Thượng đỉnh Nga - Mỹ dự kiến sẽ có ít đột phá

Thứ Tư, 16/06/2021, 14:11
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ chính thức “đối mặt” ngày 16/6 trong cuộc gặp đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức với khả năng xảy ra nhiều bất đồng và ít kỳ vọng cho một bước đột phá.
Ảnh minh họa Reuters. 

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra tại lâu đài cổ Villa La Grange sang trọng nằm ven hồ tại Geneva, Thụy Sĩ. Cả hai đều cho biết họ hy vọng cuộc đàm phán có giúp cái thiện mối quan hệ song phương, trở nên ổn định hơn và dễ đoán hơn, mặc dù giữa họ vẫn còn mâu thuẫn về nhiều vấn đề từ kiểm soát vũ khí, tấn công mạng đến can thiệp bầu cử và Ukraine.

Các mối quan hệ Mỹ-Nga trong thời gian qua gần như chỉ đi xuống, đặc biệt là sau động thái sáp nhập Crimea của Nga vào năm 2014, sự can thiệp của họ vào Syria năm 2015 và cũng như cáo buộc từ phía Mỹ rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, một cáo buộc mà Nga kiên quyết phủ nhận.

Căng thẳng song phương tiếp tục gia tăng hồi tháng 3 khi Tổng thống Mỹ đưa ra nhận định gây tranh cãi về người đồng cấp, khiến hai bên tăng cường đưa ra các đòn trả đũa ngoại giao.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Washington nhắm đến một loạt các “nhiệm vụ”, những lĩnh vực “hai bên có thể hợp tác để thúc đẩy lợi ích quốc gia và làm cho thế giới an toàn hơn”.

Kiểm soát vũ khí là một lĩnh vực mà trong lịch sử hai bên vẫn có thể đạt được tiến bộ. Hồi tháng 2, Nga và Mỹ đã gia hạn thêm 5 năm hiệp ước START Mới, theo đó giới hạn các đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai của cả hai nước và hạn chế các máy bay ném bom và tàu ngầm có thể vận chuyển tên lửa.

Ngoài ra, ông Biden cũng sẽ xác định các lĩnh vực lợi ích quốc gia quan trọng, nếu Nga xâm phạm bằng hình thức nào đó sẽ bị đáp trả thích đáng. Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Biden đã ký một lệnh hành pháp nhằm tăng cường phạm vi Washington có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.

Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết ông không đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp này. “Một điều có thể rút ra, theo nghĩa tích cực, từ cuộc họp ở Geneva là đảm bảo rằng Mỹ và Nga không tấn công nhau về mặt vật lý, ngăn chặn một vụ va chạm quân sự”.

Một dấu hiệu khác cho thấy căng thẳng giữa hai nước khó có thể giải quyết với một cuộc gặp, đó là hai vị tổng thống sẽ không dùng bữa chung và cả ông Putin và ông Biden đều tổ chức các cuộc họp báo riêng biệt chứ không có họp báo chung.

Trái ngược với cựu Tổng thống Donald Trump, người từng có cuộc gặp riêng với ông Putin tại một cuộc họp với sự có mặt của phiên dịch viên, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Helsinki, Phần Lan, hai ông Biden và Putin sẽ không có bất kỳ cuộc gặp riêng nào.

Duy Tiến (Theo Reuters)
.
.
.