Vòng xoáy căng thẳng mới trong quan hệ Nga – Ukraine
- Nga - Ukraine: Cơm chưa lành, canh chưa thể ngọt!
- Nóng bỏng quan hệ Nga-Ukraine
- Leo thang căng thẳng Nga-Ukraine
Ngày 26-11, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cáo buộc Ukraine cố tình khiêu khích tại eo biển Kerch gần bán đảo Crimea và cho biết sẽ triệu đại biện lâm thời của Ukraine tại Nga để khiếu nại về vụ việc trên. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, Nga cũng lên tiếng cảnh báo về những hành động khiêu khích “không thể chấp nhận” của Ukraine, trong đó có vụ việc tại eo biển Kerch và sẽ đề cập đến vấn đề này trong các cuộc đối thoại với những đối tác nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi Kiev đảm bảo an ninh cho các phái bộ ngoại giao Nga ở Ukraine để tránh những “hậu quả nghiêm trọng”. Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho rằng, Ukraine và phương Tây đã chọn biển Azov làm nơi để biến những hành động khiêu khích của Kiev nhanh chóng trở thành một vụ bê bối quốc tế.
Tàu chiến của Nga hoạt động trên biển Azov trong những ngày qua. |
Ông nêu rõ: “Thời gian, địa điểm và hình thức của vụ việc đã được tính toán từ trước”. Theo Thứ trưởng Grigory Karasin, các mục tiêu của sự khiêu khích là rõ ràng: để làm nổi bật Ukraine như là bên bị hại và để huy động các chính sách chống Nga của phương Tây. Đương nhiên, nó cũng nhằm mục đích thúc đẩy hình ảnh của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trước chiến dịch bầu cử vào năm sau.
Ông cho biết Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp khẩn để thảo luận về tình hình trên biển Azov theo mục chương trình nghị sự “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết cơ quan này đã điều các thiết bị không người lái của Hạm đội Biển Đen và Lực lượng Không quân - Vũ trụ để ngăn chặn các vụ khiêu khích mới trên vịnh Kerch trong bối cảnh những căng thẳng mới xảy ra ở khu vực này giữa Nga và Ukraine.
Theo đó, Bộ Quốc phòng Nga đã huy động các thiết bị không người lái “Orlan-10,”“Forpost” và các thiết bị này sẽ hoạt động trên biển Đen cũng như trên biển Azov. Trước đó, hôm 25-11, lực lượng biên phòng trực thuộc Cơ quan An ninh Liên bang của Nga (FSB) đã bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine, gồm Berdyansk, Nikopol và Yany Kapu, trên Biển Đen với cáo buộc các tàu này đã vi phạm biên giới trên biển của Nga.
Các tàu này đã không đáp ứng yêu cầu của lực lượng biên phòng Nga dừng ngay việc thâm nhập trái phép mà còn có những hành động nguy hiểm. Do đó, phía Nga đã buộc phải sử dụng vũ khí đối với các tàu này. Cả ba tàu của Ukraine đã bị bắt giữ và trong đụng độ có ba quân nhân nước này bị thương và được hỗ trợ y tế.
Về phía Ukraine, Kiev phủ nhận việc các tàu của nước này có thể làm bất kỳ điều gì sai trái, cáo buộc Nga có hành động gây hấn quân sự và kêu gọi cộng đồng quốc tế có biện pháp trừng phạt Moscow. Hải quân Ukraine cho biết trên phương tiện truyền thông xã hội rằng, 6 thủy thủ của họ bị thương trong vụ việc sau khi bị các tàu của Nga chủ động đâm va và rằng, tàu Nga tấn công sau khi các tàu của Ukraine rút lui, quay trở lại Odessa – nơi các con tàu này bắt đầu hành trình.
Cũng trong ngày 26-11, Giám đốc cơ quan biên phòng quốc gia Ukraine Petr Tsigikal tuyên bố lực lượng này có kế hoạch tăng cường bảo vệ tại biên giới, và đề xuất hạn chế việc nhập cảnh vào Ukraine đối với một số đối tượng công dân Nga. Tại cuộc họp Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine đêm 25-11, ông Tsigikal nói: “Xuất phát từ tình hình hiện tại chúng tôi có kế hoạch chuyển sang chế độ tăng cường bảo vệ tại biên giới”.
Quan chức này cũng cho biết, trong trường hợp ban bố tình trạng quân sự trên cả nước, hạn chế qua lại biên giới sẽ không áp dụng với công dân Ukraine mà chỉ dành cho một số đối tượng công dân Nga. Tổng thống Petro Poroshenko tuyên bố ủng hộ mọi sáng kiến của ông Tsigikal. Cùng ngày, toàn bộ lực lượng Hải quân Ukraine đều được đặt vào tình trạng báo động sau vụ đụng độ với Nga trên biển Azov. Tất cả tàu chiến đóng tại cảng Odessa đã ra khơi trong đêm 25-11.
Cộng đồng quốc tế cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình trên biển Azov và eo biển Kerch sau những căng thẳng trên biển giữa Nga và Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hối thúc xoa dịu căng thẳng giữa Nga và Ukraine ngoài khơi bán đảo Crimea, đồng thời kêu gọi Moscow khôi phục tự do đi lại tại eo biển Kerch.
Tuyên bố của EU có đoạn: “Chúng tôi hy vọng Nga khôi phục tự do đi lại tại eo biển Kerch và hối thúc các bên hành động với sự kiềm chế tối đa nhằm xoa dịu tình hình ngay lập tức”. Trong khi đó, NATO cũng hối thúc kiềm chế và giảm thiểu căng thăng, đồng thời kêu gọi Nga đảm bảo việc tự do tiếp cận các cảng của Ukraine tại biển Azov phù hợp với luật pháp quốc tế. Đáp lại lời kêu gọi này, ngay trong ngày 26-11, Nga đã cho mở lại tuyến đường biển qua eo biển Kerch, nối biển Đen và biển Azov đã bị đóng cửa hôm 25-11 vì lý do an ninh.
Sự kiện trên biển Đen phản ánh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nga và Ukraine xung quanh biển Azov, nơi cả hai nước đều có quyền sử dụng. Moscow và Kiev thường cáo buộc nhau gây cản trở cho tàu bè của nhau đi qua khu vực này. Hai nước vẫn trong tình trạng căng thẳng sâu sắc sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014 và ủng hộ quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine.