Hội nghị quốc tế về Syria tổ chức tại New York (Mỹ):

Nga - Mỹ thống nhất nhiều điểm mấu chốt về vấn đề Syria

Thứ Bảy, 19/12/2015, 08:51
Vấn đề Syria không phụ thuộc vào số phận của Tổng thống Assad - quan điểm này một lần nữa lại được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon nhắc lại


Quan điểm này một lần nữa lại được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon nhắc lại chỉ vài giờ trước khi Hội nghị quốc tế về cuộc khủng hoảng ở Syria chính thức khai mạc tại thủ đô New York của Mỹ vào ngày 18-12. Tham dự Hội nghị lần này có Bộ trưởng Ngoại giao đến từ 17 quốc gia, trong đó có các quốc gia đóng vai trò then chốt như Nga, Iran, Arab Saudi và Mỹ…


Từ tuyên bố của Tổng thư ký LHQ

Trong tuyên bố được đưa ra hôm 17-12, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các quốc gia được mời tham dự Hội nghị quốc tế lần này đều là những nước đã tham dự các vòng đàm phán trước đó về Syria được tổ chức tại thủ đô Vienna của Áo. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: “Mục đích của Hội nghị lần này là cố gắng tìm ra giải pháp tốt nhất cho việc chuyển giao hệ thống chính trị, chấm dứt chiến tranh và đổ máu”. 

Một tổ chức quốc tế ủng hộ Syria được biết đến dưới tên gọi ISSG dự kiến sẽ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ một kế hoạch giải quyết vấn đề Syria đúng vào thời điểm diễn ra hội nghị trong đó có đưa ra một danh sách các tổ chức khủng bố ở Syria cũng như các tổ chức đối lập mang thiện chí, có thể tham gia vào quá trình đàm phán chính trị với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng 15 quốc gia khác tại vòng đàm phán về Syria được tổ chức ở Vienna, Áo hồi giữa tháng 11. Ảnh: AP.

Theo đó, lệnh ngừng bắn phải được tiến hành vào tháng 1 năm 2016 và thực hiện chuyển giao chính trị trong 6 tháng, tiến hành tổng tuyển cử và xây dựng một Hiến pháp mới trong 18 tháng. 

Phát biểu trước báo giới, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói: “Đây là thời điểm quan trọng vì tất cả những nước tham dự hội nghị đã có mặt tại vòng đàm phán thứ 1 và thứ 2 tại Vienna. Lần này, chúng ta phải thể hiện một nỗ lực chung nhằm tiến tới ngừng bắn càng sớm càng tốt”. 

Nhấn mạnh đến việc, tương lai của Syria cũng như của Tổng thống Bashar al-Assad phải do người Syria quyết định, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Tôi nghĩ hoàn toàn không công bằng và bất hợp lý khi số phận của một người làm tê liệt tất cả trong các cuộc đàm phán chính trị này. Những bất đồng về tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad không nên làm cản trở tiến trình nhằm đạt được triển vọng cho hòa bình. Tương lai của Syria hay tương lai của tất cả các cuộc đàm phán hòa bình ở nước này  không nên bị đình trệ”.

Đến quan điểm chung của Nga-Mỹ

Có thể nói rằng, sau 2 vòng đàm phán ở Vienna, khi 17 quốc gia cùng đưa ra được một tuyên bố chung, trong đó kêu gọi về một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc tại Syria, nối lại các cuộc đàm phán do LHQ làm trung gian giữa chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và lực lượng đối lập cũng như tiến hành các cuộc bầu cử mới, người ta đã đặt rất nhiều hy vọng vào cuộc đàm phán lần này. 

Hôm 14-12, tại thủ đô Paris của Pháp, đại diện các nước ủng hộ lực lượng đối lập Syria gồm Pháp, Anh, Đức, Italia, Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Jordan, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc gặp nhằm chuẩn bị cho hội nghị ở New York. 

Dù nội dung chi tiết cuộc gặp này không được thông báo nhưng theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Pháp, các nước đã thảo luận những bước đi cụ thể để triển khai lệnh ngừng bắn tại Syria và mở cửa cứu trợ nhân đạo. 

Đại diện các nhóm đối lập tại Syria cũng đã nhất trí thành lập một đoàn gồm 15 đại biểu để tiến hành đàm phán với Chính phủ Syria trên cơ sở Tuyên bố chung Geneva đạt được từ hồi cuối tháng 6 năm 2012. 

Đặc biệt, cuộc gặp quan trọng giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại thủ đô Moscow hôm 15-12 được coi là mang tính quyết định. 

Hãng tin RT cho biết, trong lần gặp gỡ này, dường như Moscow và Washington đã thống nhất được rất nhiều điểm mấu chốt trong vấn đề Syria. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định rằng Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga và hai nước “đang cùng nhìn về một hướng”. 

Cụ thể, Mỹ, Nga đã cam kết hợp tác chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria và một tiến trình chính trị cụ thể trong đó, người dân Syria sẽ được quyết định tương lai của Syria. 

Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì xác nhận rằng, sau cuộc đàm phán vào ngày 18-12, các bên sẽ tiến tới soạn thảo một dự thảo nghị quyết về vấn đề Syria để trình lên Hội đồng Bảo an LHQ. 

Ông Sergei Lavrov nói: “Chúng tôi gặp nhau tại đây không chỉ với tư cách là các quốc gia riêng rẽ ủng hộ những nhóm khác nhau tại Syria mà còn là đồng chủ tọa cuộc đàm phán về tình hình Syria. Chỉ có nỗ lực chung của tất cả các phe phái tại Syria mới có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng trong khu vực”.

Huyền Chi
.
.
.