Tổng thống Mỹ cứng rắn với chính sách tiền tệ của Trung Quốc

Thứ Bảy, 25/02/2017, 08:38
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23-2 tuyên bố không có lý do gì để ngần ngại đánh giá rằng, Trung Quốc đang thao túng tiền tệ và quốc gia đông dân nhất thế giới này là “quán quân” về phá giá đồng nội tệ. Bắc Kinh đã ngay lập tức bác bỏ tuyên bố này.

Phát biểu ngày 24-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang khẳng định Bắc Kinh không cố tình phá giá đồng nội tệ nhằm đạt được lợi thế thương mại. 

Các học giả Trung Quốc cũng bày tỏ sự thất vọng trước lời “cáo buộc” của Tổng thống Mỹ. Giáo sư Zhu Feng tới từ khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Nam Kinh, chỉ ra rằng: “Theo logic của ông Trump thì ông tin rằng, các nước khác đều cố tình giữ đồng tiền của mình ở mệnh giá thấp để tăng cường xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã mất giá tới 13% kể từ năm ngoái”. 

Giáo sư Zhu nói thêm rằng, trong quá khứ, cụ thể là năm 1988, Bộ Tài chính Mỹ từng kết luận Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là những nước thao túng tiền tệ. Trung Quốc là nước mới “tham gia” vào danh sách này, từ năm 1994. 

Trong khi đó, Giáo sư trường Đại học Tài chính Bắc Kinh Christopher Balding cho rằng: “Trung Quốc rõ ràng đang thao túng đồng tiền của mình, không có cách khác về vấn đề này. Nhưng đây là biện pháp vực dậy đồng tiền của họ hơn là việc thao túng giảm giá nhằm cạnh tranh không bình đẳng để giành lợi thế các giao dịch thương mại”.

“Ở một mức độ nào đó thì ông Trump đúng, rằng bất cứ một đất nước có nền kinh tế lớn nào đều là những nhà vô địch trong việc thao túng đồng tiền nội địa”, ông bổ sung. 

Tổng thống Donald Trump trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm 23-2. Ảnh: Reuters.

Trong những năm qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD dự trữ ngoại hối để “chống đỡ” cho đồng NDT trước tình trạng chảy vốn ra nước ngoài. Các chuyên gia tin rằng, Bắc Kinh sẽ phản ứng thận trọng đối với những “công kích” gần đây nhất của ông Trump để không “thêm dầu vào lửa” tình hình hiện nay.

“Tôi tin rằng, họ nắm giữ tình hình hiện nay rất tốt”, ông Balding nói, “Họ học được cách quản lý tình huống và họ đã không mắc câu”.

Trước đó, trong buổi phỏng vấn độc quyền với hãng Reuters, Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ để các doanh nghiệp nước này được hưởng các ưu thế trong hoạt động thương mại, gây thiệt hại cho các đối tác.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Tôi nghĩ họ là “nhà vô địch” trong thao túng tiền tệ. Chúng ta sẽ sớm biết được chuyện gì xảy ra” và cảnh báo sẽ đánh thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống thứ 45 của “xứ cờ hoa” tuyên bố như vậy. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump thường xuyên cáo buộc Trung Quốc giữ giá đồng NDT thấp so với USD để hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và “đánh cắp” việc làm của nước Mỹ. 

Các tuyên bố của ông được nhìn nhận là khá thẳng thừng và mạnh bạo bởi việc tuyên bố một nước có hành động thao túng tiền tệ cần dựa trên một bản đánh giá xác thực và có nguyên tắc. Tuy nhiên, giới chức tài chính Mỹ tỏ thái độ thận trọng hơn Tổng thống Trump trong các bình luận về chính sách tiền tệ của Trung Quốc. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định bộ này chưa sẵn sàng đưa ra chính sách ứng phó với hoạt động tiền tệ của Trung Quốc và sẽ không có đánh giá nào trong vấn đề này cho đến khi hoàn thành báo cáo 2 lần/năm liên quan đến chính sách tiền tệ của các nước đối tác. 

Theo ông Mnuchin, không thể vội vàng kết luận Trung Quốc là quốc gia có hành động thao túng tiền tệ, vì việc đánh giá này cần có thời gian và trải qua quy trình theo luật định. Ông nhấn mạnh Bộ Tài chính sẽ tuân thủ nguyên tắc này để có được đánh giá chính xác.

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump mới đi vào hoạt động hơn 1 tháng đã thể hiện thái độ cứng rắn với chính sách tiền tệ của Bắc Kinh được dự báo sẽ kéo theo một cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc. 

Nếu cuộc chiến này xảy ra sẽ gây thiệt hại cho cả kinh tế Mỹ và Trung Quốc, đồng thời còn ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế thế giới. Nguyên đại diện thương mại Mỹ Charlene Barshefsky cho rằng, hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ có sự ràng buộc chặt chẽ với nhau, do đó sẽ không nước nào được lợi nếu như một trong hai bên gặp khó khăn về kinh tế. 

Trong khi đó, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21, bà Susan L. Shirk nhấn mạnh rằng, lý do khiến bà tin rằng, chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung sẽ không xảy ra là vì người tiêu dùng Mỹ, nền kinh tế Mỹ sẽ là bên bị hại nhiều nhất và thậm chí cả nền kinh tế thế giới sẽ bị đẩy vào tình thế nguy hiểm. 

Về phía Trung Quốc, hôm 21-2, Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường cảnh báo, một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không có lợi cho bên nào và có khả năng giải quyết một cách hài hòa các tranh cãi về thương mại giữa hai nước. 

Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành cũng lên tiếng kêu gọi Mỹ đàm phán về các tranh chấp và tránh một “cuộc chiến tranh thương mại”, điều mà ông cảnh báo sẽ làm tổn hại đến cả hai phía. Người đứng đầu ngành thương mại của Trung Quốc nhấn mạnh rằng, Mỹ và Trung Quốc đều hưởng lợi từ sự lớn mạnh của mối quan hệ thương mại lớn nhất thế giới này và cả hai bên sẽ bị tổn hại nếu đối đầu.

Mặc dù nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là thấp, song Washington và Bắc Kinh phải cấp thiết cải thiện tính chất “có đi có lại” trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Khổng Hà
.
.
.