VAR dường như đang giết chết cảm xúc bóng đá
Thứ Hai, 18/06/2018, 22:37
VAR đem lại "công bằng" có thể nhưng chưa chắc đủ nếu quyết định sử dụng nó lúc nào vẫn thuộc về một con người.
Hàn Quốc là "nạn nhân" tiếp theo của công nghệ VAR khi trọng tài Joel Aguilar cho Thụy Điển hưởng quả phạt đền ở phút 65. Bàn thắng duy nhất của trận đấu giúp Thụy Điển có 3 điểm đồng thời khiến chặng đường tại World Cup 2018 của đại diện châu Á gian nan hơn rất nhiều.
Công nghệ VAR (video assistant referee) được hiểu là sử dụng nhiều góc máy video khác nhau, bao gồm cả các máy quay làm chậm nhằm đánh giá chính xác một tình huống để hỗ trợ trọng tài điều khiển các trận đấu bóng đá.
Anh là nước đi tiên phong khi áp dụng công nghệ này cho hai giải đấu là FA Cup và League Cup. Confred Cup 2017 một giải đấu tiền World Cup cũng được sử dụng VAR.
Thụy Điển có 3 điểm trước Hàn Quốc nhờ công nghệ VAR. Ảnh: Reuters. |
Ở chừng mực nào đó VAR đã khiến các trận đấu trở nên công bằng hơn bởi trọng tài sẽ có thể có cái nhìn đa chiều về các tình huống nhạy cảm đã diễn ra trên sân. Tuy thế các vận hành của VAR cũng đang tồn tại vấn đề.
Trọng tài là người quyết định khi nào mới sử dụng công nghệ tiên tiến này, tức là sẽ có những tình huống bị bỏ qua không cần dùng đến VAR để ra quyết định và đây chính là điều có thể gây ra những "bất công".
Điển hình như trận đấu của Hàn Quốc và Thụy Điển vừa qua khi trọng tài đã không sử dụng VAR để ra quyết định trong tình huống cuối trận mà nhiều Hàn Quốc cho rằng bóng đã chạm tay một cầu thủ Thủy Điển trong vòng cấm đội bóng Bắc Âu. Các pha quay chậm sau đó cho thấy đúng là bóng đã chạm tay một cầu thủ Thụy Điển và nếu sử dụng VAR Hàn Quốc sẽ được hưởng penalty từ đó kết quả của trận đấu sẽ có thể rất khác.
Một trường hợp khác bị thiệt thòi khi trọng tài không dùng VAR trong một tình huống nhạy cảm là Brazil. Đội bóng Nam Mỹ bị Thụy Sĩ cầm hòa mà bàn thắng ấn định tỷ số 1-1 được ghi trong tình huống hậu vệ Joao Miranda đã bị Zuber phạm lỗi.
Không phủ nhận VAR là một công nghệ tiên tiến nhưng nó dường như đang làm các trận đấu trở lên bớt kịch tính hơn. Lấy ví dụ như trận đấu của Thụy Điển và Hàn Quốc, trước khi có quả phạt đền, đại diện châu Á đang chơi rất tốt và nếu không có VAR cục diễn kịch tính như thế có thể kéo dài tới phút cuối cùng của trận đấu. VAR đem lại "công bằng" có thể nhưng chưa chắc đủ nếu quyết định sử dụng nó lúc nào vẫn thuộc về một con người.
VAR từ khi ra đời đã nhận khá nhiều chỉ trích từ cả giới trọng tài lẫn cầu thủ. Luka Modric từng phản đối việc áp dụng VAR vào bóng đá. “Tôi không thích VAR, vì nó không phải là bóng đá”. Zinedine Zidane, người hùng dẫn Real Madrid cũng tỏ ra không thích thú với công nghệ này. Và có lẽ không ngoa khi nói rằng VAR đang giết chết cảm xúc của bóng đá môn thể thao vốn cuốn hút bởi nó chứa đựng rất nhiều cảm xúc.
Thế đấy "công bằng" không phải lúc nào cũng tốt.
N.TB.