Trung Quốc thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 cho những nhóm nguy cơ cao
Báo Global Times hồi tháng 6 đưa tin Trung Quốc đã cung cấp vaccine COVID-19 tiềm năng cho những nhân viên thuộc các công ty nhà nước trước các chuyến đi công tác nước ngoài.
Ông Zheng Zhongwei, cũng là người đứng đầu Cơ quan điều phối nguồn lực quốc gia để phát triển vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ Trung Quốc, chỉ ra rằng, mục đích của chương trình trên là để tăng cường miễn dịch cho các nhóm có nguy cơ đặc biệt như các nhân viên y tế, những người làm việc trong ngành thực phẩm, giao thông và dịch vụ.
Giới chức có thể cân nhắc điều chỉnh quy mô các chương trình sử dụng vaccine khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trong mùa thu và mùa đông tới. Theo quan chức này, Chính phủ Trung Quốc ban hành hướng dẫn sử dụng vaccine thử nghiệm có tiềm năng cho các trường hợp khẩn cấp từ ngày 24-6 nhưng không công bố rộng rãi.
Nhân viên Tập đoàn dược quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) giới thiệu mẫu vaccine phòng dịch COVID-19 tại nhà máy của Tập đoàn ở Bắc Kinh. |
Ông Zheng Zhongwei khẳng định, các loại vaccine COVID-19 của nước này sẽ được định giá gần với chi phí sản xuất, đồng nghĩa rằng các công ty sẽ được phép định giá với mức lợi nhuận vừa phải hoặc “có thể chấp nhận được” dựa trên các chi phí.
Hồi tuần trước, Chủ tịch Tập đoàn dược quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) Liu Jingzhen cho biết, loại vaccine phòng COVID-19 tiềm năng của hãng này sẽ có giá không quá 1.000 NDT (144 USD) cho 2 liều. Nhưng ông Zheng Zhongwei cho biết, giá thực tế chắc chắn sẽ thấp hơn mức giá mà Chủ tịch Sinopharm dự tính.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) tìm cách gây trì trệ việc thử nghiệm vaccine phòng virus SARS-CoV-2 cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới, tuy nhiên, ông Donald Trump không đưa ra bằng chứng cụ thể nào. Theo đó, các nhân viên của FDA đang gây khó khăn cho các công ty dược phẩm trong việc đăng ký nhân sự cho các cuộc thử nghiệm lâm sàng nhằm thử vaccine và liệu pháp điều trị dịch COVID-19.
Tổng thống Donald Trump chỉ trích: “Rõ ràng là họ đang hy vọng trì hoãn câu trả lời cho đến sau ngày 3-11”. Người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra bình luận nói trên sau khi hãng tin Reuters ngày 20-8 cho biết, Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Sinh học của FDA Peter Marks tuyên bố sẽ từ chức nếu Chính quyền của Tổng thống Donald Trump thông qua một loại vaccine COVID-19 trước khi loại vaccine đó được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
Ông Peter Marks đưa ra tuyên bố này để đáp lại những lo ngại được đưa ra trong một cuộc họp hội nghị vào cuối tuần trước của các quan chức Chính phủ Mỹ. Ông Peter Marks nói rằng, ông không phải đối mặt với bất kỳ áp lực chính trị nào và hướng làm việc của FDA sẽ theo cơ sở của khoa học.
Các nhà khoa học, quan chức y tế và các nhà lập pháp đang quan ngại rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ gây áp lực để FDA cấp phép một loại vaccine COVID-19 trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11, ngay cả khi dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng không ủng hộ việc vaccine được sử dụng rộng rãi.
Trước đó, hôm 21-8, cơ quan chức năng Nga đã cấp phép cho hãng dược phẩm liên danh của Anh - Thụy Điển AstraZeneca tiến hành giai đoạn 3 thử nghiệm AZD1222 - vaccine được kỳ vọng có khả năng phòng COVID-19. AZD1222 do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford của Anh điều chế và cũng đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên hàng nghìn tình nguyện viên để kiểm tra tính hiệu quả. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ có kết quả vào cuối năm nay và đây được coi là loại vaccine tiềm năng nhất trong cuộc đua toàn cầu về bào chế vaccine ngừa COVID-19.
