Mỹ thương lượng với Tổng thống Syria Bashar al-Assad:

Ánh sáng cuối đường hầm!

Thứ Hai, 23/03/2015, 08:13
Trong bối cảnh cuộc nội chiến tại Syria đã bước sang năm thứ 5 nhưng chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, thì tuyên bố ngày 15/3 trên kênh truyền hình CBS của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về việc thương lượng với chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad là tín hiệu về sự chuyển hướng trong chính sách của Washington đối với Damascus. Đề làm sáng tỏ động thái này của Mỹ, phóng viên Báo Công an nhân dân đã có buổi phỏng vấn với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an.

PV: Thưa Thiếu tướng, kể từ khi bắt đầu bùng nổ làn sóng biểu tình chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad (15/3/2011) tới nay, chính quyền Washington luôn giữ quan điểm nhất quán, không thay đổi là ông al-Assad phải rời bỏ chính trường Syria. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng John Kerry đã bất ngờ khẳng định “phải thương lượng với Tổng thống al-Assad” để chấm dứt cuộc chiến kéo dài tại Syria. Theo Thiếu tướng, điều gì đã khiến Mỹ phát đi tín hiệu này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước tiên, đây là một tín hiệu mang tính bước ngoặt. Chính quyền Mỹ chỉ có hai cách để loại bỏ Tổng thống al-Assad. Thứ nhất là hỗ trợ, hậu thuẫn cho lực lượng đối lập, giúp lực lượng này đủ sức lật đổ ông al-Assad, bắt ông rời khỏi chính trường Syria, giống như họ (Mỹ) từng thực hiện tại Tunisia để lật đổ Tổng thống Ben Ali hồi năm 2011, hoặc trường hợp lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập. Tuy nhiên, cách này đã thất bại hoàn toàn.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an.

Cách thứ hai, Washington có thể sử dụng phương pháp quân sự. Trước tiên, họ mở chiến dịch không kích giống như đã từng làm ở Libya. Nhưng, việc này chắc chắn Mỹ không có khả năng và không dám làm. Việc tiến hành chiến dịch không kích mà không thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ gây ra một thảm họa. Thêm vào đó, chắc chắn Nga và Trung Quốc sẽ phủ quyết việc này.

Như vậy, con đường dùng lực lượng nổi dậy là không giải quyết được, con đường dùng biện pháp quân sự là không có khả năng. Cách duy nhất còn lại là phải thừa nhận và thương lượng.

PV: Với cách đầu tiên, Mỹ từng thành công ở Tunisia và Ai Cập. Tại sao trong trường hợp Syria họ lại thất bại, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đầu tiên, chúng ta cần nhắc đến tương quan lực lượng giữa chính phủ Syria và phe đối lập. Chính phủ Syria sở hữu một lực lượng quân đội, an ninh, cảnh sát được đào tạo khá lành nghề, thiện chiến, được trang bị đầy đủ. Trong khi đó, về phía đối lập, trong vòng bốn năm qua, có 15 nhóm chống Tổng thống al-Assad.

Trên thực tế, có khoảng 150 tiểu nhóm mang tư tưởng chống ông al-Assad, họ kết hợp lại với nhau và bầu ra 15 vị lãnh đạo. Có thể thấy đây là một lực lượng ô hợp, “năm cha ba mẹ”, không ai có khả năng dựng lên được ngọn cờ. Bên cạnh đó, những nhóm này chỉ thống nhất với nhau duy nhất một điều là lật đổ ông al-Assad. Còn trong quá trình thực hiện, chính họ còn tiêu diệt lẫn nhau. Lực lượng đối lập ở Syria trong những năm qua thực sự quá yếu. Đó là nguyên nhân nội bộ.

