Tín hiệu tiêu cực trong mối quan hệ Nga – Mỹ

Thứ Bảy, 04/03/2017, 09:01
Phản ứng trước thông tin cho rằng, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã “bí mật” thực hiện các cuộc gặp với Đại sứ Nga tại Washington Sergei Kislyak, chuyên gia về an ninh quốc tế từ Khoa chính trị thế giới, Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva (Lomonosov), ông Alexey Fenenko nhận định, đó là tín hiệu của Mỹ ám chỉ không có một sự tái khởi động trong các mối quan hệ với Nga.

Còn Moscow thì nhấn mạnh, cáo buộc nêu trên nhằm mục đích phá vỡ ý tưởng xây dựng đối thoại giữa các bên, có thể dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực trong quan hệ Nga - Mỹ.

Hôm 2-3, tờ Washington Post tiết lộ, Bộ trưởng Sessions từng bí mật liên lạc với Đại sứ Kislyak, cụ thể là hai cuộc nói chuyện vào tháng 7 và tháng 9-2016, khi ông còn là cố vấn trong đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái. Tuy nhiên, ông Sessions lại không đề cập tới việc này trong phiên điều trần hồi tháng 1 vừa qua tại Thượng viện trước khi được phê chuẩn làm Bộ trưởng Tư pháp. 

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions.

Tại phiên điều trần, khi được hỏi về Nga, ông Sessions trả lời rằng ông “không có bất cứ mối liên hệ nào với người Nga”. Cũng theo Washington Post, tại thời điểm ông Trump vận động tranh cử, ông Sessions là một Thượng nghị sỹ, cố vấn chính thức về chính sách đối ngoại và các vấn đề khác cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Tiết lộ mới nhất của tờ báo Mỹ đã thổi bùng lên đồn đoán cho rằng, Nga đã can thiệp đến cuộc bầu cử Mỹ. 

Nhận định với Sputnik, chuyên gia Fenenko chỉ ra rằng: “Trước tiên, việc này được thực hiện nhằm cắt bỏ mọi mối liên hệ với Nga và thứ hai, để gửi tới Moscow tín hiệu rằng, sẽ không có bất cứ một sự tái khởi động nào trong các mối quan hệ, điều mà Nga luôn mong đợi”. 

Chuyên gia Fenenko nhấn mạnh, Mỹ đang liên tục gia tăng áp lực đối với Nga và rằng, nếu ông Sessions không từ chức thì “cái bóng của sự nghi ngờ sẽ luôn bao trùm lấy ông ấy” và mọi hành động của ông ấy sẽ bị hạn chế. Thật vậy, ông Sessions hiện đang phải đối mặt với nguy cơ từ chức và bị điều tra vì không trung thực trong mối liên hệ với Đại sứ Nga. Nếu điều này xảy ra, ông Sessions sẽ trở thành quan chức chủ chốt thứ hai trong Nội các Chính phủ Mỹ phải từ chức chỉ chưa đầy 2 tháng kể từ khi Tổng thống Trump tuyên thệ nhậm chức. 

Trước đó, hôm 13-2, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn cũng đã phải từ chức trong bối cảnh vụ bê bối về mối liên hệ giữa ông với giới chức ngoại giao Nga. Ông Flynn bị cáo buộc là đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Đại sứ Nga trước khi ông Trump nhậm chức. 

Ông Flynn là quan chức cấp cao đầu tiên dưới thời chính quyền mới ở Mỹ phải từ nhiệm, chỉ 3 tuần sau khi ông được bổ nhiệm vào cương vị kể trên. Về phía ông Sessions, bản thân Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cho đến nay vẫn phủ nhận việc có liên hệ với Đại sứ Nga, khẳng định không thảo luận các vấn đề liên quan đến chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ với bất cứ quan chức nào của Nga, đồng thời nhấn mạnh, thông tin mà tờ Washington Post đưa ra là “không đáng tin cậy và giả dối”. 

Nhà Trắng, mặc dù xác nhận về cuộc gặp giữa ông Sessions và Đại sứ Kislyak, song khẳng định ông Sessions đã không làm gì sai. Ông Sessions chỉ gặp Đại sứ Nga trong một cuộc gặp chính thức như một thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, điều này hoàn toàn phù hợp với lời chứng thực của ông. Còn Tổng thống Trump cũng khẳng định Bộ trưởng Tư pháp là người trung thực và ông “hoàn toàn tin tưởng” vào lựa chọn nhân sự này của mình, mặc dù ông không hề biết về các cuộc tiếp xúc giữa Đại sứ Kislyak và ông Sessions trước đó. 

Vị tân chủ nhân Nhà Trắng đồng thời cho rằng, quan chức này không nên rút lui khỏi cuộc điều tra nói trên. Về phía Nga, người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov khẳng định trong một tuyên bố rằng, ông không biết là liệu Bộ trưởng Sessions có gặp Đại sứ Kislyak hay không bởi các cuộc gặp của một Đại sứ với đại diện chính quyền và đại diện cơ quan lập pháp của nước sở tại là một hoạt động thường xuyên của Đại sứ tại nước sở tại. 

Theo ông Peskov, cáo buộc nêu trên nhằm mục đích phá vỡ ý tưởng xây dựng đối thoại giữa các bên, có thể dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực trong quan hệ Nga - Mỹ. Ông Peskov đồng thời phủ nhận những cáo buộc nói rằng Nga can thiệp đến cuộc bầu cử Mỹ, vì đây là vấn đề nội bộ của nước Mỹ. Trong một diễn biến liên quan, thêm hai cố vấn khác trong chiến dịch tranh cử của ông Trump mới thừa nhận đã nói chuyện với Đại sứ Kislyan tại một cuộc họp bên lề Hội nghị Quốc gia đảng Cộng hòa hồi cuối tháng 7-2016. 

Cụ thể, ông J.D Gordon, Giám đốc An ninh Quốc gia chiến dịch của ông Trump và Carter Page, một thành viên của ủy ban cố vấn an ninh trong chiến dịch, đều cho biết họ đã gặp gỡ đại diện của Moscow tại Washington. Nhà Trắng đã bác bỏ thông tin cho rằng, các phụ tá của ông Trump đã thông đồng với Moscow để chi phối kết quả cuộc bầu cử. 

Trong khi Bộ trưởng Sessions bị cáo buộc là “không trung thực”, thì Đại sứ Kislyak bị cáo buộc là một “điệp viên và nhà tuyển dụng”. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers bình luận rằng, những cáo buộc kiểu này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với các nhà ngoại giao Mỹ đang làm việc ở nước ngoài.

Khổng Hà
.
.
.