Thượng đỉnh Mỹ-Nga: Bước đệm giúp “phá băng” quan hệ song phương
Dù sự kiện này không phải là lần đầu tiên ông Biden “chạm mặt” ông Putin nhưng đây lại là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai vị lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra tại Geneva, kéo dài gần 4 tiếng, ngắn hơn thời gian dự đoán trước đó của các quan chức và chuyên gia. Cuộc gặp này cũng được tiến thành theo mô thức hẹp và rộng. Trong đó, cuộc gặp đầu tiên chỉ có sự tham dự của hai tổng thống, hai ngoại trưởng, hai thông dịch viên và kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ngày 16/6. Ảnh Getty Images. |
Sau 45 phút nghỉ giải lao, hai nhà lãnh đạo bước vào phiên thảo luận mở rộng với sự tham gia của các cố vấn hàng đầu. Hai bên đã thẳng thắn thảo luận những bất đồng trong quan hệ song phương, nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các vấn đề mà hai nước có sự giao thoa về lợi ích.
Đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo đã đạt được nhất trí trong ba vấn đề quan trọng. Đầu tiên, hai bên đã đạt được đồng thuận về hướng đến ổn định chiến lược, đồng thời nhất trí sẽ tiến hành tham vấn liên ngành do Bộ Ngoại giao hai nước chủ trì về việc triển khai Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START-3). Tuyên bố chung cũng nêu rõ, Washington và Moscow sẽ sớm khởi động đối thoại toàn diện về ổn định chiến lược, thông qua đó tạo ra nền tảng cho việc kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Thứ hai là về đối ngoại, hai bên nhất trí cử đại sứ của mình quay lại làm nhiệm vụ tại nước kia cũng như khởi động tham vấn giữa hai Bộ Ngoại giao.
Động thái này là bước quan trọng có thể giúp bình thường hóa hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao hai nước, vốn bị đình trệ thời gian gần đây sau khi hai bên có những động thái trừng phạt đáp trả lẫn nhau, bao gồm việc trục xuất các nhà ngoại giao hồi tháng 4 vừa qua. Cuối cùng, về vấn đề an ninh mạng, hai bên cũng sẽ tiến hành tham vấn cụ thể.
Phát biểu tại họp báo riêng sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Biden cho biết còn nhiều điều phải làm và rằng những tháng sắp tới sẽ là một quãng thời gian thử thách về việc liệu cuộc thảo luận giữa hai tổng thống tại Geneva có thể đưa Mỹ và Nga đến gần hơn với sự cải thiện quan hệ hay không. Về phần mình, Tổng thống Nga Putin đánh giá đây là cuộc đối thoại khá cởi mở và thẳng thắn, trong đó hai bên không tìm cách gây áp lực cho nhau. Ông Putin cũng gọi ông Biden là người “nhiều kinh nghiệm” và “cân bằng”.
Hội nghị thượng đỉnh kết thúc dường như không đem lại thay đổi nhiều đến quan hệ song phương. Điều này đã được giới chuyên gia dự đoán từ trước, đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ trước đó luôn đặt ra một mục tiêu khiêm tốn là thiết lập một mối quan hệ “hợp lý và có thể đoán trước” với Tổng thống Nga Putin. Cộng đồng quốc tế cũng không kỳ vọng quá lớn vào kết quả hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, lý do là vì quan hệ song phương trước cuộc gặp quan trọng này được cả hai bên thừa nhận là “trong tình trạng xấu không thể chấp nhận được”.
Theo đánh giá của Văn phòng Tổng thống Nga, “quan hệ Nga-Mỹ đã bị suy giảm trong nhiều năm và hiện đang ở trong tình trạng không thể hài lòng. Các kênh tiếp xúc đã bị đình chỉ gần như trong toàn bộ các vấn đề phối hợp hành động song phương”. Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng cũng đồng ý với nhận định của Tổng thống Putin rằng “quan hệ Nga-Mỹ xấu đến mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây”. Bản thân ông Biden sau khi nhậm chức cũng không có ý định “thiết lập lại” mối quan hệ với Nga giống như một số tổng thống Dân chủ tiền nhiệm, thậm chí còn thực thi chính sách được đánh giá là khá cứng rắn trong quan hệ với Moscow.
Mặc dù cả Moscow và Washington vẫn chưa thể khôi phục lòng tin lẫn nhau nhưng cả hai bên đều công nhận sự cần thiết phải có mối quan hệ hợp tác để căng thẳng không leo thang hơn nữa. Mới đây, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nêu rõ tầm quan trọng của việc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo có nhiều bất đồng với Mỹ như nhà lãnh đạo Nga, và rằng “mục tiêu của Tổng thống Biden là để hai nước Mỹ và Nga hướng đến một mối quan hệ ổn định hơn”.
Phía Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng cùng với Mỹ nỗ lực đối thoại làm lành mạnh hóa quan hệ song phương trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau. Nga cũng xác định việc bình thường hóa quan hệ song phương là cần thiết cho cả Nga và Mỹ. Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, Eric Green, cũng thừa nhận rằng “dù muốn hay không, Mỹ vẫn phải làm việc với Nga về một số thách thức cơ bản trên thế giới”. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng từng nhận định, “cần đối thoại với Nga một phần để hướng tới mối quan hệ tốt đẹp hơn”.
Giới quan sát nhận định, bất chấp cuộc gặp thượng đỉnh khó mang lại thay đổi lớn, việc các bên sẵn sàng lắng nghe quan điểm của nhau về các vấn đề còn những khác biệt là điểm khởi đầu tích cực, có thể tạo ra cơ hội cho các cuộc đối thoại tiếp theo về những giải pháp cụ thể hơn nhằm cải thiện quan hệ song phương.