Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ được bầu chọn như thế nào

Thứ Năm, 14/04/2016, 08:20
Mặc dù được khởi động từ cuối năm ngoái, nhưng cuộc bầu chọn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2017-2021 mới chính thức bắt đầu từ ngày 10-4. Điểm mới đặc biệt trong lần bầu chọn này là các ứng viên đăng ký ứng cử vị trí này sẽ được các nước thành viên chất vấn tại Đại hội đồng LHQ.


Hai tiếng đồng hồ chất vấn

Theo truyền thống, Hội đồng Bảo an LHQ được quyền tiến cử người được chọn làm Tổng thư ký LHQ để Đại hội đồng LHQ thông qua. Tuy nhiên, lần bầu chọn này, thực hiện đúng Nghị quyết của LHQ được Đại hội đồng LHQ thông qua hồi tháng 9 năm 2015, các quốc gia thành viên LHQ được quyền tiến cử người mình chọn còn các ứng viên thì có cơ hội thể hiện bản lĩnh và tài năng thông qua hoạt động chất vấn. 

Đại diện của 193 quốc gia thành viên LHQ sẽ tham dự các cuộc chất vấn trong 3 ngày, mỗi cuộc kéo dài ít nhất 2 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ ngày 12-4 và được quyền đưa ra các câu hỏi với ứng viên. Nội dung các câu hỏi xoay quanh nhiều vấn đề, từ vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa hay ngoại giao. 

Trả lời trung tâm thông tin của LHQ, Chủ tịch đương nhiệm của Đại hội đồng LHQ Mogens Lykketoft cho rằng, điều này có thể tạo ra bước ngoặt lớn vì nó sẽ ít nhiều tác động lên quyết định về nhân sự từ phía Hội đồng Bảo an LHQ. Cùng với đó là một sự minh bạch và cởi mở hơn trong quy trình chọn ra Tổng Thư ký mới của LHQ. Các ứng viên sẽ trả lời chất vấn trực tiếp sau khi đã trình bày bản kế hoạch hành động của mình cho nhiệm kỳ 2017-2021 nếu trúng cử. 

Buổi trả lời trực tiếp này sẽ được trình chiếu công khai trên trang web của LHQ cũng như các đài truyền hình lớn trên thế giới. Đại diện các nước sẽ được dành ít nhất từ 2-3 phút để nêu câu hỏi của mình. Nếu quá nhiều, các câu hỏi có thể được nêu theo từng khu vực hoặc châu lục. 

Theo tin từ hãng Reuters, cho đến nay, đại diện các nước đã gửi tới hơn 1.000 câu hỏi cho các ứng viên trong đó chú trọng nhiều đến giải pháp cho vấn đề hòa bình ở Trung Đông, chống đói nghèo, bệnh tật và bất bình đẳng…

Một điểm đáng chú ý nữa là theo Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Mogens Lykketoft, Tổng thư ký LHQ tiếp theo có thể là người đầu tiên có nhiệm kỳ kéo dài 7 năm, thay vì 5 năm như hiện nay. 

Ông Mogens Lykketoft nói rằng đề án này đang được các nước thành viên thảo luận trong các cuộc tham vấn kín. Hiện Hiến chương LHQ không có quy định nào về thời gian đối với một nhiệm kỳ của Tổng thư ký. Hiến chương chỉ đề xuất rằng tổng thư ký sẽ do Đại hội đồng LHQ bầu dưới sự giới thiệu của Hội đồng bảo an LHQ.

Bản lĩnh của 8 ứng viên

Tờ Haaretz của Israel cho biết, hiện có 8 ứng viên tuyên bố tham gia ứng cử bao gồm 6 ứng viên là người Đông Âu, 1 ứng viên là người Bồ Đào Nha và 1 ứng viên mang quốc tịch New Zealand. Trong số 8 ứng viên này có 4 người là nữ. Người đầu tiên được nhắc đến trong danh sách là Antonio Guterres, Cao ủy LHQ về người tị nạn nhiệm kỳ 2005-2015. 

Ông Antonio Guterres từng giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995-2002. Mười năm qua, hoạt động của ông về người tị nạn trên thế giới đã được LHQ đánh giá cao. Đây là một tổ chức lớn và Antonio Guterres đã chứng minh được tài ngoại giao của mình khi giúp các quốc gia đạt được những thỏa thuận về người tị nạn một cách thích hợp nhất, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tị nạn vẫn đang đeo bám châu Âu và Trung Đông. 

