Tổng thống Mỹ chỉ trích các biện pháp trừng phạt Nga
- Mấu chốt trong mâu thuẫn giữa EU và Mỹ về lệnh trừng phạt Nga
- EU chuẩn bị ứng phó nếu Mỹ trừng phạt Nga
- EU "đánh tiếng" hối thúc Mỹ hợp tác trong vấn đề trừng phạt Nga
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nhấn mạnh, lý do chủ yếu giúp ông đắc cử tổng thống là việc kinh doanh quá thành công (ám chỉ Nga không liên quan gì tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 - PV).
Tổng thống Trump khẳng định: “Dù ký thông qua việc sử dụng các biện pháp cứng rắn nhằm trừng phạt và răn đe những hành vi hiếu chiến và gây bất ổn từ Iran, CHDCND Triều Tiên và Nga, nhưng tôi phải nói rằng, dự luật trừng phạt lần này có quá nhiều sai sót”, đồng thời bày tỏ lo ngại về khả năng sẽ gây ra hiệu ứng domino làm tổn hại các đồng minh châu Âu và cả chính các doanh nghiệp Mỹ. Ông Trump hối thúc Quốc hội Mỹ không dùng biện pháp này để cản trở nỗ lực của Washington trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine cùng với các đồng minh châu Âu.
Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi tháng 7-2017. |
Ông nhấn mạnh: “Tôi có thể đạt được những thỏa thuận với các nước khác tốt hơn nhiều so với những gì mà Quốc hội đã làm”. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng chỉ trích gay gắt “những yếu tố mang tính chất vi hiến rất rõ ràng” trong lệnh trừng phạt nói trên, bởi nó có liên quan trực tiếp đến quyền lực của Tổng thống trong việc định hình chính sách ngoại giao.
Mặc dù vậy, ông Trump vẫn phải đưa ra quyết định trên vì “sự đoàn kết của đất nước. Dự luật này thể hiện ý chí của người dân Mỹ trong việc buộc Moscow phải có những bước đi cụ thể nhằm cải thiện quan hệ với Washington”. Người đứng đầu Nhà Trắng đồng thời bày tỏ hi vọng hợp tác Nga - Mỹ trong các vấn đề quan trọng trên thế giới vẫn sẽ được duy trì để những lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow trở nên không có giá trị gì nữa.
Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định, các lệnh trừng phạt của Mỹ là thiển cận và có nguy cơ gây tổn hại sự ổn định toàn cầu, nhấn mạnh rằng, các mối đe dọa và nỗ lực nhằm gây áp lực lên Nga sẽ không khiến Moscow thay đổi lập trường hoặc hy sinh lợi ích quốc gia của mình.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thì tuyên bố các lệnh trừng phạt của Mỹ là phi lý, khẳng định động thái của Mỹ đồng nghĩa Washington tuyên bố chiến tranh thương mại toàn diện với Moscow và đặt dấu chấm hết cho hy vọng cải thiện quan hệ song phương dưới thời Tổng thống Trump. Hơn nữa, động thái này còn thể hiện chính quyền Tổng thống Trump đang “bất lực hoàn toàn” khi chuyển giao quyền hành pháp cho Quốc hội. Theo đó, quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới sẽ rất căng thẳng.
Tuy nhiên, Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh, nước Nga sẽ bình tĩnh tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội, tìm kiếm giải pháp thay thế nhập khẩu, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nhất của đất nước. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, việc Tổng thống Mỹ ký thành luật các lệnh trừng phạt Nga không thay đổi bất cứ điều gì “trên thực tế” và các biện pháp trả đũa (của Nga) đã được tiến hành, đồng thời nhấn mạnh Nga luôn sẵn sàng cho mọi động thái khác của Mỹ.
Cùng chung quan điểm này, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebeznya cho rằng: “Tổng thống Trump đã thua trong cuộc đấu trí với Quốc hội Mỹ. Dù không hài lòng về dự luật mới này, ông ấy cũng không còn cách nào khác là ký vào dự luật đó”.
Dù vậy, Đại sứ Nebeznya bày tỏ tin tưởng Nga và Chính phủ Mỹ vẫn sẽ “tìm được tiếng nói chung” trong những vấn đề quan trọng: “Chúng tôi sẽ không ngừng tìm ra các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác với các đối tác, trong đó có Mỹ. Những người đề xuất dự luật này nghĩ rằng họ có thể buộc Nga phải thay đổi chính sách của mình nhưng họ đã nhầm. Họ cần phải hiểu rằng, chúng tôi sẽ không bao giờ chịu “khom lưng quỳ gối”, chúng tôi cũng sẽ không bao giờ để họ bẻ gãy ý chí của mình”.
Không chỉ Nga, Iran cũng khẳng định, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã phá vỡ những điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc thế giới. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tuyên bố: “Theo quan điểm của chúng tôi, thỏa thuận hạt nhân đã bị vi phạm chúng tôi sẽ cho thấy phản ứng thích đáng và tương ứng đối với vấn đề này”.
Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani khẳng định, Mỹ đang tìm cách rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, được biết đến là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nhằm gây tổn hại cho Iran.
Ông Shamkhani nhấn mạnh, JCPOA chỉ có giá trị khi tất cả các bên tham gia ký tiếp tục thực hiện đầy đủ cam kết của mình. Động thái mới nhất của Mỹ cũng khiến Liên minh châu Âu (EU) quan ngại sâu sắc. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố, EU sẵn sàng đưa ra các biện pháp đáp trả trong vài ngày tới nếu các lệnh trừng phạt này ảnh hưởng xấu đến lợi ích kinh tế của EU. Ông Juncker nhấn mạnh, EU phải bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình, và sẽ kiên quyết làm điều đó.