Tổng thống Syria Bashar al-Assad và những thách thức nhãn tiền

Chủ Nhật, 18/07/2021, 21:12
Ông Bashar al-Assad đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Syria vào hôm 17/7, sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa qua. Có thể thấy, chặng đường lãnh đạo quốc gia Trung Đông kéo dài 7 năm sắp tới của ông được dự báo sẽ vẫn còn nhiều thách thức lớn phải đối mặt, với trọng tâm tái thiết đất nước sau chiến tranh.


Cuộc bầu cử hôm 26/5 là cuộc bầu cử Tổng thống thứ hai kể từ khi Syria bị cuốn vào làn sóng mang tên “Mùa xuân Arab” từ giữa tháng 3/2011. Và kết quả của nó được coi là dễ đoán, khi đương kim Tổng thống al-Assad, người có kinh nghiệm lãnh đạo đất nước từ năm 2000, đã giành chiến thắng trước hai đối thủ là cựu thành viên chính phủ Abdallah Saloum Abdallah và ông Mahmoud Ahmed Marei - thủ lĩnh một đảng đối lập ôn hòa. 

Điều gây bất ngờ là ông al-Assad đã giành được số phiếu ủng hộ của cử tri lên tới hơn 95%, nhiều hơn con số 88% mà ông giành được trong cuộc bầu cử năm 2014. Bên cạnh đó, dù trong tình trạng an ninh bất ổn và tác động của đại dịch COVID-19, vẫn có tới 14,2 triệu cử tri, tương đương tỷ lệ gần 77%, tham gia bỏ phiếu, tăng đáng kể so với con số 73% hồi năm 2014.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu và số phiếu ủng hộ ông al-Assad trong cuộc bầu cử Tổng thống Syria hồi tháng 5 vừa qua tăng đáng kể so với năm 2014. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại lễ nhậm chức, ông al-Assdad khẳng định các cuộc bầu cử “đã chứng minh sức mạnh của tính hợp pháp mà người dân tin tưởng vào chính phủ, cũng như phản bác lại những tuyên bố của phương Tây về tính hợp pháp của chính phủ và hiến pháp Syria”. 

Với khẩu hiệu tranh cử “Hy vọng thông qua công việc”, Tổng thống al-Assad đã tự coi mình là kiến ​​trúc sư duy nhất thực hiện công cuộc tái thiết đất nước. Trong bài phát biểu, ông cho biết trọng tâm hiện nay là giải phóng hoàn toàn các khu vực vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền trung ương Syria, cũng như thúc đẩy nền kinh tế và sinh kế của người dân.

Các nhà phân tích nhận định, trong bối cảnh Syria đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhãn tiền như thực trạng chia rẽ lãnh thổ, mâu thuẫn sắc tộc, phe phái ngay trong nội tại đất nước, nền kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng và hiện đang trong tình trạng rơi tự do, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, cục diện khu vực phức tạp hay sự can thiệp thiếu thiện chí từ bên ngoài..., thì việc nhận được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng, được coi một thuận lợi lớn với ông al-Assad trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 4 này. 

Bên cạnh đó, dù cho việc tái đắc cử của ông al-Assad có khả năng sẽ làm sâu sắc thêm rạn nứt với phương Tây, thì Tổng thống Syria lại có cơ hội “gần gũi” hơn với các đồng minh và đối tác quan trọng, trong đó có Nga, Iran, và Trung Quốc.  Tuy nhiên, câu chuyện tái thiết đất nước vẫn còn dài và đặt ra những thách thức lớn cho Tổng thống al-Assad ở phía trước.

Tái thiết đất nước vẫn là bài toán nan giải đặt ra cho Tổng thống Bashar al-Assad trong nhiệm kỳ 7 năm tới. (Ảnh: ITN)

Tới nay, quân đội Syria đã giành lại phần lớn các vùng lãnh thổ mà phe nổi dậy được một số thế lực bên ngoài hậu thuẫn đã chiếm giữ trong những năm qua, nhưng cơ sở hạ tầng trên toàn lãnh thổ đã phá hủy hoặc hư hại nặng nề. 

Cùng với đó, dù giao tranh đã lắng xuống, nhưng chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Syria vẫn đang bị tàn phá bởi các cuộc xung đột. Sự chia rẽ giữa các phe phái, lực lượng vẫn còn đó. Khủng hoảng kinh tế cũng đang ngày một trở nên tồi tệ hơn ở một quốc gia có hơn 80% dân số sống dưới ngưỡng nghèo khổ và đồng nội tệ mất giá thê thảm, khiến lạm phát tăng vọt. 

Trong những tuần gần đây, chính phủ đã tăng giá xăng dầu, bánh mì, đường và gạo, trong khi tình trạng cắt điện có thể kéo dài đến 20 giờ một ngày vì thiếu nhiên liệu. Chương trình Lương thực Thế giới cho biết, 12,4 triệu người Syria trên toàn quốc đang phải vật lộn để kiếm đủ thức ăn mỗi ngày.

Tổ chức từ thiện Tầm nhìn Thế giới ước tính rằng cuộc nội chiến ở Syria đã khiến nước này thiệt hại 1.200 tỷ USD. Tất cả đòi hỏi một nguồn lực tài chính khổng lồ để tái thiết, khôi phục.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt do Mỹ và phương Tây áp đặt nhằm gây sức ép buộc chính quyền Tổng thống al-Assad phải thỏa hiệp với phe đối lập cũng ngăn chặn hoạt động đầu tư và tái thiết đất nước. 1/3 lãnh thổ Syria vẫn do Thổ Nhĩ Kỳ với sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây kiểm soát và trong khu vực này vẫn có các nhóm cực đoan, khủng bố.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng, tác động sâu sắc đến các quốc gia trên thế giới, thì Syria cũng không phải ngoại lệ. COVID-19 như “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc khủng hoảng tại Syria, thách thức khả năng của chính phủ trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp. Quốc gia Trung Đông hiện buộc phải áp dụng những biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại để phòng chống dịch, khiến làm giảm hoạt động kinh tế, thương mại của nhiều khu vực.

Một thách thức cấp bách khác hiện nay đặt ra cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đó là giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng tại Syria thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo từ Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.

Điều quan trọng mà ông al-Assad cần làm ngay lúc này đó là cùng phe đối lập nhanh chóng thu hẹp các khác biệt, tìm được tiếng nói chung giữa các bên, đẩy lùi các hoạt động của lực lượng hồi giáo cực đoan, cải thiện những chính sách đối ngoại đối với phương tây và một số nước, xây dựng lòng tin trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết, từ đó thúc đẩy đàm phán với sự trung gian của quốc tế nhằm tìm giải pháp chính trị toàn diện cho Syria.

Chặng đường lãnh đạo đất nước sắp tới của Tổng thống Bashar al-Assad chắc chắn không bằng phẳng mà sẽ chông gai, nhiều thách thức. Người dân Syria cũng như quốc tế đang chờ đợi sự thay đổi đột phá của chính quyền Tổng thống al-Assad trong nhiệm kỳ mới để “tháo ngòi” cho cuộc khủng hoảng dai dẳng tại quốc gia Trung Đông này.

Cao Trung
.
.
.