Trung Quốc tiếp tục hành động đơn phương tại các vùng biển tranh chấp

Thứ Tư, 10/08/2016, 10:01
Bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế tại The Hague (Hà Lan) yêu cầu chấm dứt những hành động đơn phương trên Biển Đông, Trung Quốc vẫn tiếp tục gia cố các công trình trên những hòn đảo nhân tạo trái phép ở vùng biển này. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn có những hành động leo thang khác ở vùng biển Hoa Đông.

Các tờ báo lớn của Mỹ như The New York Times, Washingtonpost… ngày 9-8 đều đăng tải hàng loạt hình ảnh vệ tinh mới nhất về những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Những bức ảnh này do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington (Mỹ) cung cấp cho thấy, Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc xây dựng các nhà kho chứa máy bay chiến đấu trên một số đảo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tờ The New York Times thậm chí còn nêu rõ rằng, trong những bức ảnh này người ta không thấy rõ máy bay chiến đấu của Trung Quốc nhưng các phân tích mà nhóm chuyên gia cố vấn của CSIS đưa ra cho thấy, những ngôi nhà mới xây trên những hòn đảo này có diện tích tương đối lớn, đủ để chứa máy bay chiến đấu lớn nhất của Trung Quốc.

Thậm chí, với tòa nhà lớn nhất, nó có thể chứa cả máy bay ném bom H-6, máy bay tiếp nhiên liệu H-6U, máy bay vận tải Y-8 và máy bay cảnh báo sớm KJ-200.

Chuyên gia Gregory B.Poling, Giám đốc dự án Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS cho biết, những bức ảnh vệ tinh này được chụp từ hồi cuối tháng 7 trên đảo đá Chữ thập, đá Subi và đá Vành Khăn nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Một trong những lý do khiến các chuyên gia của CSIS khẳng định những công trình này được dùng vào mục đích quân sự là vì chúng được xây dày hơn bất kỳ công trình dân sự nào và như nhận định của ông Gregory B.Poling, thì nó cho thấy Trung Quốc đang có những “dự định và âm mưu mới” ở Biển Đông.

Rõ ràng là điều này hoàn toàn trái ngược với những gì mà chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố trước đó rằng Trung Quốc không có ý định theo đuổi kịch bản quân sự hóa Biển Đông…

Đồng thời, nó cũng xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền không thay đổi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Ảnh vệ tinh cho thấy việc Trung Quốc tôn tạo trái phép bãi đá Subi ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: CSIS.

Song song với việc gia cố các công trình xây dựng phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc còn phô diễn thêm sức mạnh tại vùng biển tranh chấp khác là Hoa Đông.

Hãng Reuters cho biết, ngày 9-8, chính quyền Bắc Kinh cũng đã điều các tàu chính phủ và máy bay quân sự tới biển Hoa Đông, tăng cường sự hiện diện trên quần đảo tranh chấp với Nhật Bản là Senkaku/Điếu Ngư.

Một nguồn tin từ chính quyền Tokyo cho hay, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 8, Trung Quốc đã đưa gần 300 tàu cá và hàng chục tàu chính phủ đi vào vùng biển tiếp giáp ngay bên ngoài lãnh hải Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngày 9-8, Ngoại trưởng  Nhật Bản Fumio Kishida đã lần thứ 2 triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa đến để cảnh báo rằng quan hệ hai nước “đang xấu đi rõ rệt” do những hành động đơn phương của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp trên biển Hoa Đông và việc Bắc Kinh cố tình thay đổi hiện trạng một cách đơn phương. Cùng với đó, chính phủ Nhật Bản vẫn xúc tiến các cuộc thảo luận cấp cao với Trung Quốc liên quan đến vấn đề này.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cộng đồng quốc tế đều kêu gọi các bên kiềm chế và tìm biện pháp, cơ hội để đàm phán, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, không có các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng.

Riêng về vấn đề Biển Đông, dựa theo phán quyết của Tòa án trọng tài, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi Trung Quốc thực hiện theo tinh thần của phán quyết, thể hiện rõ trách nhiệm của một quốc gia là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) cũng như là thành viên của Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Thậm chí, một học giả tên là Udit Dobhal còn đăng tải một bài viết trên trang tin quốc phòng Ấn Độ (IDN) nói rằng, Bắc Kinh sẽ tự “bắn vào chân” khi bỏ qua phán quyết của Tòa án trọng tài về vụ kiện Biển Đông. 

Đặc biệt, học giả người Trung Quốc tên là Lý Lệnh Hoa trong một bài viết mới nhất đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc hôm 5-8 cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng, không phủ quyết hay từ chối phán quyết của Tòa án trọng tài.

Học giả Lý Lệnh Hoa đặc biệt nhấn mạnh rằng, môi trường chính trị của Biển Đông nhất thiết phải được ổn định, nguồn tài nguyên biển cần được bảo vệ và kinh tế các nước trong khu vực Biển Đông cần phát triển, thịnh vượng.

Huyền Chi
.
.
.