Theo WHO, hiện có hơn 160 loại vaccine ngừa COVID-19 đang được nghiên cứu trên khắp thế giới, trong đó 29 loại đã được đưa vào giai đoạn thử nghiệm trên người. Đáng chú ý, vaccine của Công ty AstraZeneca dựa trên các nghiên cứu của do Đại học Oxford cho kết quả khả quan nhất.
Nhiều nước cũng đã đạt được thỏa thuận với AstraZeneca để đảm bảo nguồn cung vaccine này ngay khi giai đoạn thử nghiệm sau cùng đạt kết quả tốt và được cấp phép đưa vào sử dụng. Hiện Nga sở hữu vaccine đầu tiên trên thế giới ngừa COVID-19 do Trung tâm Gamaley phát triển và được đặt tên là Sputnik V. Vaccine này được đăng ký lưu hành ngày 11-8 sau các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, sự kỳ vọng của thế giới vào vaccine đang đạt được những bước tiến vượt bậc. Hiện có khoảng 165 loại vaccine đang được nghiên cứu và rất nhiều nước đang tìm cách đảm bảo nguồn cung sớm. Trong cuộc họp ngày 21-8, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra mục tiêu đạt đủ số lượng vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 để mọi người dân nước này đều có thể tiêm phòng.
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tích cực hợp tác quốc tế trong việc phát triển vaccine và mua vaccine bằng cách đàm phán riêng với các doanh nghiệp đi đầu về phát triển vaccine. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã ký ý định thư (LOI) với Công ty SK Bioscience của Hàn Quốc, Công ty AstraZeneca của Anh và Công ty Novavax của Mỹ về việc hợp tác cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho người dân Hàn Quốc. Tùy theo tình hình phát triển vaccine, kế hoạch đặt mua vaccine của Hàn Quốc chia làm 2 giai đoạn.
Trước đó 1 ngày, Công ty dược phẩm Sinovac của Trung Quốc và Bio Farma của Indonesia đã ký bản ghi nhớ về việc ưu tiên phân phối vaccine phòng ngừa COVID-19 cho Indonesia cho đến cuối năm 2021. Bản ghi nhớ trên được ký kết trong cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi tại Hải Nam, Trung Quốc.
Theo thỏa thuận, Sinovac đã cam kết cung cấp vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 lên đến 40 triệu liều từ tháng 11-2020 đến tháng 3-2021 cho Indonesia và tiếp tục ưu tiên cung cấp số lượng lớn vaccine cho Bio Farma từ tháng 3-2021 đến cuối năm.
Tuy nhiên, bà Retno không đề cập chính xác giá bán vaccine đã được thỏa thuận giữa Sinovac và Bio Farma, chỉ cho biết giá cả phải chăng. Ngoài biên bản ghi nhớ về ưu tiên cung cấp và sản suất vaccine năm 2021, Sinovac và Bio Farma cũng đã ký thỏa thuận sơ bộ về việc mua và phân phối vaccine phòng COVID-19.
Trong khi đó, giới chức Peru và Maroc đã phê duyệt giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng ứng cử viên vaccine tiềm năng do Công ty Biotec của Trung Quốc phát triển. Giai đoạn 3 của quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine thường có sự tham gia của vài nghìn người, qua đó cho phép các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu về tính hiệu quả của loại vaccine tiềm năng để đưa ra phê duyệt lần cuối cùng.
Hiện Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain cũng đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine của Biotec, công ty con của Tập đoàn dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc. Thụy Điển cũng đã nhất trí tham gia vào thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU) với Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Anh để đảm bảo nguồn cung vaccine phòng COVID-19 ngay khi loại vaccine này được lưu hành.
Theo thỏa thuận này, Thụy Điển, quốc gia với 10,3 triệu dân, sẽ có khoảng 6 triệu liều vaccine trong giai đoạn đầu, và thêm 2 triệu liều nữa trong giai đoạn sau đó. Hãng dược phẩm AstraZeneca hồi tháng 7 cho biết, loại vaccine mà hãng này đang hợp tác với Đại học Oxford phát triển có thể được lưu hành vào cuối năm nay.