tay của một số tổ chức, đối tượng phản động ở nước ngoài. Chỉ vì tiền, linh mục Nguyễn Đình Thục đã đi ngược lại những điều răn dạy của Đức Chúa, lừa đảo con chiên, chống phá chính quyền.

Điều 1239 của Bộ Giáo luật ghi rõ: “Cả bàn thờ cố định lẫn bàn thờ di động chỉ được dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, tuyệt đối không được sử dụng vào bất cứ việc phàm tục nào, thế nhưng ông ta vẫn cố tình phớt lờ, vi phạm nghiêm trọng khi biến nhà thờ thành nơi cổ vũ những việc làm phàm tục, dành phần lớn thời gian của một buổi lễ để nói xấu chế độ, huy động giáo dân khiếu kiện, thiếu đạo đức nơi tôn nghiêm…

Mặc dù được Giáo hội tạo điều kiện cho ăn học, nhân dân giúp đỡ để trở thành linh mục, nhưng Nguyễn Đình Thục liên tục đi ngược lại bản chất thiên lương, đạo đức của người có đạo, truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam.

Năm 2012, Nguyễn Đình Thục đặt chân đến xã Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An trong sự chào đón của người dân trên địa bàn. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, Nguyễn Đình Thục ngấm ngầm cấu kết với một số đối tượng khác, tìm cách phá hoại cuộc sống yên bình của người dân nơi đây.

Đỉnh điểm là vào ngày 1-7-2012, mặc dù nhân dân trên địa bàn phản đối, Nguyễn Đình Thục vẫn tìm cách kêu gọi gần 700 người kéo về thôn Trung Hương, xã Yên Khê, tiến hành lễ trái pháp luật, rao giảng những ngôn từ kích động đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc.

Khi người dân địa phương và chính quyền đến gặp Nguyễn Đình Thục để bàn cách phối hợp giải quyết, tìm phương án hài hòa tốt đẹp giữa đạo và đời, thì Nguyễn Đình Thục cùng một số đối tượng lập tức bộc lộ bản chất phản động, lưu manh khi giam giữ 43 người dân và cán bộ chính quyền cơ sở để đánh đập trong suốt 12 tiếng đồng hồ.

Bất bình trước hành động ngang ngược của Nguyễn Đình Thục, hàng ngàn người dân ở các địa phương lân cận khi nghe tin đã đồng loạt lên tiếng, đồng thời tìm cách kéo về xã Yên Khê để bao vây Nguyễn Đình Thục và các đối tượng giam giữ, đánh đập người trái pháp luật.

Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã phải trực tiếp xuống địa bàn trấn an nhân dân, đồng thời lên phương án bảo vệ an toàn cho Nguyễn Đình Thục và một số bà con giáo dân bị Thục kích động.

Với bản chất ngoan cố và quyết tâm thực hiện việc chống phá đất nước, đi ngược lại cuộc sống bình yên của nhân dân, từ ngày 5 đến ngày 6-12-2016, Nguyễn Đình Thục đã âm thầm đi sang Đài Loan gặp Nguyễn Văn Hùng, một linh mục người Úc gốc Việt đang sống tại Đài Loan để bàn bạc và tìm cách trở về kích động, phá hoại cuộc sống bình yên trong nước.

(Nguyễn Văn Hùng đang đại diện một tổ chức ngoại vi của tổ chức phản động Việt Tân). Với chiêu bài kích động nhân dân Song Ngọc đi khởi kiện Công ty Formosa vì quyền lợi của người dân, nhưng bản chất thực sự của Nguyễn Đình Thục là để nhận tiền của các tổ chức, đối tượng phản động và gây thanh thế, tạo tiếng vang cho Nguyễn Đình Thục trong con mắt của các đối tượng phản động.

