Tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đứng trước phép thử lớn
- Những tín hiệu xấu cho Thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Triều Tiên
- Những "trùm tình báo" phía sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều
Những nỗ lực thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, vốn được cả Washington và Bình Nhưỡng cùng các bên liên quan cam kết thúc đẩy, đang đứng trước nguy cơ “giậm chân tại chỗ”, sau khi Mỹ và Triều Tiên mới đây có những bình luận cứng rắn nhằm vào nhau.
Trong một tuyên bố phát đi tối 9-8, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã nặng lời chỉ trích việc Mỹ tiếp tục theo đuổi các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào nước này, cho rằng hành động trên đã “giội gáo nước lạnh” vào thiện chí cũng như nỗ lực xây dựng lòng tin từ phía Bình Nhưỡng, vốn được xem là “điều kiện tiên quyết để triển khai” thỏa thuận giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại thượng đỉnh lịch sử ở Singapore hồi tháng 6.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh Mỹ cần có sự hồi đáp đối với những nỗ lực của Triều Tiên, và chừng nào Washington còn phủ nhận các nguyên tắc cơ bản đối với đối tác đối thoại thì các bên liên quan không thể trông mong vào việc đạt được tiến bộ trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Cũng trong thông cáo, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo không có sự đảm bảo nào cho bầu không khí ổn định vốn rất khó đạt được trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay sẽ được tiếp tục được duy trì nếu Mỹ không sớm thay đổi. “Mặc dù đã muộn, song Mỹ nên đáp lại những nỗ lực chân thành của chúng tôi theo cách phù hợp”, thông cáo nhấn mạnh.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6 tại Singapore, Triều Tiên đã từng bước thực thi hóa cam kết tại cuộc gặp lịch sử này bằng việc quyết định dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo; phá hủy bãi thử hạt nhân; đồng thời trao trả các hài cốt binh sĩ Mỹ tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Song song với các động thái trên, Bình Nhưỡng đang nỗ lực kêu gọi cộng đồng quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt hà khắc cũng như tìm kiếm một sự đảm bảo chắc chắn hơn về an ninh của đất nước. Tuy nhiên, Washington lại cho rằng các động thái phi hạt nhân hóa diễn ra không nhanh chóng như kỳ vọng, đồng thời giữ nguyên lập trường chỉ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt khi tiến trình loại bỏ vũ khí hạt nhân được “hoàn tất, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore ngày 12-6. Ảnh: Reuters. |
Cách đây một tuần, phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) đã khiến không chỉ Triều Tiên mà cả Nga và Trung Quốc nổi giận khi tiếp tục đề xuất Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào 2 tập đoàn của Nga và Trung Quốc vì có quan hệ làm ăn với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, phát biểu trước báo giới hôm 9-8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh Washington thường xuyên duy trì các cuộc đối thoại với Triều Tiên nhưng không đạt được kết quả đáng kể. “Tôi có thể nói với các bạn rằng, chúng tôi vẫn có các cuộc trao đổi diễn ra gần như hằng ngày. Có thể qua điện thoại. Có thể qua tin nhắn. Có thể qua thư điện tử. Họ sử dụng nhiều hình thức khác nhau”, bà Nauert nói.
Trước đó, các quan chức chủ chốt trong chính quyền của Tổng thống Trump cũng lên tiếng chỉ trích Triều Tiên với lí do “chưa thấy những tiến bộ rõ ràng” của Bình Nhưỡng trong vấn đề phi hạt nhân hóa. “Họ phải hiểu rằng cộng đồng quốc tế vẫn đang mong chờ họ thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa và chúng tôi sẵn sàng chờ đợi nếu họ muốn nhưng chúng tôi không thích phải chờ đợi quá lâu”, Đại sứ Mỹ tại LHQ bình luận hôm 8-8, đồng thời nhấn mạnh “quả bóng” trách nhiệm “đang ở bên sân của Triều Tiên”.
Có thể thấy, thế giới từng rất lạc quan về tương lai của một Bán đảo Triều Tiên hòa bình, phi hạt nhân sau khi Washington cùng Bình Nhưỡng có một số động thái tích cực trong việc đối thoại và thúc đẩy các nỗ lực hiện thực hóa cam kết của nhà lãnh đạo Kim và Tổng thống Trump sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore. Tuy nhiên, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên rõ ràng là quá trình dài với các vòng đàm phán tốn nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi các bên cần vượt qua được những rào cản của sự thiếu lòng tin hay sự khác biệt về quan điểm dai dẳng nhiều thập kỷ.
Trong một động thái lạc quan hiếm hoi, Tổng thống Trump tuần này đã gửi một bức thư cho ông Kim Jong-un để hồi đáp bức thư trước đó mà nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi ông chủ Nhà Trắng. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Tổng thống Donald Trump đã thông báo trong thư về việc sớm cử Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng thêm lần nữa để thảo luận trực tiếp với các quan chức Triều Tiên về cách thức hiện thực hóa tuyên bố chung trong bối cảnh hiện nay.
Còn từ Bình Nhưỡng, Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 9-8 đăng tải bài viết kêu gọi Mỹ cùng tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Tờ này nhấn mạnh việc chấm dứt chiến tranh là bước đi đầu tiên nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên mà ở cả khu vực và trên thế giới.
Theo Rodong Sinmun, nếu cuộc đối đầu quân sự giữa Triều Tiên và Mỹ kết thúc bằng một tuyên bố chính thức thì bầu không khí sẽ trở nên thuận lợi cho việc xây dựng lòng tin, theo đó thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn.