Thủ tướng Anh kêu gọi Công đảng gạt bỏ bất đồng, thỏa hiệp Brexit

Thứ Hai, 06/05/2019, 09:29
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 4-5 đã lên tiếng kêu gọi lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn gạt bỏ những bất đồng nhằm đưa ra một thỏa thuận về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sau những kết quả yếu kém của cả hai đảng trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua.

Thủ tướng Theresa May kêu gọi phe đối lập lắng nghe mong muốn của cử tri trong cuộc bầu cử địa phương, tạm gác lại những bất đồng sang một bên để cùng nhau đưa ra thỏa thuận.

Càng kéo dài, Brexit càng gây tổn hại cho nền kinh tế Anh

Tờ The Sunday Times dẫn một nguồn tin cho biết, đảng Bảo thủ sẽ đưa ra những nhượng bộ mới đối với Công đảng khi các cuộc đối thoại được khởi động lại vào ngày 7-5, trong đó có đề xuất liên minh thuế quan tạm thời với EU cho đến khi bầu cử Anh diễn ra vào tháng 6-2022. 

Trước đó, thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn đã coi liên minh hải quan lâu dài với EU là điều kiện để ủng hộ kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May. Tuy nhiên, đảng Bảo thủ cầm quyền phản đối điều này do lo ngại nó sẽ ngăn Anh đạt được thỏa thuận thương mại với các nước khác. Uy tín đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May và Công đảng đối lập đều giảm sút do bế tắc liên quan đến tiến trình Brexit. 

Hiện vẫn chưa rõ việc “ly hôn” giữa Anh và EU có diễn ra hay không. Ảnh: lazyllama.

Điều này đã được phản ánh qua kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc bầu cử hội đồng địa phương xứ England được công bố ngày 3-5. Đảng Bảo thủ đã để mất 359 vị trí trong hội đồng địa phương tại đây, trong khi đó Công đảng để mất 74 vị trí. 

Theo giới phân tích, kết quả trên phản ánh việc cả hai đảng Bảo thủ và Công đảng đều đang bị trừng phạt vì những hỗn loạn xoay quanh trì hoãn Brexit và cả hai chính đảng này đều đã đánh mất ưu thế tại địa phương vốn là “sân nhà” của mình.

Gần 3 năm kể từ sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, đến nay các chính trị gia của Anh vẫn chưa thống nhất được thời điểm cũng như cách thức, thậm chí việc “ly hôn” giữa Anh và EU có diễn ra hay không. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs mới đây đã cảnh báo vụ “ly hôn” kéo dài giữa Anh và EU đang gây tổn hại cho nền kinh tế lớn thứ năm thế giới thông qua những tác động đến đầu tư và thị trường việc làm. 

Trong báo cáo gửi tới khách hàng, Goldman Sachs nói rằng, kịch bản cơ sở cho những đánh giá của họ là thỏa thuận “ly hôn” sẽ được phê chuẩn vào ngày 22-5. Song vẫn có nguy cơ Brexit bị trì hoãn cho đến gần thời hạn 31-10. Ngân hàng này cho hay, vì những diễn biến chính trị xung quanh Brexit bị kéo dài, do đó những ảnh hưởng của quá trình này đối với nền kinh tế Anh đã tăng lên. 

“Đại gia” ngân hàng này đánh giá, nền kinh tế Anh đã tăng trưởng yếu hơn các nền kinh tế phát triển khác kể từ giữa năm 2016, mất gần 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với mức có thể đạt được trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra. Điều này phần lớn là do hoạt động đầu tư suy yếu. Goldman Sachs chỉ ra năm 2018 là năm đầu tiên trong ít nhất nửa thế kỷ hoạt động đầu tư kinh doanh đều suy giảm từng quý dù nền kinh tế không hề bị suy thoái. 

Trì hoãn Brexit có ý nghĩa thế nào đối với bầu cử EU?

Việc Anh không thể rời khỏi EU theo đúng kế hoạch có nghĩa rằng các cử tri Anh sẽ phải đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng tới, bất chấp họ đã bỏ phiếu rời khỏi khối này hơn 2 năm trước đây. Thủ tướng Theresa May đã cam kết với các nhà lãnh đạo EU rằng, nước Anh sẽ tham gia bỏ phiếu nhằm đảm bảo sự gia hạn thêm cho việc Anh rời khỏi liên minh này đến ngày 31-10. 

