Hội nghị AMM-49: Vẫn nóng vấn đề Biển Đông
- Philippines sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị AMM 49
- Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49
Trong diễn văn khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh, AMM-49 và các Hội nghị liên quan diễn ra ở một thời điểm then chốt khi ASEAN tập trung mọi nỗ lực triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài với vai trò trung tâm của ASEAN.
Ngoài ra, tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục có nhiều thay đổi nhanh chóng mang lại cả những cơ hội và thách thức. Nhiều khu vực trên thế giới đang đối mặt với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như những tranh chấp về chủ quyền, chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, nhập cư bất hợp pháp, vấn đề di cư, nạn buôn bán người...
Vì thế, Thủ tướng Lào đề nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các nước đối thoại sẽ có những trao đổi thẳng thắn và xây dựng để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28, 29 và các hội nghị liên quan diễn ra đầu tháng 9 tới tại Vientiane, cũng như góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith phát biểu tại hội nghị cũng khẳng định: Trải qua gần 50 năm thành lập, ASEAN đã đạt được những bước tiến lớn, không chỉ về việc mở rộng quy mô thành viên, mà còn với bước ngoặt đó là thành lập cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Những thành công mà tổ chức có được nhờ vào nền hòa bình và ổn định của khu vực, cũng như sự hợp tác tích cực của các nước thành viên.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chụp ảnh lưu niệm. |
Sau lễ khai mạc là phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Tại các phiên họp, các Bộ trưởng đã bàn về các vấn đề hợp tác nội khối, xây dựng Cộng đồng cũng như quan hệ đối ngoại của ASEAN, bao gồm thúc đẩy triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn 2025 của Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, cải tiến bộ máy và lề lối làm việc của ASEAN, xem xét lại Hiến chương ASEAN.
Ngoài ra, hội nghị cũng dự kiến xem xét đề nghị gia nhập của Timor-Leste, đề nghị của các nước muốn gia nhập Hiệp ước hợp tác và hữu nghị (TAC) hoặc muốn trở thành đối tác chính thức của ASEAN.
Đặc biệt, vấn đề Biển Đông tiếp tục trở thành chủ đề nóng thu hút được sự chú ý của công chúng trong khu vực và dư luận trên thế giới. Tân Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại cuộc họp với những người đồng cấp trong ASEAN.
Cụ thể, ông Perfecto Yasay sẽ chia sẻ quan điểm của Philippines trong vụ kiện Biển Đông cũng như về việc thực thi phán quyết của tòa án trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Còn Indonesia thì cố gắng thúc đẩy việc các nước thành viên trong ASEAN đi đến một thỏa thuận chung về chống đánh bắt cá bất hợp pháp trên biển.
Giám đốc hợp tác liên khu vực thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Derry Aman cho biết, Indonesia cũng rất mong muốn Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) cũng sẽ thảo luận về vấn đề này vì lợi ích chung của các nước trong khu vực.
Đồng thời, trong các cuộc họp không chính thức và chính thức của hội nghị, Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi cũng đã đặt mục tiêu là thuyết phục những người đồng cấp của mình chấp thuận đề nghị nói trên.
Còn Nhật Bản thì tiết lộ rằng, bên lề Hội nghị AMM-49 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Lào, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Tại đây, ông Fumio Kishda dự kiến sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc hành động phù hợp với phán quyết của Tòa án trọng tài biển về tranh chấp ở Biển Đông. Một số nguồn tin khác còn cho hay, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc dự kiến sẽ ra Tuyên bố về thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu sẽ tham gia các hội nghị với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, kể cả đóng vai trò nòng cốt trong một số vấn đề lớn của Hiệp hội; kiên trì lập trường nguyên tắc, linh hoạt và khéo léo xử lý những vấn đề phức tạp trên cơ sở bảo đảm đoàn kết, đồng thuận ASEAN và phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Mục tiêu của Việt Nam là tiếp tục đóng góp vào tăng cường hợp tác, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, đẩy mạnh quan hệ thực chất giữa ASEAN với các đối tác và nâng cao hiệu quả của các diễn đàn khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước. |