Tương lai mịt mù của tiến trình đàm phán Brexit

Thứ Hai, 17/09/2018, 09:00
Theo kế hoạch, Anh sẽ rời Liên minh châu Âu, hay còn được gọi là Brexit vào ngày 29-3-2019, hai năm sau khi Thủ tướng Anh Theresa May viện dẫn Điều 50, điều khoản về rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Hiệp ước Madrid. Tuy nhiên, cho tới giờ, chưa có dấu hiệu gì cho thấy các cuộc đàm phán Brexit sẽ thành công.


Liệu sẽ xảy ra cuộc trưng cầu dân ý lần 2?

Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo các cuộc đàm phán Brexit đang có nguy cơ đổ vỡ: “Chúng tôi không muốn các cuộc thảo luận bị đổ vỡ. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả sức mạnh và sự sáng tạo của mình để đảm bảo đạt được một thỏa thuận. 

Chúng tôi không muốn các cuộc đàm phán sụp đổ. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng đó bởi vì chúng tôi vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể nào”. EU cần đạt được một thỏa thuận về hiệp định “rời khỏi EU”, trong đó bao gồm các quyền của công dân, “hóa đơn li dị” trị giá 39 tỷ bảng và biên giới Ireland, cùng với tuyên bố chính trị về thỏa thuận tương lai, ít nhất là đến tháng 11 này.

Các cuộc đàm phán Brexit hiện đang có nguy cơ đổ vỡ.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp tại Brussels vào tháng 10 tới, nhưng một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp cũng đang được lên kế hoạch vào ngày 13-11 tới trong trường hợp các cuộc đàm phán cần thêm vài tuần để đạt được thỏa thuận. 

Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ gặp nhau tại Salzburg (Áo) vào cuối tháng này, tại đây 27 nước thành viên EU đang lên kế hoạch về một biện pháp tiếp cận “củ cà rốt và cây gậy” đối với Brexit, đề nghị Thủ tướng Theresa May có những lời lẽ ôn hòa về các đề xuất Chequers trong cuộc họp của đảng bảo thủ, đồng thời cảnh báo rằng, họ (Vương quốc Anh) cần có một kế hoạch về Bắc Ireland trong những tuần tới.

Tuyên bố “kép” từ các nhà lãnh đạo EU sẽ tìm cách đưa cho thủ tướng Anh một vài bằng chứng về sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tương lai khi bà tìm cách chống trả sự đe dọa của các nghị sỹ chống đối. 

Tuy nhiên, theo những kế hoạch đang được thảo luận trong 27 nước thành viên EU, họ dường như sẽ cố gắng gây sức ép với bà May về vấn đề Bắc Ireland, vốn khiến các quan chức và các nhà ngoại giao ngày càng trở nên nản lòng.

Trong khi đó, tại Anh, Thị trưởng thành phố London Sadiq Khan mới đây đã kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit. Ông cho rằng công chúng Anh nên thay đổi suy nghĩ của họ về vấn đề này. Thị trưởng Sadiq Khan chỉ trích cách giải quyết của chính phủ trong các cuộc đàm phán và nhấn mạnh việc nhiều cử tri không lên tiếng về vấn đề Brexit đã gây ra mối đe dọa quá lớn đối với các tiêu chuẩn đời sống, kinh tế và việc làm. 

Ông gợi ý rằng nếu cái gọi là “Cuộc bỏ phiếu của Nhân dân” này được tổ chức, thì trên lá phiếu trưng cầu cần bao gồm lựa chọn duy trì tư cách thành viên EU. Cùng với đó, với việc kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May vẫn chưa được Quốc hội Anh thông qua, một số nghị sỹ nước này cũng như các nghiệp đoàn và giới lãnh đạo doanh nghiệp ngày càng ủng hộ việc người dân đưa ra tiếng nói cuối cùng về bất kỳ thỏa thuận nào đạt được với Brussels. 

Về phía Thủ tướng Anh, bà đã nhiều lần bác bỏ khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về Brexit, sau cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên diễn ra cách đây 2 năm. Bà cho rằng, các nghị sỹ Anh sẽ phải bỏ phiếu về việc có chấp nhận bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào về Brexit hay không.

Có thể tránh được một Brexit mà không có thỏa thuận

Theo một bài phân tích trên tờ The Economist, Anh và EU đang cùng hướng tới một hiệp ước cho phép Anh rời EU và một thỏa thuận khung cho thương mại trong tương lai. Nhưng khoảng cách giữa hai bên là rất lớn. Và có khả năng là ngay cả khi đạt được một thỏa thuận thì Quốc hội Anh vẫn có thể bác bỏ nó. 

Tuy nhiên, Điều 50 quy định việc rút khỏi EU sẽ tự động diễn ra trừ khi có sự đồng thuận để kéo dài thời gian đàm phán. Vì vậy, Anh có thể rời khỏi EU vào tháng 3 năm sau mà không hề có một thỏa thuận nào cả: một kịch bản Brexit bế tắc. 

Những người kiên định ủng hộ Brexit hài lòng với ý tưởng này. Họ nói rằng, sẽ không có vấn đề gì nếu Anh giao thương với EU trên cơ sở các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giống như hầu hết các nước thứ ba. Và họ sẽ hài lòng với việc loại bỏ tất cả các luật lệ và quy định của EU theo kịch bản mà một số người gọi là Brexit triệt để.

Không có nhà đàm phán nào nghiêm túc muốn có một Brexit mà không có thỏa thuận. Bà May hy vọng rằng, việc thảo luận về kịch bản tệ nhất đó có thể cho bà một lợi thế đàm phán để thuyết phục EU linh hoạt hơn đối với các Kế hoạch Chequers (Kế hoạch rút khỏi EU mà nội bộ chính quyền Anh thống nhất tại Chequers) của bà về một thỏa thuận thương mại cho phép Anh được quyền tiếp cận toàn diện thị trường đơn nhất EU về hàng hóa. 

Bà cũng muốn thuyết phục các nghị sĩ trong đảng của mình cũng như cử tri rằng họ nên ủng hộ thỏa thuận Chequers vì một kịch bản Brexit mà không có thỏa thuận sẽ quá nghiệt ngã.

Tuy nhiên, dường như không có điều nào trong số này có vẻ hiệu quả. Bà May phát hiện ra rằng, các nhà lãnh đạo EU ủng hộ Ủy ban châu Âu trong việc từ chối phần lớn kế hoạch Chequers. 

Họ cho rằng, việc không có thỏa thuận nào sẽ là một lựa chọn tồi tệ đến mức bà May sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn và chấp nhận các điều khoản được đưa ra tại Brussels. Đồng thời, nhiều nghị sĩ và cử tri của Đảng Bảo thủ lại nghĩ rằng kế hoạch Chequers nhượng bộ quá nhiều cho EU.

Rốt cuộc, người ta có thể tránh được một Brexit mà không có thỏa thuận, nhưng những tháng đầu năm tới có thể sẽ khá căng thẳng. Và ngay cả khi Anh rời khỏi EU theo đúng lịch trình với một thỏa thuận, thì sự bế tắc có thể sẽ không biến mất hoàn toàn. Bởi vì lúc đó sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến tháng 12-2020, thời điểm mà nguy cơ Anh rời khỏi EU mà không đạt được một thỏa thuận thương mại được dàn xếp toàn diện sẽ quay trở lại.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.