Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi hợp tác toàn cầu để đưa thế giới trở lại đúng hướng
- Thế giới tăng cường ứng phó biến chủng mới của COVID-19
- Châu Âu triển khai “vũ khí mới” chống COVID-19
Phát biểu hôm 19/2 tại Hội nghị An ninh Munich (MSC), diễn đàn an ninh hằng năm lớn nhất thế giới đang diễn ra tại Đức theo hình thức trực tuyến, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh các thách thức toàn cầu ngày càng lớn hơn và phức tạp hơn, song cách thức ứng phó với những vấn đề này vẫn còn rời rạc và không phù hợp. Ông lên tiếng kêu gọi sự hợp tác toàn cầu để đưa thế giới trở lại đúng hướng trước vô số thách thức.
Tổng Thư ký Antonio Guterres cho rằng, đại dịch COVID-19 đã phơi bày những vết nứt sâu và sự mong manh của thế giới, nhấn mạnh những lỗ hổng này thậm chí còn vượt xa cả tác động của đại dịch và vấn đề y tế cộng đồng.
Ông viện dẫn một loạt vấn đề nổi cộm mà thế giới đang phải đối mặt như thảm họa khí hậu đang rình rập; bất bình đẳng và phân biệt đối xử đang “xé toạc” cấu trúc xã hội; tham nhũng đang hủy hoại lòng tin; cuộc đấu tranh cho quyền của nữ giới gặp trở ngại; các Mục tiêu Phát triển bền vững đang bị chệch hướng; ngay cả cơ chế giải trừ vũ khí hạt nhân cũng đang bị xói mòn bất chấp việc Mỹ và Nga quyết định gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START).
Ông kêu gọi: “Năm 2021 phải là năm để (chúng ta) trở lại đúng hướng. Phục hồi sau đại dịch là cơ hội của chúng ta”. Để thực hiện mục tiêu trên, người đứng đầu LHQ kêu gọi các nước trên thế giới hành động trong 4 lĩnh vực gồm: Triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa COVID trên toàn cầu; hành động vì khí hậu; kiến tạo và xây dựng hòa bình và cải thiện quản trị toàn cầu. Ông nhắc lại lời kêu gọi của mình về thúc đẩy kế hoạch tiêm chủng toàn cầu chống lại dịch COVID-19.
Ông nói: “Tình hình hiện tại vẫn còn hỗn loạn. Tất nhiên bây giờ chúng ta nhận thấy một số tín hiệu tốt, bao gồm việc Mỹ hỗ trợ sáng kiến COVAX. Chúng ta cũng thấy một số nước thông báo sẽ chia sẻ lượng vaccine dư thừa của họ. Nhưng 75% số liều vaccine được phân phối cho đến nay chỉ diễn ra ở 10 quốc gia và hơn 100 nước vẫn chưa nhận được bất kỳ liều nào”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters. |
Theo Tổng Thư ký LHQ, việc đảm bảo công bằng trong phân phối vaccine là rất quan trọng để cứu sống mọi người và các nền kinh tế. Ông kêu gọi tăng gấp đôi năng lực sản xuất vaccine hiện tại, đồng thời cho rằng các quốc gia cần chia sẻ lượng vaccine dư thừa của mình và cung cấp hàng tỷ USD cần thiết để sáng kiến COVAX phát huy hiệu quả.
Mục tiêu của sáng kiến COVAX là đẩy nhanh việc phát triển và sản xuất vaccine COVID-19, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng cho mọi quốc gia trên thế giới.
Tổng Thư ký LHQ cho rằng, nếu chỉ có các nước phát triển được tiếp cận vaccine trong khi virus tiếp tục lây lan ở các nước đang phát triển thì các biến thể mới sẽ xuất hiện với khả năng kháng vaccine cao hơn và có thể quay lại ám ảnh các nước phát triển.
Do vậy, ông bày tỏ tin tưởng Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có đủ năng lực để thành lập lực lượng đặc trách ứng phó khẩn cấp nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng toàn cầu để đối phó với khả năng trên.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, người đứng đầu LHQ kêu gọi hành động toàn cầu nhằm đạt mục tiêu đưa mức phát thải dòng khí gây hiệu ứng nhà kính về bằng 0 vào giữa thế kỷ này.
Theo ông, có lý do để hy vọng mục tiêu trên sẽ được hiện thực hóa khi các quốc gia chiếm hơn 65% lượng khí thải và hơn 70% nền kinh tế thế giới đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2050.
Ông kêu gọi mở rộng liên minh này lên 90% thông qua Hội nghị về khí hậu của LHQ dự kiến được tổ chức vào tháng 11 tới ở Glasgow (Anh). Ông nhấn mạnh tất cả các nước, thành phố, tập đoàn và tổ chức tài chính nên đặt ra các tiêu chuẩn để thực hiện quá trình chuyển đổi hướng tới mức khí thải bằng 0 trong 30 năm tới.
Cảnh báo sự chia rẽ kinh tế và công nghệ có nguy cơ biến thành sự chia rẽ địa chiến lược và quân sự, nhấn mạnh “thế giới phải tránh điều này bằng mọi giá”; Tổng Thư ký LHQ đồng thời kêu gọi ngừng bắn trên toàn cầu, cũng như chấm dứt những xung đột trong mọi mặt của cuộc sống, như ở ngay trong các gia đình, nơi làm việc, trường học, trên phương tiện giao thông công cộng hay không gia mạng.
Người đứng đầu LHQ cũng cho rằng đã đến lúc cần xác định lại quản trị toàn cầu cho thế kỷ XXI. Điều này đồng nghĩa phải đảm bảo các phương thức mới để cung cấp hàng hóa chung trên toàn cầu, xây dựng toàn cầu hóa công bằng và giải quyết các thách thức chung.
Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường chủ nghĩa đa phương theo hướng đảm bảo có sự kết nối và hợp tác giữa các tổ chức toàn cầu và khu vực, các thực thể kinh tế và chính trị, cũng như thúc đẩy một “chủ nghĩa đa phương mang tính bao trùm” thu hút các doanh nghiệp, thành phố, trường đại học và các phong trào vì bình đẳng giới, hành động vì khí hậu và chống phân biệt chủng tộc.
Ông nêu rõ: “Hiện là lúc cần thúc đẩy đoàn kết và hợp tác quốc tế để giải quyết những thách thức lớn hơn và phức tạp hơn của chúng ta. Tôi tin rằng nếu chúng ta quyết tâm, chúng ta có thể đạt được các mục tiêu chung”.