Tư tưởng chống Nga ở Mỹ đang mạnh hơn thời Chiến tranh Lạnh
- Căng thẳng Saudi Arabia – Iran leo thang: Âm thầm “chiến tranh lạnh”
- Những vụ không chiến bí mật trên bầu trời Liên Xô thời Chiến tranh lạnh
Nói về chính sách đối ngoại của Nga, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định: “Chính sách đối ngoại của chúng ta nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội, bằng chứng tốt nhất đó là mưu toan thay đổi chính sách đối ngoại bằng cách gây áp lực đối với giới thượng lưu và một số công ty không có triển vọng tốt đẹp”.
Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga, chính sách đối ngoại của Nga là độc lập, tự chủ, dựa trên những lợi ích quốc gia, không bị thay đổi do áp lực từ bên ngoài. Ông nêu rõ trong nhiều năm qua, Mỹ liên tục áp đặt các biện pháp trừng vô căn cứ chống Nga, song đến nay vẫn không thể thay đổi “chính sách mang tính xây dựng, cởi mở và trung thực của Nga”. Ông đồng thời tuyên bố Moscow có những “giới hạn đỏ” của mình trong chính trị, và những chính trị gia phương Tây hiểu rằng họ cần phải tôn trọng điều này, như họ từng làm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Lavrov cũng cảnh báo, việc phá vỡ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) về chương trình hạt nhân của Iran, cũng như các thỏa thuận quốc tế khác, vốn đã đạt được sự nhất trí giữa các quốc gia hàng đầu, sẽ dẫn tới sự hỗn loạn trong các vấn đề quốc tế. Ông Lavrov nêu rõ điều này sẽ không thể chấp nhận đối với Iran, Syria, Libya, Yemen, cũng như CHDCND Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là “khả năng đạt được thỏa thuận”.
Ông Lavrov nhắc lại năm 2005, các bên đã đạt được thỏa thuận với Bình Nhưỡng, tuy nhiên, một vài tuần sau, khi tất cả các bên bắt đầu thực hiện thỏa thuận, Mỹ bất ngờ phát hiện một số sai phạm từ lâu liên quan đến một số tài khoản nào đó và phong tỏa tài khoản của CHDCND Triều Tiên.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo bên lề phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Ngoại trưởng Nga đã chỉ trích một loạt động thái mới đây của chính quyền Mỹ trong lĩnh vực đối ngoại. Ngoại trưởng Lavrov đã chỉ trích Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, mô tả văn kiện này là “mang tính đối đầu”, sau khi Washington xác định Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng.
Ông phản bác những luận điểm của Mỹ cho rằng Trung Quốc và Nga đang phá hỏng những nỗ lực của quốc tế nhằm củng cố an ninh toàn cầu, nhấn mạnh rằng: “Thay vì sử dụng cơ sở của luật pháp quốc tế, Washington lại tìm cách chứng tỏ vai trò lãnh đạo của mình thông qua những chiến lược ngoại giao mang tính đối đầu như vậy”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. |
Về cuộc chiến Syria, Ngoại trưởng Nga cáo buộc Mỹ tuy từ chối thành lập các lực lượng địa phương ở miền Bắc Syria nhưng lại tìm cách lập ra “những cơ quan hành pháp mới” tại nhiều nơi, trái với cam kết về duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Syria. Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ trích việc Mỹ đóng băng một khoản đóng góp cho cơ quan LHQ chuyên trợ giúp người Palestine, cho rằng động thái này gây phương hại nghiêm trọng tới những nỗ lực đáp ứng nhu cầu của người tị nạn Palestine tại khu vực.
Liên quan tới JCPOA, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, thỏa thuận này sẽ không thể tồn tại nếu Mỹ đơn phương rút khỏi. “Thỏa thuận không thể được thực thi nếu một trong các bên tham gia đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Nó sẽ sụp đổ ngay lập tức. Sau đó sẽ không thể có thỏa thuận khác thay thế”, ông nhấn mạnh.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố việc cơ quan đồng cấp Mỹ cung cấp các loại vũ khí hiện đại, trong đó có tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS), cho các nhóm vũ trang thân Mỹ đã làm căng thẳng leo thang nhanh chóng và dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự chống lực lượng người Kurd tại khu vực Afrin của Syria.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, Moscow cho rằng, những hành động vô trách nhiệm tương tự từ phía Washington tại Syria sẽ phá hoại tiến trình giải quyết khủng hoảng và cản trở các cuộc đàm phán Syria trong khuôn khổ hòa đàm Geneva mà lực lượng người Kurd phải là một bên tham gia.
Ngoài ra, theo phía Nga, Ankara cũng phản ứng tiêu cực với tuyên bố của Washington về thành lập lực lương an ninh biên giới và một số hành động khác của Mỹ nhằm lật đổ nhà nước Syria và hỗ trợ các nhóm chiến binh vũ trang.