Các nước lên tiếng về vụ thử tên lửa thất bại của Triều Tiên
Phía Hàn Quốc cho hay, loại tên lửa phóng thử có thể là loại Musudan và nỗ lực của Bình Nhưỡng dường như đã thất bại. Tuy vậy, đây được xem là một trong những động thái khiến cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên vốn đã căng thẳng lại càng trở nên khó kiểm soát.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngay lập tức đã lên án vụ thử lên lửa mới nhất này, đồng thời cảnh báo CHDCND Triều Tiên có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn và bị cô lập hơn nữa nếu không chấm dứt những hành động khiêu khích như vậy.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June-hyuck nói: “Vụ phóng tên lửa hôm nay của (CHDCND) Triều Tiên đồng nghĩa với việc phớt lờ những cảnh báo được nhắc lại nhiều lần của cộng đồng quốc tế, yêu cầu Bình Nhưỡng không có thêm các hành động khiêu khích và điều này không bao giờ được dung thứ”.
Ngoài ra, ông Cho nêu rõ: “Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét áp dụng những biện pháp đáp trả thông qua hội đàm với các đồng minh sau khi hoàn tất việc phân tích kỹ lưỡng vụ phóng tên lửa mới nhất này”.
Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), ông Jeon Ha-Gyu cho biết, quân đội nước này đã duy trì tình trạng sẵn sàng đối phó với bất kỳ hành động khiêu khích nào có thể xảy ra.
Theo truyền thông Hàn Quốc, loại tên lửa phóng thử có thể là loại Musudan và nỗ lực của Bình Nhưỡng dường như đã thất bại. |
Trước đó, JCS khẳng định “Seoul đang theo dõi các dấu hiệu liên quan đến việc CHDCND Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo và duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao”.
Theo một nguồn tin quân đội Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã triển khai một số lượng chưa thể xác định tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan trên các bệ phóng di động ở khu vực bờ biển Wonsan phía Đông CHDCND Triều Tiên.
Nhật Bản cũng đã nhanh chóng lên tiếng lên án vụ thử tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên, đồng thời tuyên bố hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc và Mỹ để ngăn chặn Bình Nhưỡng thực hiện thêm những vụ phóng mới.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nêu rõ: “Chúng tôi chưa có báo cáo về bất kỳ thiệt hại nào tại Nhật Bản. Chúng tôi đang thu thập và phân tích dữ liệu. Bộ Quốc phòng đã được chuẩn bị để đối phó với mọi tình huống”.
Bộ trưởng Nakatani nhận định: “Không có dấu hiệu cho thấy CHDCND Triều Tiên từ bỏ việc phát triển tên lửa hạt nhân”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói: “Nhiều vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên là các hành động khiêu khích đối với cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản và hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Ngoại trưởng Kishida cho biết, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Mông Cổ Lundeg Purevsuren diễn ra cùng ngày tại thủ đô Tokyo, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cho rằng, việc CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân hoàn toàn không thể chấp nhận được. Còn theo nhận định của Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, vụ phóng tên lửa trên không gây ra bất kỳ mối đe dọa an ninh trực tiếp nào đối với Tokyo.
Tuy vậy, ông Suga nêu rõ: “Để áp dụng tất cả các biện pháp có thể nhằm bảo vệ mạng sống và tài sản của các công dân trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi đã yêu cầu Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có các hành động cần thiết”.
Trước đó, hôm 30-5, Nhật Bản đã đặt quân đội nước này trong tình trạng báo động trước khả năng CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, đồng thời điều tàu khu trục và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot sẵn sàng bắn hạ bất cứ vật thể bay nào hướng về phía lãnh thổ Nhật Bản. Tình trạng báo động vẫn được duy trì ngay cả sau khi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã thất bại.
Cũng trong ngày 30-5, các quan chức Liên Hợp Quốc cho biết: CHDCND Triều Tiên chưa thông báo cho các cơ quan Liên Hợp Quốc bất kỳ kế hoạch phóng rocket nào, sau khi Hàn Quốc và Nhật Bản đưa tin có những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị thực hiện một vụ phóng tên lửa tầm trung.
Tại London (Anh), Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) cho biết cơ quan này chưa nhận được bất kỳ sự khai báo nào từ CHDCND Triều Tiên liên quan đến việc phóng tên lửa đạn đạo. Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) có trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ) cũng nêu rõ họ chưa nhận được thông báo nào như vậy từ Bình Nhưỡng.
Vụ phóng tên lửa Musudan sáng 31-5 là vụ thử thứ tư bị thất bại của CHDCND Triều Tiên kể từ ngày 15-4. Trên lý thuyết, đây là loại tên lửa có thể nhằm tới bất cứ mục tiêu nào ở Nhật Bản cũng như các cơ sở quân sự của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương. Theo truyền thông Hàn Quốc, Bình Nhưỡng có thể đang sở hữu khoảng 20 – 30 tên lửa loại này.