Ấn Độ và thời đại Narendra Modi

Thứ Tư, 22/04/2015, 09:15
Một năm trước, ông Narendra Modi - Thủ hiến bang Gujard, ngọn cờ kinh tế của Ấn Độ, Chủ tịch đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) - hạt nhân của Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 5/2014 với tỷ lệ 282/543 ghế trong Quốc hội - tỷ lệ cao nhất kể từ khi Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947. Sau một năm cầm quyền của ông, dư luận ở Ấn Độ và quốc tế bắt đầu nghĩ tới thời đại Narendra Modi.

Phóng viên Báo CAND đã có buổi trò chuyện với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an, về chủ đề này.

Phóng viên: Xin Thiếu tướng cho biết, cái gì đã tạo nên phong cách Narendra Modi?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước tiên, cần phải hiểu rõ rằng, có hai nhân tố cơ bản tạo nên phong cách sống của một người, là bẩm sinh và điều kiện sống. Từ khi Ấn Độ giành được độc lập (1947) đến trước ngày 26/5/2014, tất cả các Thủ tướng Ấn Độ đều xuất thân trong gia đình quyền quý danh gia vọng tộc.

Ông Modi xuất thân trong một gia đình bình dân. Cuộc mưu sinh đã đưa ông trải qua mọi cung bậc của xã hội Ấn Độ.

Là một người từng trải và hơn hẳn những người tiền nhiệm về sự hiểu biết, chiêm nghiệm nỗi thống khổ của những người nghèo và yếu thế trong xã hội, ông Modi hiểu sâu sắc rằng, nghèo đói và ngu dốt là sự nhục nhã nhất đối với một người, một cộng đồng và nhục nhã đối với cả dân tộc.

Chính điều đó đã thôi thúc ông hành động và tìm mọi cách đưa dân tộc Ấn Độ thoát khỏi nghèo đói và ngu dốt, giành lại vinh quang cho dân tộc Ấn Độ - một trung tâm văn minh của nhân loại.

Đặc biệt, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tháng 5/2014, ông Modi đã nói: “Tôi có ước vọng để sống vì dân tộc... Tôi đã học cách sống vì người khác, không phải cho bản thân mình”.

Phải chăng đó là lý tưởng sống của ông Modi? Một chính khách từng trải và lịch lãm không thể nói suông và đùa bỡn với sinh mệnh chính trị của mình.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an.

Phóng viên: Có nhiều ý kiến cho rằng, Thủ tướng Modi thực hiện chính sách dân túy?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Điều này còn phải xem xét và tranh luận, chưa thể vội vàng khẳng định. Có điều chắc chắn là Thủ tướng Modi rất quan tâm đến hàng chục triệu người sống dưới mức nghèo khổ và tầng lớp thanh niên Ấn Độ.

10 năm cầm quyền, Thủ tướng Singh chưa quan tâm đúng mức đến tầng lớp thanh niên và hàng chục triệu người dưới mức nghèo khổ. Do đó, nhanh chóng khôi phục tăng trưởng kinh tế, giảm lạm phát, tạo ra nhiều việc làm, giảm thất nghiệp, nhất là lao động trẻ và đảm bảo an sinh xã hội sẽ là hướng ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Thủ tướng Modi.

Có thể tóm tắt phong cách Narendra Modi như sau: Tận tâm với sự phục hưng của Ấn Độ, với bàn tay sạch và quyết đoán, dứt khoát đưa ra các quyết định để tạo ra bước phát triển mang tính đột phá.

Phóng viên: Thiếu tướng có thể nêu ra một số đột phá chiến lược của Thủ tướng Modi?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về đối nội, Thủ tướng Modi đã và đang tập trung vào hai đột phá lớn, gồm khôi phục sự tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và chống tham nhũng, quyết tâm xây dựng cơ quan nhà nước trong sạch, hoạt động hiệu quả vì dân. Hai vấn đề này có quan hệ hữu cơ với nhau.

Bên cạnh đó, để đảm bảo đưa nền kinh tế ra khỏi trì trệ và bước vào một chu kỳ phát triển nhanh, bền vững, sớm đạt được một trong ba bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới, Thủ tướng Modi phải đồng thời thực hiện hai đột phá: Hạ lãi suất cho vay và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển và các tập đoàn kinh tế nước ngoài vào đầu tư, làm ăn ở Ấn Độ; Mạnh dạn có ưu đãi đặc biệt để nước ngoài vào đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống đường sắt, đường bộ, sân bay, bến cảng. Sự lạc hậu của cơ sở hạ tầng đã và đang cản trở sự phát triển của Ấn Độ.

Về đối ngoại, hai điểm mới nổi bật trong tư duy và chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi là: Hướng việc tổ chức quan hệ đối ngoại vào trực tiếp phục vụ việc khôi phục và phát triển kinh tế, chấn hưng đất nước; vượt qua mọi rào cản tâm lý cảnh giác, do dự với Trung Quốc, chủ động mở rộng hợp tác mọi mặt với Trung Quốc, trước hết là hợp tác kinh tế. Điều đột phá mang dấu ấn lịch sử trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong thời đại Narendra Modi là: Chủ động mở rộng, thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Đây là điểm khác biệt trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi với tất cả những người tiền nhiệm từ năm 1947.

Song song với việc mạnh dạn chủ động mở rộng quan hệ với Trung Quốc và “mời Trung Quốc vào nhà” hợp tác kinh tế, Thủ tướng Modi đồng thời quyết liệt triển khai hai việc: Củng cố sức mạnh quân sự và tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia và thắt chặt quan hệ an ninh, quân sự với Mỹ, Nhật, Australia và các nước trong, ngoài khu vực.

Phóng viên: Đâu là động lực chủ yếu để Ấn Độ thúc đẩy, thắt chặt quan hệ Ấn – Mỹ và Ấn – Nhật. Và điều này có lợi gì cho Việt Nam?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tham vọng bành trướng và những hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc đối với các nước láng giềng là động lực chủ yếu thúc đẩy, thắt chặt quan hệ Ấn – Mỹ và Ấn – Nhật.

Trung Quốc càng lớn mạnh về kinh tế và quân sự thì càng bộc lộ rõ tham vọng bành trướng bất chấp luật pháp quốc tế. Do đó, quan hệ Ấn Độ - Mỹ, Ấn Độ - Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển ngày càng sâu sắc, chặt chẽ, mang màu sắc của mối quan hệ chiến lược toàn cầu, và Thủ tướng Modi là người đặt nền móng cho các mối quan hệ đó.

Một nước Ấn Độ mạnh là phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Các mối quan hệ chặt chẽ Mỹ - Ấn và Ấn – Nhật là cơ hội để Việt Nam có thể và cần phải tận dụng phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Khổng Hà (thực hiện)
.
.
.