Vì vậy, ngày 14-2-2017, khi người dân giáo xứ Song Ngọc nghe lời Nguyễn Đình Thục xuống đường để đi khởi kiện, đã có một số đối tượng trong tổ chức phản động Việt Tân đi theo để kích động nhân dân chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật như: Chu Mạnh Sơn, Nguyễn Thị Phương, Lê Văn Nhàn, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Dũng, Trịnh Tuấn Anh, Bạch Hồng Quyền và đối tượng chống phá cộm cán là Hoàng Đức Bình - với chức danh tự xưng là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt (một tổ chức phản động do chúng lập ra).

Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam cầm loa kêu gọi, kích động một số bà con giáo dân tuần hành làm ách tắc quốc lộ 1A, và chống đối cơ quan chức năng.

Trở lại vụ việc ngày 14-2-2017, trước khi kích động một số người dân xuống đường, lấy cớ đi khởi kiện Công ty Formosa để thực hiện âm mưu thủ đoạn cho riêng mình, Nguyễn Đình Thục đã tiến hành cầu nguyện “Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho anh em và cho nhau.

Cầu nguyện cho chế độ Cộng sản mau mất đi”. Ngay trong lời cầu nguyện của Thục cũng đã bộc lộ bản chất phản động, rời xa đạo lý của giáo lý Ki tô, chống đối chính quyền, lừa phỉnh nhân dân.

Vì vậy, trên đường đi, do thời tiết xấu và khi được lãnh đạo chính quyền tỉnh Nghệ An tuyên truyền, giải thích, nhiều bà con giáo dân đã có ý định và quay trở về nhưng Nguyễn Đình Thục đã dùng vai trò linh mục, gây sức ép buộc giáo dân phải đi tiếp. Nhưng nhiều bà con giáo dân vẫn quay về.

Thấy âm mưu của mình sắp bị lật tẩy, các đối tượng phản động ở trong và nước ngoài điện thoại liên tục gây sức ép, nên Nguyễn Đình Thục tiếp tục dùng vai trò linh mục để ép người dân tiếp tục đi.

Đồng thời, kích động một số người dân qúa khích gây rối, ném đá vào lực lượng chức năng, gây thiệt hại lớn về tài sản, làm nhiều người bị thương; đây là những hành động sai trái, vi phạm pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước sắp tới sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

Cũng giống như Nguyễn Đình Thục, với danh nghĩa là một linh mục, Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, xã An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An đã lợi dụng đức tin của nhiều người để thực hiện những âm mưu, dã tâm phản quốc của mình. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, Đặng Hữu Nam đã tuôn ra những lời răn dạy cay độc, chống chế độ đến ngông cuồng.

Là một linh mục lẽ ra phải rao giảng lời hay ý đẹp theo thánh kinh, kính Chúa, yêu nước thì Đặng Hữu Nam lại rao giảng cho con chiên theo hướng tà giáo, phản đạo, phản quốc. Không dừng lại ở đó, nhiều lần Đặng Hữu Nam còn kêu gọi bà con trên địa bàn bỏ công việc hàng ngày, để kéo vào Formosa Hà Tĩnh lấy cớ đi kiện để gây rối.

Mặc dù nơi Công ty Formosa đặt nhà máy cách nơi Đặng Hữu Nam và xã An Hòa gần 200km và An Hòa cũng không bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển vừa qua. Tại sao Đặng Hữu Nam lại cố tình lôi kéo, kích động một bộ phận người dân khiếu kiện Fomosa, bởi làm vậy linh mục này mới nhận được tiền tài trợ từ các đối tượng phản động ngoài nước.

Hóa đơn nhận tiền được viết tay của Đặng Hữu Nam vào ngày 4-10-2016 ghi cụ thể: “Tôi, linh mục An tôn Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, thuộc xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã nhận từ linh mục An tôn Lê Ngọc Thanh 5 khoản với số tiền: 348.250.000 đồng, 10.900 đô la và 300 EURO” đã phần nào nói lên được bản chất phản động, những hành vi vi phạm pháp luật cũng như sự manh động của vị linh mục này trong thời gian gần đây.

Nhóm PV thời sự
.
.
.