Chính phủ của Thủ tướng Anh khẳng định, họ vẫn có thể thông qua thỏa thuận ra đi tại Hạ viện trước khi các cuộc bầu cử EP bắt đầu vào ngày 23-5, mà sẽ buộc Anh tham gia bỏ phiếu. Tuy nhiên, nếu kịch bản này không xảy ra thì London vẫn sẽ chịu sự ràng buộc với những trách nhiệm thỏa thuận của mình trong việc tổ chức các cuộc bầu cử và gửi các nghị sỹ mới tới Brussels. 

Luật của EU rất rõ ràng. Nếu không có bầu cử, công dân Anh sẽ có quyền yêu cầu đại diện trong EP mới. Ông Nigel Farage - cựu lãnh đạo đảng nước Anh độc lập (UKIP) và là lãnh đạo đảng Brexit mới được thành lập - đã đe dọa đưa Chính phủ Anh lên Tòa án công lý châu Âu nếu nước này không tổ chức bỏ phiếu.

Năm ngoái, các nghị sỹ đã bỏ phiếu cho một kế hoạch huỷ bỏ 46 trong tổng số 73 ghế của Anh ở EP và phân phối 27 ghế còn lại cho các nước thành viên EU. Pháp và Tây Ban Nha là những nước giành thắng lợi lớn nhất khi mỗi nước có thêm 5 ghế, trong khi Italy và Hà Lan mỗi nước chỉ có thêm 3 ghế. Nhưng sự tham gia của Anh trong cuộc bầu cử EP lần này đồng nghĩa việc phân phối ghế bị treo. Vẫn sẽ có 751 nghị sỹ trong EP mới. 

Theo các thành viên nghị viện, cơ quan này sẽ trở lại với việc phân phối ghế khi nước Anh chính thức rời khỏi EU. Điều đó có nghĩa vẫn sẽ duy trì danh sách chờ đợi của các nghị sỹ ở Pháp, Tây Ban Nha và các nước khác, những người sẽ chỉ có được ghế của mình sau Brexit. Sự hiện diện tiếp tục của 73 nghị sỹ Anh cũng đang gây ra nhiều vấn đề cho những nhà thầu xây dựng của nghị viện. Những tòa nhà văn phòng của các nghị sỹ ở Brussels sẽ phải được tu bổ lại để tạo không gian nhiều hơn cho các nghị sỹ còn lại.

Về mặt chính thức, các nghị sỹ Anh sẽ có địa vị tương tự như bất kỳ nghị sỹ nào khác trong Nghị viện châu Âu cho đến khi nước Anh rời khỏi khối này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 16-4 đã nhấn mạnh rằng, các nghị sỹ Anh không thể bị đối xử như những nghị sỹ “hạng hai”. 

Nhưng ông Manfred Weber - lãnh đạo đảng EPP và là ứng cử viên cho chức vụ Chủ tịch Hội đồng châu Âu khóa tới - đã cảnh báo rằng các nghị sỹ mới của Anh không thể “có ảnh hưởng đến tương lai của EU”. Các nghị sỹ châu Âu cho rằng, với việc Brexit đang treo lơ lửng, các nghị sỹ Anh sẽ không được phép nắm giữ bất kỳ vị trí lãnh đạo nào trong EP tới đây, chẳng hạn như phó chủ tịch hay đứng đầu các ủy ban.

Mặc dù chưa có biện pháp pháp lý nào để ngăn cản các ứng viên Anh chạy đua cho những vị trí này, một quan chức EU nói sẽ cần phải có một sự nhận thức không chính thức rằng các nghị sỹ Anh không nên được bổ nhiệm. Nhưng họ có thể tham gia lựa chọn một chủ tịch mới cho ủy ban, người sẽ phải giành được sự ủng hộ đa số trong Nghị viện. EP mới sẽ có cuộc họp chính thức đầu tiên vào ngày 2-7. 

Nếu Anh bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tháng 5 nhưng sau đó thông qua thỏa thuận ra đi trước tháng 7, các quan chức EU cho rằng, các nghị sỹ Anh mới được bầu sẽ không được phép giữ ghế, đồng nghĩa họ không tham gia EP nữa.

PV (tổng hợp)
.
.
.