Sự toan tính lên ngôi thay vì cống hiến ở vòng bảng World Cup

Thứ Sáu, 29/06/2018, 17:25

Như vậy là sau 48 trận đấu, vòng bảng World Cup đã chính thức khép lại vào rạng sáng ngày 29-6 (giờ Việt Nam). Đã không có bất ngờ nào quá lớn xảy ra ngoại trừ việc các nhà đương kim vô địch Đức phải trở về nước. Với những gì đã diễn ra, World Cup năm nay cho thấy, sự toan tính đã lên ngôi thay vì cống hiến.


Có lẽ, 2018 là một trong những kỳ World Cup mà khoảng cách về chất lượng chuyên môn giữa các đội bóng là khái niệm rất mong mong. Ngoại trừ những Panama và Tinisia, hai đội bóng được cho là yếu nhất giải phải nhận những trận thua đậm 5-0 trước Bỉ và 6-1 trước Anh, những đội bóng còn lại vốn bị xếp vào nhóm “lót đường” cũng sẵn sàng đá văng những “ông kẹ” của bóng đá thế giới.

Điển hình trong số đó là trận đấu giữa đội tuyển Đức gặp đội tuyển Hàn Quốc. Cỗ xe tăng buộc phải thắng trong khi đội bóng xứ Kim Chi đã nhận vé về nước sau 2 trận thua. Tuy nhiên, với thể lực tốt, đội hình được bố trí chắc chắn cùng khả năng di chuyển liên tục, các cầu thủ Hàn Quốc đã đánh bại Đức với 2 bàn không gỡ, qua đó biến các nhà đương kim vô địch thành cựu vương.

Một trận đấu khác cũng mang lại kết quả khá bất ngờ là Croatia đánh bại ứng viên vô địch Argentina với 3 bàn không gỡ. Đương nhiên Croatia không phải là đội bóng yếu. Nhưng so về tên tuổi và chất lượng đội hình, họ không thể bằng được đại diện đến từ Nam Mỹ.

Đội tuyển Croatia đã có những trận cầu đầy cống hiến.

Tuy nhiên, bước vào trận đấu, mọi dự đoán đã đều trở nên lạc lõng. Luka Modric và các đồng đội với lối chơi kỹ thuật đã giành thời gian kiểm soát bóng và tổ chức các pha tấn công uy hiếp mạnh mẽ về phía khung thành của Argentina. 3-0 là kết quả xứng đáng cho đại diện của châu Âu ở trận đấu này.

Theo thống kê chính thức từ Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA, trong 48 trận đấu ở vòng bảng World Cup 2018, đã có tổng số 122 bàn thắng được ghi, trung bình lên đến 2,5 bàn 1 trận. Bên cạnh đó, số thẻ vàng của cả giai đoạn vòng bảng là 158 thẻ (trung bình 3,4 thẻ 1 trận).

Bên cạnh những trận cầu cống hiến với những kết quả bất ngờ như vừa nêu trên, World Cup năm nay vẫn tồn tại những toan tính quá mức, qua đó làm vơi bớt đi sự cống hiến dành cho khán giả trên khắp toàn cầu. Điển hình của sự toan tính ấy là trận cầu không có bàn thắng duy nhất giữa Pháp và Đan Mạch. Bước vào trận đấu, Pháp là đội đã giành quyền đi tiếp trong khi Đan Mạch cần một kết quả hòa.

Và trận đấu đã diễn ra vô cùng tẻ nhạt giống như những dự đoán trước đó. Pháp cần phải giữ chân các cầu thủ của mình trong khi Đan Mạch cũng không cần thiết phải tấn công. Và như chúng ta đã biết, trận đấu không có bàn thắng nào được ghi. Pháp đã “dắt tay” người hàng xóm châu Âu – đội tuyển Đan Mạch cùng vào vòng 1/8.

Trận đấu khiến nhiều người hâm mộ trên toàn thế giới cảm thấy bất bình thứ 2 về sự thực dụng đó chính là 10 phút cuối cùng giữa Nhật Bản và Ba Lan. Tuy đến phút thứ 80, Nhật Bản vẫn đang bị Ba Lan dẫn trước với tỉ số 1-0 nhưng nhờ trận đấu cùng giờ Colombia đang thắng Senegal cũng với tỉ số 1-0, nên ở giờ phút đó, đội tuyển Nhật Bản đang là những người nắm giữ được lợi thế.

Đội tuyển Nhật Bản đã bị đông đảo khán giả lo ó vì lối chơi thực dụng 10 phút cuối trận gặp Ba Lan.

Nếu như giữ nguyên được kết quả như vậy đến cuối trận, tuy bằng điểm, bằng hệ số bàn thắng và bằng tỉ số đối đầu, nhưng Nhật Bản sẽ là đội giành được tấm vé đi tiếp nhờ chỉ số phụ tốt hơn đội tuyển Senegal (Nhật Bản chỉ phải nhận 2 thẻ vàng trong khi Senegal đã bị đến 4 thẻ vàng). Và trong 10 phút cuối trận, Nhật Bản cầm bóng trong chân, chỉ việc chuyền qua chuyền lại để câu giờ, thực hiện sự thực dụng của mình thay vì phất bóng lên tổ chức tấn công.

Một trận đấu cũng mang đầy tính thực dụng khác nhưng hoàn toàn có thể chấp nhận được đó là màn so găng giữa đội tuyển Anh và Bỉ. Cả 2 đội đã giành được tấm vé đi tiếp. Điều mà nhiều người nghĩ có lẽ cả 2 đội trong trận đấu này quan tâm đó là việc giữ chân cho các cầu thủ đá chính và làm sao có thể… thua trận để tránh việc bị rơi vào nhánh A, nhóm rất mạnh gồm những Brazil, Argentina.

Bước vào trận đấu, 2 đội đã tung cả đội hình dự bị vào sân. Tuy nhiên, khác với đội tuyển Anh, tuyển Bỉ vẫn dâng đội hình lên tấn công rất quyết liệt và mạnh mẽ trong khi đội tuyển Anh thì vừa thi đấu vừa “diễn”. Kết quả, tuyển Bỉ vẫn giữ chân được các ngôi sao và giành chiến thắng để lên ngôi nhất bảng, chấp nhận đương đầu với nhánh A. Trong khi đó, các cầu thủ Anh có vẻ là người vui nhất với trận thua này vì sự toan tính của họ đã thành sự thật.

Có một thực tế chắc chắn là sự toan tính gần như chỉ có thể đến hoặc là có thể thực hiện được ở vòng bảng. Sang đến vòng đấu loại trực tiếp 16 đội, những sự toan tính như trên sẽ không còn đất diễn. Chỉ cần một sai lầm, các đội bóng chắc chắn sẽ phải nhận vé về nước. Và vì vậy, họ không còn cách nào là dồn tổng lực để chiến đấu và chiến thắng.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, sự toan tính ở vòng bảng World Cup năm nay đã ít nhiều làm bực lòng nhiều khán giả trên khắp toàn cầu. Cái đẹp và cái đích đôi khi không cùng chung một con đường. Tương tự như vậy, khát khao của khán giả và niềm vui của một đội bóng là 2 khái niệm chưa chắc đã tương đồng.


Cảnh Vũ
.
.
.