Xung quanh những quan ngại mới về an ninh trên Biển Đông:

ASEAN phải có trách nhiệm bày tỏ chính kiến

Chủ Nhật, 15/03/2015, 10:40
Với tư cách là đại diện các nước trong khu vực, ASEAN phải có trách nhiệm bày tỏ quan ngại cũng như chính kiến của mình mỗi khi an ninh khu vực bị đe dọa.

Trong khuôn khổ cuộc Đối thoại ASEAN - Ấn Độ lần thứ 7 được tổ chức tại thủ đô New Delhi, đại diện các nước không chỉ cùng chia sẻ tầm nhìn về một châu Á hòa bình, thịnh vượng và trỗi dậy mà còn bàn thảo rất nhiều xung quanh vấn đề Biển Đông, đặc biệt là những hành động đơn phương gần đây của Trung Quốc nhằm làm thay đổi hiện trạng ở vùng biển này. Với tư cách là đại diện các nước trong khu vực, ASEAN phải có trách nhiệm bày tỏ quan ngại cũng như chính kiến của mình mỗi khi an ninh khu vực bị đe dọa.

Thúc đẩy soạn thảo COC

Theo tin từ tờ Times of Indian, trong khuôn khổ Đối thoại ASEAN - Ấn Độ lần thứ 7, Viện Nghiên cứu và Phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDSA) đã tổ chức một cuộc thảo luận với học giả đến từ các nước ASEAN và Ấn Độ về 4 chủ đề chính gồm địa chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế và cách thức tiến lên phía trước.

Trong những vấn đề này, an ninh hàng hải và an ninh mạng được nhiều học giả quan tâm trao đổi. Đặc biệt, tham luận mang tên “Hợp tác an ninh hàng hải của Ấn Độ tại Biển Đông” do diễn giả Abhijit Singh, chuyên viên nghiên cứu của IDSA trình bày đã thu hút sự chú ý của mọi người.

Bài tham luận của diễn giả Abijit Singh cho thấy, Ấn Độ đến nay vẫn giữ quan điểm cần phải có sự đi lại tự do trên biển và vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua đối thoại, trong đó có đề cập đến Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Tại cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nói rằng, hợp tác hàng hải là chủ đề chính và ASEAN - Ấn Độ cần phải bắt đầu một cuộc đàm phán về thỏa thuận vận tải hàng hải với mục đích là đạt được đồng thuận vào cuối năm nay.

Giới quan sát nhận định, năm nay, với những diễn biến phức tạp trên biển Đông trong 2 tháng đầu năm, Malaysia – quốc gia đảm nhận trách nhiệm làm Chủ tịch ASEAN sẽ có rất nhiều việc phải làm, trong đó ưu tiên vấn đề Biển Đông. 

Tiwf The Star hôm 12/3 dẫn phát biểu Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Hamzah Zainuddin tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ở Kuala Lumpur cho biết, Malaysia sẽ thúc đẩy việc soạn thảo COC với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. 

Ông Hamzah Zainuddin nói: “Đây là một vấn đề quan trọng, đã được các nước ASEAN thảo luận nhiều lần và Malaysia sẽ đóng một vai trò tích cực để bảo đảm vấn đề này được thảo luận một cách toàn diện”. Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia cũng cho rằng, Trung Quốc cần phải tiến hành các hoạt động trên Biển Đông một cách hòa bình.

Tại hội thảo ở Bỉ, nhiều học giả quốc tế cho rằng, các yêu cầu chủ quyền không có cơ sở sẽ không được luật pháp quốc tế thừa nhận. Ảnh: BBC.

Thêm nhiều bằng chứng về những vi phạm

Cho đến nay, bất chấp phản đối của các quốc gia láng giềng và sự bày tỏ lo ngại của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn đang tiến hành hàng loạt hoạt động cải tạo các đảo trên Biển Đông.

Tiến sĩ James R.Holmers, chuyên gia quốc phòng tại Đại học chiến tranh hàng hải Mỹ (USNW) nhận định, Trung Quốc muốn biến các đảo và vùng biển "bên trong đường 9 đoạn" trở thành lãnh thổ của mình, do hải cảnh và các lực lượng khác trông coi, có sự hỗ trợ của Hải quân và Không quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Điều này là không thể được và theo tiến sĩ James R.Holmers, chiến lược của Trung Quốc là hành động như thể nước này đã có chủ quyền với các đảo, thực thể ở Biển Đông và thách đố bất kỳ nước nào thách thức chiến lược của họ.

Nhưng những hành động kiểu này không thể không bị lên án. Hôm 11/3, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, nước này đã hoàn tất phản hồi của mình gồm bản đồ, biểu đồ và nhiều văn bản tài liệu để trả lời các câu hỏi bổ sung mà tòa án quốc tế The Hague đặt ra liên quan đến vụ kiện của Manila với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Các dữ liệu, bức hình mà Philippines thu được qua vệ tinh về hoạt động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông được coi là những bằng chứng quan trọng bổ sung cho vụ kiện này.

Trong khi đó, xét từ góc độ luật pháp quốc tế, các học giả Bỉ đã chỉ ra rằng, “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý và đến nay, Trung Quốc vẫn chưa viện dẫn được tài liệu nào để chứng minh.

Tại hội thảo do GS Erick Franck, thành viên của Tòa trọng tài thường trực (PCA) chủ trì ở Brussels (Bỉ) hôm 11/3, các học giả cũng đã khẳng định, những hành động đơn phương cải tạo đảo hay làm thay đổi nguyên trạng các khu vực đang tranh chấp của Trung Quốc có thể đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, sự ổn định của khu vực và tất nhiên không được luật pháp quốc tế thừa nhận. Và khi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) chưa thể xử lý được vấn đề chủ quyền thì giải pháp đàm phán ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu, trong đó cần nhấn mạnh vai trò của ASEAN và việc xây dựng COC.

Trong một phát biểu với nhật báo Manila Times của Philippines hồi đầu tháng 3, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã khẳng định ASEAN phản đối chính sách sử dụng cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc để đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo, bãi ngầm, rạn san hô trên Biển Đông và rằng sự hội nhập kinh tế của ASEAN sẽ bị ảnh hưởng nếu xảy ra “bất kỳ một hành vi thù địch hay xung đột nào trong khu vực”. Phó Tổng thư ký ASEAN A.K.P Mochtan khi nói chuyện với báo giới bên lề Đối thoại ASEAN - Ấn Độ lần thứ 7 đã khẳng định, ổn định và an ninh tại Biển Đông luôn là mối quan tâm hàng đầu của ASEAN và nhiệm vụ của Tổng thư ký là thay mặt ASEAN thể hiện quan điểm trên. 

Huyền Chi
.
.
.