Ngoài ra, khác với Tunisia và Ai Cập, Syria nằm ở vị trí “chốt chặn”, giữa ngã ba của ba châu lục: châu Âu, châu Á và châu Phi, ở bờ Đông Địa Trung Hải nơi Nga đặt căn cứ Hải quân tại cảng Tartus, cũng là nơi duy nhất để Nga tiếp nhiên liệu cho Hạm đội Biển Đen. Với vị trí địa chiến lược – địa chính trị như vậy, nên dù Syria không phải là một đất nước nhiều dầu lửa, nhưng nhiều cường quốc đều “thèm muốn”. Việc này dẫn đến sự giằng co giữa các lực lượng bên ngoài, mà không bên nào có thể lấn áp bên nào. Một trong những quan điểm nổi tiếng của Napoleon là: “Chính trị của một quốc gia là do vị trí địa lý của nó tạo nên”.

Ngoài ra, trong trường hợp sử dụng biện pháp quân sự, nếu chế độ Bashar al-Assad sụp đổ thì Syria sẽ trở thành chảo lửa ở Trung Đông mà thế giới không kiểm soát được. Nếu cuộc chiến bùng nổ tại Syria, nó lan tỏa ra cả Trung Đông. Giống như khi ông Gaddafi bị lật đổ, Libya đã bị biến thành một chảo lửa mà mấy năm nay không dập tắt được.

PV: Về cách sử dụng quân sự, có phải Mỹ cũng có ý định dùng lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng để lật đổ Tổng thống al-Assad?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đó cũng là một điểm đáng chú ý. Theo các nhà quan sát cuộc chiến chống IS, tính từ tháng 8 năm ngoái tới nay, các trận không kích của liên quân quốc tế chống IS do Mỹ lãnh đạo chỉ chủ yếu nhằm vào các mục tiêu IS tại Iraq. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ đã “vô tình” ném vũ khí, trên danh nghĩa là cho lực lượng Iraq và lực lượng người Kurd ở Iraq, vào tay IS. Điều đó cho thấy, Mỹ vừa đánh IS, vừa đẩy nhóm khủng bố cực đoan này, để dồn chúng sang Syria.  Thực tế đã chứng minh, chỉ tính từ tháng 8/2014 đến tháng 3/2015, trong khi vùng lãnh thổ IS chiếm đóng ở Iraq bị thu hẹp lại thì khu vực này ở Syria đã tăng gấp đôi.

PV: Thưa Thiếu tướng, tín hiệu Mỹ muốn thương lượng với chính quyền Damasco liệu có chút liên quan tới thỏa thuận hạt nhân của Iran?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nếu không giải quyết vấn đề Syria, thì chương trình hạt nhân Iran sẽ dễ gì giải quyết được. Có thể nói, Syria là cửa ngõ vào Iran. Nếu không vượt qua được Damasco thì không thể tới được Tehran. Tín hiệu này là một bước tính khôn ngoan và lâu dài của Mỹ. Mỹ rất nóng lòng có được một thỏa thuận hạt nhân với Iran, tiến tới bình thường hóa với Iran, từ đó lôi kéo Tehran thoát ra khỏi “vòng tay” của Moskva và Bắc Kinh. Khi Iran mà hợp tác với Mỹ ổn định, thì Washington sẽ có cơ hội tiếp cận với vùng Trung Á của Nga và Tân Cương, Tây Tạng của Trung Quốc. Toàn bộ vấn đề Trung Đông là Iran.

PV: Vậy tín hiệu này sẽ vươn được tới đâu?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đầu tiên, xét trên mọi phương diện, đây là một tín hiệu tích cực của Mỹ và sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trong đó phải kể đến Nga, Trung Quốc, Iran. Tuy nhiên, cũng sẽ có một số nước phản đối, như Israel, Arab Saudi, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ… Tín hiệu này là “ánh sáng cuối đường hầm” cho cuộc xung đột mù mịt, tối tăm ở Syria, mở ra một giai đoạn mới, một cơ hội mà cộng đồng quốc tế, nhất là các các cường quốc nên chớp lấy, để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria. Tuy nhiên, việc này không thể được giải quyết trong một sớm, một chiều. Còn phải trải qua rất nhiều giai đoạn trắc trở, nhưng sớm muộn thì giải pháp chính trị ở Syria cũng sẽ đến đích.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Khổng Hà (thực hiện)
.
.
.