Thủ tướng Nhật Bản quyết thúc đẩy triển vọng Hiệp ước Hòa bình với Nga

Thứ Sáu, 06/09/2019, 05:52
Sau nhiều lần thất bại trong việc ký kết một Hiệp ước Hoà bình với Nga hậu chiến tranh lạnh liên quan tới vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ, hôm 4-9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên đường tới Vladivostok (Nga) nhằm tìm kiếm cơ hội để thu hẹp những bất đồng tồn tại giữa hai bên, mở ra một tương lai hữu nghị, đồng thuận và tích cực giữa Tokyo và Moscow về vấn đề này.


Tờ Japan Times hôm 4-9 đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bắt đầu chuyến công du ba ngày tới Vladivostok, thành phố Viễn Đông của Nga. Ngoài việc tới đây để tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF), thì trọng tâm trong chuyến công du lần này của Thủ tường Shinzo Abe là cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin, nhằm tạo ra tiến triển hướng tới giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ từ lâu, liên quan tới bốn hòn đảo nằm ngoài khơi Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản hiện do Nga kiểm soát.

Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đều bày tỏ sự chân thành hướng đến việc nâng cấp các cuộc đàm phán về ký kết Hiệp ước Hoà bình. Nguồn: EEF

Phát biểu với báo giới tại Văn phòng Thủ tướng trước khi lên đường, ông Abe nhấn mạnh: "Tôi hy vọng sẽ có cuộc trò chuyện thẳng thắn với Tổng thống Putin để củng cố và nâng cấp các cuộc đàm phán về Hiệp ước Hoà bình giữa hai bên đến một giai đoạn tích cực hơn”. Ông Abe tin tưởng rằng, một quan hệ đối tác thực sự sẽ đóng góp vào sự ổn định và thịnh vượng của vành đai Thái Bình Dương, phù hợp với lợi ích chiến lược của Tokyo và Moscow.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ: “Chúng tôi có mục tiêu và sẽ chân thành hướng đến việc đạt được Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản. Tôi và Thủ tướng Abe trước đó đều nhất trí rằng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, Nga và Nhật Bản đều có ưu tiên trong việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao hai nước”.

Cuộc gặp lần này giữa ông Abe và ông Putin đã trở thành tâm điểm bình luận trên các trang báo lớn. Có nhiều quan điểm và dự đoán về kết quả của cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước. Một bên cho rằng, Nga và Nhật Bản luôn đưa ra những bình luận tích cực nhưng nhìn từ thực tế, qua nhiều lần đàm phán các cấp thì cả Tokyo và Moscow vẫn chưa đạt được kết quả đột phá nào.

TASS trích lời chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Viễn Đông Valery Kistanov nói, việc Nhật Bản là một đồng minh lâu năm của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới quá trình đàm phán với Nga, bởi nước này khó có thể độc lập trong các hoạt động ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền. Thêm vào đó, Nhật Bản đã tham gia các lệnh trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt đối với Moscow vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, một luồng quan điểm khác thì nhận định, ông Putin lần này chắc chắn sẽ phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng các đề nghị từ phía Nhật Bản. Các chuyên gia viện dẫn, thời gian gần đây, Tokyo là một trong những bên khuyến khích Nga đối thoại với châu Âu nhiều hơn và là một trong những bên ủng hộ việc xem xét đưa Moscow trở lại định dạng G8 – nhóm 8 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới.

Mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản nhiều năm nay bị phủ bóng đen do chưa thể ký được Hiệp ước Hòa bình. Trở ngại lớn nhất ngăn cản hai nước tiến tới ký kết trong suốt 7 thập kỷ qua chính là cuộc tranh chấp lãnh thổ đối với các hòn đảo ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương.

Cụ thể, những hòn đảo này theo cách gọi của phía Nga là quần đảo Nam Kuril, phía Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Quần đảo đang tranh chấp này gồm bốn hòn đảo mà Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan; còn Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan.

Cả Nga và Nhật Bản vẫn chưa nêu rõ “cái giá” mà mỗi bên đưa ra, song Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe ngay từ đầu đã nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán dựa trên Tuyên bố chung Liên Xô-Nhật Bản năm 1956, tài liệu duy nhất được cả hai nước công nhận cho tới nay. Tuyên bố này nêu rõ, phía Nhật Bản sẽ giành lại quyền kiểm soát các đảo Habomai và Shikotan sau khi ký kết hiệp ước.

Theo Japan Times, các nhà dân tộc chủ nghĩa người Nhật coi việc trả lại các hòn đảo này là một bước quan trọng hướng tới việc phục hồi danh dự đã mất của Nhật Bản trong chiến tranh. Về phía Nga, những hòn đào này được xem như là một phần của câu chuyện chiến thắng và một đài tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân đã được dựng tại đảo Kunashir.

Đặc biệt, những người phản đối Nga thỏa hiệp khẳng định những hòn đảo này đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo có thể sử dụng vùng biển Okhotsk của Nga làm bàn đạp triển khai các tàu ngầm hạt nhân.

Nếu Nga trả lại cho Nhật Bản, liệu các đảo này có bị đặt dưới sự bảo trợ an ninh của Mỹ hay không? Và liệu Mỹ có được quyền thiết lập các căn cứ hay lắp đặt các trang thiết bị quân sự trên quần đảo này hay không?

Hồi đầu năm, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono khi bắt đầu đàm phán với các đối tác Nga đã không ngần ngại tuyên bố, phía Nhật Bản mong muốn 2019 sẽ là một “năm lịch sử” đánh dấu bước tiến trong tiến trình đàm phán về Hiệp ước hòa bình với Nga, bất chấp sự chia rẽ sâu sắc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng chục năm qua giữa hai nước. Phía Nhật Bản hy vọng, đề xuất ban đầu về việc cùng triển khai các hoạt động kinh tế trên các đảo tranh chấp do Nga kiểm soát sẽ dẫn tới một thỏa thuận cuối cùng mang tính hữu nghị và hai bên đều có lợi.

Linh Đan
.
.
.