Trở ngại thỏa thuận hạt nhân Iran

Thứ Tư, 09/06/2021, 09:40
Phát biểu ngày 7/6 (giờ địa phương) tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ: “Chúng tôi đang tham gia vào các cuộc đối thoại gián tiếp, như các bạn biết đấy, trong vài tháng qua, và chúng tôi vẫn chưa rõ liệu Iran có sẵn sàng và thực hiện những gì nước này cần làm để trở lại tuân thủ (thỏa thuận hạt nhân)”.

Ông nhấn mạnh Washington hiện không biết liệu việc tuân thủ (của Tehran) có thực sự diễn ra hay không. Phản ứng trước tuyên bố này, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif nêu rõ: “Vẫn chưa rõ liệu Mỹ có sẵn sàng hủy bỏ chính sách “gây sức ép tối đa” của cựu Tổng thống Donald Trump và ngừng sử dụng “khủng bố kinh tế” làm đòn bẩy mặc cả”.

Ông nhấn mạnh Tehran vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời trích dẫn một điều khoản trong thỏa thuận nêu rõ một bên sẽ từ bỏ cam kết của mình nếu bên kia không tuân thủ thỏa thuận.

Các tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Mỹ, Iran được đưa ra sau khi vòng đàm phán thứ 5 giữa Iran và các cường quốc trên thế giới nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã khép lại tại Thủ đô Vienna của Austria.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi - người giữ vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Iran, sau 10 ngày thương thảo khẩn trương tại Vienna, các bên tham gia đàm phán đã đi đến kết luận rằng họ cần trở về nước để tham vấn thêm. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ nối lại vào cuối tuần này tại Vienna.

Cùng ngày, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết, việc đàm phán gia hạn thỏa thuận giám sát hạt nhân với Iran đang trở nên khó khăn hơn, làm suy yếu khả năng hợp tác giữa Tehran với tổ chức có trụ sở tại Vienna này.

Một cơ sở hạt nhân Iran. Ảnh: BBC

Theo giới chuyên gia, bất chấp những nỗ lực trong thời gian dài, các chuyên gia đàm phán dường như ngày càng khó có khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân trước cuộc bầu cử tổng thống của Iran diễn ra trong tháng 6 này.

Việc kéo dài các cuộc đàm phán để đưa Washington và Tehran trở lại tuân thủ toàn bộ hiệp ước có nghĩa là quá trình xóa bỏ các lớp trừng phạt của Mỹ sẽ bắt đầu sau cuộc bỏ phiếu ngày 18/6.

Mặc dù cuộc bỏ phiếu chỉ tác động rất ít đến các chính sách đối ngoại hoặc hạt nhân của Iran, song việc chấm dứt sự cô lập kinh tế của Iran khi một tổng thống cứng rắn lên nắm quyền có thể củng cố quyền lực trong nước của lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, nhân vật quan trọng nhất trong vấn đề hạt nhân Iran.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Iran cho biết: “Cuối cùng, nhà lãnh đạo Iran muốn các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, ông ấy sẽ không bận tâm nếu các cuộc đàm phán kéo dài thêm chút nữa… Nếu thỏa thuận được cứu vãn vào thời điểm muộn nhất có thể, tổng thống tiếp theo sẽ được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để cải thiện nền kinh tế. Đây là thời điểm thuận lợi nhất cho ông ấy”.

Một quan chức khác của Iran, có mối liên hệ gần gũi với những người theo chủ nghĩa cứng rắn, cho biết nguy cơ bất ổn mới sẽ giảm bớt nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ sau cuộc bỏ phiếu, vì khi đó người dân Iran sẽ có hy vọng về tình hình khả quan hơn trong thời gian tới.

Ông cho biết: “Sau cuộc bầu cử, việc cải thiện nền kinh tế sẽ là điều cần thiết để nâng cao mức sống của người dân chúng tôi… Bất kỳ sự bất ổn nào về kinh tế đều có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này”.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của châu Âu cho rằng tốc độ sẽ là yếu tố cốt lõi trong bối cảnh cuộc bầu cử của Iran đang cận kề. Quan chức này khẳng định: “Sự cấp bách nằm ở đó. Chúng ta cần một thỏa thuận trước cuộc bầu cử... Chúng ta phải nắm lấy cơ hội này ngay bây giờ chứ không chờ đợi vài tháng. Tôi không chắc liệu Mỹ có đưa ra đề nghị này hai lần hay không”.

Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden cho biết Washington sẽ quay trở lại JCPOA nếu Tehran lần đầu nối lại việc tuân thủ các giới hạn nghiêm ngặt về việc làm giàu urani, một con đường tiềm năng dẫn đến bom hạt nhân. Nếu có một vấn đề cốt lõi trong cuộc bầu cử của Iran, thì đó là liệu tổng thống tiếp theo có thể vực dậy nền kinh tế, đồng thời giảm bớt áp lực tài chính sâu sắc mà đa số người dân Iran đang phải đối mặt hay không.

Hiện cuộc bầu cử Tổng thống Iran đang bước vào giai đoạn nước rút. Dư luận quốc tế rất quan tâm tới những chuyển động chính trị này tại Iran bởi nó có thể hé lộ những thay đổi tại quốc gia có tầm ảnh hưởng ở Trung Đông này, nhất là trong bối cảnh hồ sơ hạt nhân Iran vẫn chưa bao giờ hết nóng.

Từ 600 ứng cử viên, Hội đồng Giám hộ Iran đã chọn ra 7 ứng cử viên cuối cùng để cạnh tranh chức tổng thống. Hội đồng Giám hộ Iran đã chọn nhiều người theo đường lối cứng rắn hơn là người ôn hòa cho cuộc chạy đua tổng thống. Điều này phản ánh cấu trúc quyền lực đang tranh chấp của đất nước và sự phân chia chính trị giữa những người ôn hòa và cứng rắn đã trở nên rõ nét trong những năm qua.

Các chuyên gia cho rằng, một tổng thống cứng rắn có thể giúp Iran có thể tự tin hơn trong việc đối phó với phương Tây và ít bị sa lầy hơn bởi đấu đá nội bộ. Nếu phe bảo thủ giành chiến thắng, Iran sẽ có một hệ thống quản trị thống nhất, có thể kiềm chế các thể chế quyền lực của đất nước như lực lượng Vệ binh Cách mạng, một lực lượng ủng hộ các chính sách cứng rắn.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.