Ứng viên thứ 2, Danilo Turk lại là hình mẫu của người cha thời hiện đại ở Slovenia. Năm ngoái, Danilo Turk đã dẫn đầu một chiến dịch kêu gọi bảo vệ nhân quyền ở Yugoslavia. Trước đó, năm 1985, khi mới 33 tuổi, ông là tác giả của bản dự thảo Tuyên bố về quyền phát triển. Danilo Turke từng làm thư ký các vấn đề chính trị cho Tổng thư ký LHQ Kofi Annan và sau đó trở về Slovenia làm Tổng thống từ năm 2007-2012. 

Một nhân vật khác cũng đến từ Đông Âu là Igor Luksic, cựu Thủ tướng và hiện giờ là Bộ trưởng Ngoại giao của Montenegro. Chính trị gia trẻ tuổi này theo tư tưởng hiện đại, ủng hộ phương Tây và ủng hộ việc Montenegro gia nhập tổ chức Bắc Đại Tây Dương… 

Trong khi đó, đại diện của Macedonia, cựu Ngoại trưởng Srgjan Kerim lại có nhiều kinh nghiệm hoạt động tại Đại hội đồng LHQ. Thậm chí, trong thời gian làm trưởng đoàn của Macedonia ở LHQ (2007-2008), ông Srgjan Kerim từng giữ vị trí Chủ tịch Đại hội đồng LHQ. Srgjan Kerim còn có lợi thế là có thể nói được 9 ngoại ngữ và có mối quan hệ thân thiết với báo giới bởi ông cũng đang sở hữu một công ty truyền thông ở Skpoje.

Bình đẳng giới là một vấn đề được LHQ quan tâm từ lâu và nhiều nước thành viên thời gian qua đã kêu gọi cần phải có một nữ Tổng thư ký đầu tiên. Trong đó, cựu Ngoại trưởng Croatia Vesna Pusic - 1 trong 4 ứng viên nữ ở thời điểm hiện tại - cam kết sẽ thúc đẩy bình đẳng giới ở các cơ quan chính trị, cũng như tại LHQ. 4 ứng viên nữ tại thời điểm này, theo nhận định của giới phân tích, đều có những mặt mạnh đáng nể. 

Chẳng hạn, Tổng Giám đốc tổ chức UNESCO Irina Bokova là ứng cử viên nổi bật của khu vực Đông Âu. Bà Irina Bokova đến từ Bulgaria và nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia. Hồi giữa tháng 1, cộng đồng ngoại giao Bulgaria và Hiệp hội quốc gia về quan hệ quốc tế đã công bố tài liệu của họ và gửi chúng tới Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov và Ngoại trưởng Daniel Mitov với lời khẳng định là Tổng Giám đốc UNESCO là “cơ hội vàng” để Bulgaria tăng cường tiếng nói chính trị trong các tổ chức trên thế giới. 

Các nhà phân tích nhận định, Irina Bokova có mối quan hệ khá thân thiết với Nga và lại là một người châu Âu nên khả năng trúng cử sẽ rất cao. Tuy nhiên đối thủ cùng khu vực với bà Irina Bulgaria là Ngoại trưởng Croatia Vesna Pusic lại có lợi thế là một nữ chính trị gia sắc sảo. Tuy nhiên, bà Vesna Pusic chưa thực sự nổi bật ở khu vực châu Âu. Đây cũng là điểm yếu của ứng viên Natalia Gherman, Cựu ngoại trưởng Moldova.

Giới quan sát thì cho rằng, đối thủ mạnh nhất của bà Irina Bokova và cũng là ứng cử viên thu hút được nhiều sự chú ý nhất hiện là cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark. Từng đứng đầu Chương trình phát triển LHQ (UNDP), bà Helen Clark được Thủ tướng New Zealand John Key đánh giá là người có đủ năng lực và kinh nghiệm cho vị trí Tổng Thư ký LHQ. Bản thân bà cũng cam kết sẽ tận dụng các công cụ của LHQ để xây dựng một xã hội hòa bình và toàn diện hơn. 

Một điểm cộng nữa cho người phụ nữ này là bà từng được mệnh danh là “một trong những người phụ nữ quyền lực nhất ở LHQ”. Vai trò của bà Helen Clark tại UNDP đã được nói đến rất nhiều và các quốc gia thành viên của Đại hội đồng LHQ đều yêu mến bà.

Khánh Chi
.
.
.