Venezuela: Tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng chính trị

Thứ Sáu, 28/10/2016, 08:56
Ngày 26-10, Hội đồng Quốc phòng Venezuela đã nhóm họp khẩn cấp để thảo luận và tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị đang ngày càng gia tăng. Trong khi đó, hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ đã đổ xuống đường phố thủ đô Caracas và bao vây Phủ Tổng thống theo lời kêu gọi của lực lượng đối lập.

Theo tin từ tờ USAToday, những người biểu tình chống chính phủ ở Venezuela đã tràn xuống đường phố ở thủ đô Caracas và các thành phố lớn khác của nước này, thể hiện sự phản đối trước việc Tổng thống Nicolas Maduro và Ủy ban Bầu cử quốc gia bác bỏ yêu cầu của phe đối lập về việc tổ chức trưng cầu dân ý về năng lực hoạt động của chính phủ.

Từ đêm 26-10, hàng chục ngàn người đã vây kín khu trung tâm thủ đô và hô vang các khẩu hiệu mà phe đối lập đưa ra. Các cuộc biểu tình này sau đó diễn ra ở 50 địa điểm khác nhau trên cả nước và được phe đối lập gọi là kế hoạch “Chiếm lấy Venezuela”.

Đụng độ đã xảy ra tại nhiều nơi trong đó điển hình có vụ nổ súng ở bang Miranda tối 26-10 làm 1 sĩ quan cảnh sát thiệt mạng và 2 sĩ quan khác bị thương, nhiều nơi khác và nhanh chóng biến thành bạo động.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ lực lượng cảnh sát Venezuela cho biết, có 140 người đã bị bắt vì kích động bạo lực chống chính phủ và hơn 100 người khác bị thương trong các vụ đụng độ.

Hàng trăm ngàn người biểu tình chống chính phủ đổ xuống đường phố thủ đô Caracas. Ảnh: NBCNews

Giới quan sát quốc tế đang bày tỏ lo ngại về việc biểu tình gia tăng sẽ khiến tình hình trật tự an ninh xã hội ở quốc gia này trở nên rối ren, thậm chí nguy cơ bạo lực và bạo động ngày càng hiện hữu.

Hơn thế nữa, lực lượng đối lập đã lộ rõ ý định muốn lật đổ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro nên đã kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục biểu tình và bao vây Phủ Tổng thống để tạo nên sức ép lớn về chính trị-xã hội, buộc ủy ban bầu cử quốc gia chấp nhận việc tổ chức trưng cầu dân ý về tín nhiệm đối với chính phủ.

Trên thực tế, tình hình ở Venezuela trong thời gian qua hết sức rối ren. Kinh tế chuyển biến từ xấu sang xấu hơn. Người dân tiếp tục phải chịu cảnh thiếu thốn hầu như tất cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày như thực phẩm, thuốc men…

Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, nền kinh tế Venezuela có thể suy giảm tới 11,5% trong năm nay và lạm phát chạm mức 700%, cao nhất trên thế giới. Hồi trung tuần tháng 10, Quốc hội Venezuela đã tước quyền đối với ngân sách chính phủ vì cho rằng đây là động thái của Tổng thống Nicolas Maduro nhằm củng cố quyền lực.

Phe đối lập thì liên tục kêu gọi đình công và lật đổ Tổng thống. Thủ lĩnh phe đối lập Henrique Capriles còn tuyên bố rằng, Quốc hội có quyền miễn nhiệm Tổng thống Nicolas Maduro vào ngày 2-11 tới để tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.

Ông Henrique Capriles còn khẳng định, phe đối lập chiếm đa số trong Quốc hội, sẽ họp để truy cứu trách nhiệm chính trị của Tổng thống Nicolas Maduro và liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập sẽ không tham gia vào cuộc đối thoại chính trị với Chính phủ Venezuela, dự tính diễn ra vào ngày 13-11 tới tại đảo Margarita, do Tòa thánh Vatican và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) đứng ra làm trung gian hòa giải.

Ngược lại, Tổng thống Nicolas Maduro cũng cáo buộc phe đối lập tìm cách đảo chính với sự giúp đỡ của Mỹ.

Ông Nicolas Maduro còn tuyên bố chính phủ sẽ không bao giờ thương lượng về chủ quyền quốc gia và rằng mọi chiến thuật can thiệp vào công việc nội chính cũng như âm mưu đảo chính do phe đối lập thúc đẩy sẽ bị đánh bại.

Hôm 26-10, Tổng thống Venezuela đã triệu tập Hội đồng Quốc phòng và tổ chức nhóm họp lần đầu tiên. Tại cuộc họp này, Tổng thống Nicolas Maduro khẳng định, cơ quan cố vấn cao nhất này phải có nhiệm vụ tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị.

Cụ thể, Hội đồng Quốc phòng có nhiệm vụ đánh giá các vấn đề quốc phòng, soạn thảo các kế hoạch; đề xuất các biện pháp nhằm khôi phục nền kinh tế Venezuela, vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn do giá dầu sụt giảm và giám sát hoạt động bồi thường cho các nạn nhân trong các cuộc bạo lực chính trị và ngăn chặn các thế lực thù địch bên ngoài can thiệp công việc nội bộ của đất nước.

Tổng thống Nicolas Maduro một lần nữa kêu gọi người đứng đầu cơ quan lập pháp Venezuela, đồng thời cũng là thủ lĩnh MUD đối lập, tham gia vào Hội đồng Quốc phòng và ủng hộ tiến trình đối thoại chính trị giữa các đảng phái ở nước này nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ông tuyên bố sẵn sàng đối thoại hòa bình với ông Allup và khẳng định nhân dân Venezuela cần được bảo vệ, Hiến pháp và thể chế cần được tôn trọng. Được biết, từ hôm 25-10, Quốc hội Venezuela đã tuyên bố khởi động tiến trình xét xử Tổng thống Nicolas Maduro.

Quốc hội Venezuela yêu cầu ông Nicolas Maduro ra điều trần vào ngày 1-11 tới. Tuy nhiên, tòa án tối cao Venezuela cho rằng tuyên bố của Quốc hội là "vô giá trị" bởi việc mở một phiên tòa chính trị xét xử Tổng thống không được quy định trong Hiến pháp.

Sông Thương
.
.
.