Trung Quốc đệ đơn muốn WTO trừng phạt Mỹ 7 tỷ USD mỗi năm

Thứ Năm, 13/09/2018, 07:35
Ngày 11-9, Trung Quốc đã đề nghị Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép trừng phạt Mỹ 7 tỷ USD do không tuân thủ phán quyết trong vụ tranh chấp thương mại liên quan tới các thuế bán phá giá của Mỹ.

Động thái trên đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế đầu tàu của thế giới, cũng như gia tăng áp lực đối với các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ.

Hãng tin Reuters cho hay, cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO sẽ triệu tập một cuộc họp đặc biệt vào ngày 21-9 tới để thảo luận về những diễn biến trong tranh chấp thương mại giữa hai nước kéo dài 5 năm qua. 

Hồi tháng 12-2013, Trung Quốc đã khiếu nại lên WTO về động thái áp thuế chống bán phá giá mà Washington đã áp lên nhiều ngành công nghiệp bao gồm máy móc và hàng điện tử, công nghiệp nhẹ, kim loại và khoáng sản. 

Vào thời điểm đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng này của Trung Quốc sang Mỹ mỗi năm đạt 8,4 tỷ USD và Trung Quốc cho rằng cách đánh giá của Washington không tuân theo các quy định của WTO.

Trụ sở tổ chức WTO tại Geneva, Thụy Sĩ.

Theo phía Bắc Kinh, Washington trong trường hợp này đã sử dụng biện pháp “quy về không” (zeroing), so sánh giá hàng nhập khẩu với giá hàng hóa tương đương trong nước để xác định biên độ bán phá giá. 

Giới chức Bắc Kinh cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đã bị tổn hại nghiêm trọng tới lợi ích chính đáng của họ bởi biện pháp này. Vào cuối năm 2016, một ban chuyên gia của WTO đã đưa ra phán quyết có lợi cho Trung Quốc, bao gồm cả vấn đề biện pháp “quy về không” của Mỹ. 

Mỹ đã kháng cáo sau đó nhưng vào năm ngoái, WTO tuyên bố giữ nguyên phán quyết ban đầu. Sang tháng 6-2017, giới chức Mỹ cho biết họ sẽ thực thi các đề xuất của WTO trong một khung thời gian “hợp lý”. 

Mặc dù thua kiện nhưng Trung Quốc cho rằng Mỹ đã không thực sự nỗ lực và không thực thi phán quyết mà WTO đưa ra. Theo văn kiện công bố ngày 11-9, mức độ thiệt hại do biện pháp chống bán phá giá của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc ước tính hơn 7 tỷ USD/năm. Phía WTO đặt hạn chót đến ngày 22-8 này Mỹ phải tuân thủ phán quyết nêu trên. 

Theo quy định của WTO, Trung Quốc có thể yêu cầu được áp đặt các biện pháp trừng phạt lên bị đơn nếu hai bên không đạt thỏa thuận về mức bồi thường thỏa đáng trong vòng 20 ngày tính theo thời hạn do WTO đặt ra.

Hiện Mỹ chưa đưa ra bình luận gì liên quan đến động thái mới nhất của Trung Quốc tại WTO. Tuy nhiên, chính việc Mỹ gần đây liên tục bị thua kiện đã thúc đẩy Tổng thống Donald Trump mở một chiến dịch gây sức ép cải cách tại WTO khi cho rằng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đã bị phá vỡ và tổ chức này không thể xử lý các tranh chấp thương mại một cách công bằng. 

Ông Trump muốn WTO có lập trường cứng rắn hơn về việc Trung Quốc bán phá giá thép và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng Bloomberg News hôm 30-8, ông Trump đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi WTO nếu tổ chức này không thay đổi cách đối xử với Mỹ. 

Lời cảnh báo của ông Trump về khả năng rút Mỹ khỏi WTO cho thấy rõ cuộc xung đột giữa các chính sách thương mại của ông và hệ thống thương mại mở được WTO giám sát và đây không phải là lần đầu ông đề cập đến vấn đề này khi vào năm ngoái, vị lãnh đạo này cũng đã từng nói về sự bất công thương mại từ trước khi trở thành Tổng thống Mỹ. 

"WTO được thành lập để mang lại lợi ích cho tất cả các nước khác ngoại trừ Mỹ… Chúng tôi đã thua trong vụ kiện, gần như tất cả các vụ kiện ở WTO", ông Trump nói.

Hành động lần này của Trung Quốc xảy ra vào thời điểm thị trường tài chính toàn cầu đang ở trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”, khi các đối tác thương mại lớn như Mỹ và Trung Quốc tiếp tục các biện pháp “ăn miếng trả miếng” bằng cách áp thuế quan lên hàng hóa của nhau. 

Theo tin từ Reuters, Tổng thống Trump khẳng định sẽ sớm áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc như đã định từ trước, đồng thời có thể đánh thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa nữa. Hiện Mỹ đã áp thuế quan bổ sung 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, chủ yếu là máy công nghiệp, linh kiện điện tử trung gian, bao gồm thiết bị bán dẫn.

Trong bối cảnh căng thẳng Trung - Mỹ tiếp tục leo thang, một số tập đoàn công nghiệp lớn trên toàn nước Mỹ vào ngày 12-9 đã tuyên bố thành lập một liên minh nhằm công khai phản đối chính sách được cho là gây hậu quả vượt xa so với dự kiến sau nhiều tháng phát động cuộc chiến “âm thầm” chống lại việc áp thuế nhập khẩu bổ sung của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Trong 8 tháng qua, lãnh đạo các tập đoàn này đã phối hợp tiến hành nhiều biện pháp nhằm thuyết phục chính quyền của Tổng thống Trump tin rằng chính sách áp thuế bổ sung sẽ không đem lại hiệu quả cho nước này. 

Nhóm này tuy không can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung dự kiến diễn ra vào đầu tháng 11 tới, song sẽ hối thúc các cử tri thảo luận vấn đề thương mại với các nghị sỹ quốc hội. Liên minh này cũng dự kiến đến cuối năm nay sẽ mở rộng ảnh hưởng sang hàng chục bang khác tại Mỹ.

Cao Trung
.
.
.