Vai trò trung tâm của ASEAN được tăng cường trong đại dịch COVID-19

Chủ Nhật, 31/05/2020, 10:36
Dịch bệnh COVID-19 dường như là một đòn giáng mạnh vào khả năng lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và Trung Quốc. Quả thực, sẽ là quá sớm để biết thế giới hậu COVID-19 sẽ ra sao nhưng với ASEAN, tổ chức này dường như đang tận dụng tốt cơ hội trong đại dịch để củng cố vai trò trung tâm của mình.


Căng thẳng Mỹ-Trung làm giảm thiểu vai trò lãnh đạo toàn cầu

Quan hệ Mỹ-Trung đã ở trong tình trạng bất ổn hơn một thập kỷ qua với những căng thẳng thương mại đã tồn tại từ lâu, những cáo buộc về việc Trung Quốc ăn cắp công nghệ và việc nước này đẩy mạnh chính sách quân sự. Đại dịch COVID-19 càng khoét sâu mâu thuẫn, đẩy quan hệ giữa hai nước xuống đáy.

Ngày 27/4, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ cân nhắc việc yêu cầu Trung Quốc bồi thường đáng kể vì virus “lẽ ra có thể được ngăn chặn ngay từ nơi bắt nguồn”. Ngày 16-5, báo Wall Street Journal đưa tin, gần như toàn bộ các quan chức trong chính quyền Mỹ đều chấp nhận lập trường thù địch hoặc từ bỏ các chương trình hợp tác đã có với Bắc Kinh.

ASEAN đang có cơ hội thể hiện vai trò kết nối trung tâm của mình. Ảnh: TTXVN.

Thế kỷ 20, Mỹ đã nắm vai trò lãnh đạo trong ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tuy nhiên, dù khủng hoảng do đại dịch đang hết sức cấp bách, Mỹ đã thoái thác vai trò đứng đầu. Thay vì thúc đẩy việc duy trì trật tự trong hệ thống thương mại quốc tế mở, cường quốc kinh tế số một thế giới đã đẩy mạnh xung đột thương mại Mỹ-Trung, áp đặt thêm các rào cản và hạn chế thương mại.

Chính sách “nước Mỹ trước hết” đã cản trở việc Mỹ đi đầu xây dựng liên minh toàn cầu đối phó với đại dịch. Tổng thống Donald Trump kiên quyết cho rằng vaccine chống COVID-19 phải được sản xuất trên đất Mỹ, đồng thời tranh giành các chuyến hàng vật tư y tế của Canada, Pháp và Đức.

Về phía Trung Quốc, thông qua việc tổ chức Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc với gần 3.000 đại biểu Quốc hội từ 22 đến 28/5, Bắc Kinh muốn gửi đi thông điệp, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã được kiểm soát. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục có cách tiếp cận khoa học, cởi mở và minh bạch trong công tác ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp này.

Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng chưa sẵn sàng đóng vai trò này, cả từ góc độ khả năng và ý chí nhận trách nhiệm lãnh đạo tương xứng với sức nặng kinh tế. Việc hai nước này không quan tâm hoặc chưa sẵn sàng nhận trách nhiệm đi đầu chống đại dịch tạo ra một khoảng trống quyền lực trên toàn cầu.

Ứng phó với đại dịch khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN

Người ta đã tốn rất nhiều giấy mực để dự đoán về việc liệu Trung Quốc hay Mỹ sẽ nổi lên với tầm ảnh hưởng và uy thế lớn hơn trong một thế giới hậu COVID-19, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, một khu vực chủ chốt trong cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong số những sự kiện đã diễn ra, kể cả chính sách ngoại giao y tế được nhiều người bàn tán của Trung Quốc, không gì có thể làm thay đổi căn bản dư luận hoặc các dàn xếp chính sách đối ngoại ở Đông Nam Á.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều có những nỗ lực đáng chú ý nhằm hỗ trợ 10 nước thành viên ASEAN khi những nước này phải đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, dù được đánh giá cao nhưng những nỗ lực này vẫn không thể làm suy chuyển thế cân bằng địa chính trị ở bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào.

Đối với ASEAN, điều gì là đúng trước khi đại dịch diễn ra cũng sẽ đúng sau khi đại dịch kết thúc: Cả Mỹ và Trung Quốc  đều là các đối tác vô cùng quan trọng và do đó, các nước ASEAN sẽ cố gắng hết sức để duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ với cả hai cường quốc này, hành động thận trọng và tránh bị lôi kéo về bất cứ phe nào.

Câu hỏi mang tính hiện sinh cho ASEAN là liệu chiến lược này có còn khả thi trong một thế giới hậu COVID-19 hay không?

Khu vực Đông Nam Á có rất nhiều nước lớn cạnh tranh với nhau và muốn gạt những nước lớn này ra khỏi Đông Nam Á là điều không thể và không thực tế. Tuy nhiên, cung cấp diễn đàn và kênh tiếp xúc cho các nước lớn lại là lựa chọn khả thi. Điều này giống như vai trò trung tâm mang tính chức năng mà nhiều học giả đã đề cập. Cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn nắm cơ hội lợi dụng đại dịch để giành lợi thế bằng những chiêu tuyên truyền với ý định thuyết phục ASEAN rằng họ là đối tác đáng tin cậy hơn và có giá trị hơn.

Dẫu vậy, dịch bệnh COVID-19 có thể đã làm gia tăng sự ngờ vực của ASEAN đối với hai cường quốc này. Khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu có dấu hiệu bùng phát, cách hành xử sai lầm của Trung Quốc về sự thiếu minh bạch trước những lời chỉ trích của dư luận cũng như cách xử lý khủng hoảng lộn xộn và thiếu nhất quán của chính quyền Tổng thống Trump càng khiến cho các nước ASEAN thúc đẩy nỗ lực xác định vị thế của chính mình.

Cùng với việc phạm vi cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ ngày càng rộng, mức độ ngày càng sâu hơn, các nước Đông Nam Á thực sự không muốn phải lựa chọn đứng về bên nào. Một mặt, các quốc gia ASEAN vẫn giữ thái độ cảnh giác trước ảnh hưởng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Mặt khác, các nước ASEAN luôn thực hiện sách lược cân bằng nước lớn, tăng cường sức đề kháng trước tác động từ cạnh tranh Trung-Mỹ. 

Trong cuộc thăm dò dư luận vào tháng 3/2020 của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore (ISEAS), đa số nhận định ASEAN cần tăng cường tính linh hoạt và đoàn kết để kiểm soát những khác biệt căn bản gây chia rẽ ở khu vực.

Đến nay, ASEAN đã cố gắng duy trì vai trò trung tâm trong khuôn khổ hợp tác khu vực và phần lớn các nước thành viên ASEAN thực hiện chiến lược cân bằng nước lớn. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, những thách thức về an ninh vẫn đang tồn tại, ASEAN vẫn có những cách hoạt động tham vấn của mình để có thể phát huy được vai trò trung tâm ở mức cao nhất có thể.

Điển hình là trong công tác ứng phó với dịch bệnh COVID-19, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy đoàn kết, chủ động thích ứng của ASEAN trước dịch bệnh.

Tại các hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19, các nhà lãnh đạo khẳng định đoàn kết và hợp tác chính là sức mạnh giúp ASEAN chiến thắng đại dịch COVID-19, cùng nhau đề ra các biện pháp hợp tác cụ thể nhằm kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu các tác động về kinh tế-xã hội của dịch bệnh, đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.

Thanh Bình
.
.
.