Thế giới lo ngại năng lực hạt nhân của Triều Tiên

Thứ Hai, 12/09/2016, 08:19
Liên quan tới vụ CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vừa qua, ngày 11-9, các đặc phái viên của Mỹ và Nhật Bản về CHDCND Triều Tiên đã nhất trí tìm kiếm “những biện pháp mạnh mẽ nhất có thể” nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, mặc dù cũng lên án vụ thử này, nhưng Nga cho rằng, cần phải có một phản ứng “sáng tạo” đối với CHDCND Triều Tiên.

Trả lời báo giới sau cuộc gặp với Vụ trưởng Vụ châu Á và Hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kenji Kanasugi tại Thủ đô Tokyo, Đặc phái viên Mỹ về chính sách Triều Tiên Sung Kim, cho biết: “Chúng tôi sẽ hợp tác rất chặt chẽ với nhau tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và hơn thế để đưa ra những biện pháp mạnh nhất có thể nhằm vào các hành động của (CHDCND) Triều Tiên”.

Ông Kim chưa thông báo cụ thể các biện pháp này là gì, nhưng đảm bảo rằng Nhật Bản và Mỹ sẽ xem xét các biện pháp đơn phương, song phương cũng như hợp tác ba bên với Hàn Quốc để đối phó với “cách hành xử gây hấn và không thể chấp nhận được của (CHDCND) Triều Tiên”.

Trong khi đó, Hàn Quốc đã phát triển một kế hoạch tấn công phủ đầu CHDCND Triều Tiên, mang tên Khái niệm trừng phạt và trả đũa ồ ạt (KMPR), nhằm phá hủy Thủ đô Bình Nhưỡng trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công hạt nhân do CHDCND Triều Tiên thực hiện.

Hình ảnh mô tả vị trí vụ thử hạt nhân hôm 9-9 của CHDCND Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Cùng với đó, theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Đặc phái viên hạt nhân của nước này Kim Hong-kyun và người đồng cấp Trung Quốc Vũ Đại Vĩ đã có cuộc điện đàm, trong đó hai quan chức này đã thảo luận cách đối phó với động thái được cho là thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên ngày 9-9 vừa qua.

Trong cuộc điện đàm này, ông Kim nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động “nhanh chóng và mạnh mẽ,” kể cả các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ, để đối phó với việc CHDCND Triều Tiên liên tục thực hiện các hành động khiêu khích, bất chấp những lời cảnh báo của cộng đồng quốc tế.

LHQ cũng tuyên bố lên án vụ thử hạt nhân trên của Bình Nhưỡng, khẳng định sẽ sớm đưa ra một nghị quyết nhằm đáp trả hành động này của CHDCND Triều Tiên.

Không cứng rắn như vậy, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 10-9 cho rằng, cộng đồng quốc tế cần tìm các giải pháp mới để phản ứng với các vụ thử hạt nhân của CHDCN Triều Tiên, nhằm giảm căng thẳng trong khu vực thay vì chỉ tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: “Tình hình hiện nay cho thấy các nhà ngoại giao cần sáng tạo hơn, thay vì chỉ đáp trả bằng những biện pháp trừng phạt lặp đi lặp lại trong bất cứ tình huống nghiêm trọng nào”.

Người đứng đầu ngành Ngoại giao Nga cũng cho rằng, còn quá sớm để kết thúc các cuộc đàm phán 6 bên (CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Nhật Bản) về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, vốn bị đình trệ từ tháng 12-2008, và cần phải tìm cách để nối lại chúng.

Đây có lẽ là phương án khả dĩ nhất để giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Lý tưởng là chính đàm phán này phải kết thúc với việc thành lập một hệ thống an ninh mới ở Đông Bắc Á, trong đó vấn đề hạt nhân mới có thể được giải quyết.

Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc lại quyết định loại Bình Nhưỡng ra khỏi bàn đàm phán, thay vào đó, họ nhất trí hợp tác, nhằm hướng tới tổ chức một cuộc đàm phán 5 bên với Trung Quốc, Nhật Bản và Nga về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Liệu kết quả cuộc đàm phán này có thể đóng băng chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên khi nhân vật chính lại vắng mặt?

Hôm 10-9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân sáng 9-9, vi phạm nghiêm trọng các Nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực.

Ông Lê Hải Bình nêu rõ: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ủng hộ việc cấm thử hạt nhân toàn diện, không phổ biến hạt nhân và tiến tới giải trừ loại vũ khí này”.

Việt Nam kêu gọi các bên liên quan cần tuân thủ nghiêm túc các Nghị quyết của HĐBA LHQ, có các hành động thiết thực thúc đẩy hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Về phía "tác giả" vụ thử hạt nhân, ngày 11-9, CHDCND Triều Tiên đã yêu cầu Mỹ phải công nhận nước này là “nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân hợp pháp”.

Cơ quan thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này nêu rõ: “Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cố phủ nhận vị thế chiến lược của CHDCND Triều Tiên với tư cách là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hợp pháp”.

Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên cũng chỉ trích “âm mưu” thúc đẩy các biện pháp trừng phạt của Tổng thống Obama sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 là “điều nực cười”, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh hạt nhân của mình.

Trước đó, hôm 10-9, Bình Nhưỡng tuyên bố nước này sẽ không khuất phục trước “sự hăm dọa” của Mỹ. Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Lao động Triều Tiên, nêu rõ: “Đã qua rồi những ngày mà Mỹ có thể đưa ra sự hăm dọa hạt nhân đơn phương chống Triều Tiên. Mỹ bị chọc tức bởi những bước tiến quân sự mạnh mẽ của Triều Tiên theo một cách thức được chia ra nhiều giai đoạn”. 

Hồi đầu năm nay, tờ Rodong Sinmun cũng có bài viết, trong đó cho rằng, chính quyền Mỹ “đã dành cho Nhật Bản và Hàn Quốc vai trò như những lực lượng xung kích” trong cuộc tấn công nhằm vào CHDCND Triều Tiên.

Theo đó, Washington đang “tìm cách tăng cường liên minh quân sự với các đồng minh chính của mình để gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng dưới cái cớ được tưởng tượng ra về mối đe dọa từ tên lửa CHDCND Triều Tiên”.

Có ý kiến cho rằng, vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên chỉ là phương tiện để răn đe. Sau Nam Tư, Iraq, Libya, người ta khó có thể hi vọng rằng, các nhà lãnh đạo của Bình Nhưỡng sẽ ngồi yên và chờ đến khi bị “dân chủ hóa”.

CHDCND Triều Tiên cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, nếu Mỹ “không từ bỏ chính sách thù địch”, họ sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân “ngay cả khi trời sập”. Tuy nhiên, thật khó để tranh cãi rằng, hành động của Bình Nhưỡng đã khiêu khích một cuộc khủng hoảng, cũng như không thể xem nhẹ tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, nhưng hậu quả thực tế bây giờ phụ thuộc chủ yếu vào “đối thủ” của họ.

Và quan trọng hơn, cần phải biết khi nào nên dừng, vì các biện pháp trừng phạt thông qua HĐBA LHQ và các biện pháp đơn phương của các nước phương Tây có thể khiến Bình Nhưỡng có phản ứng không tỉnh táo.

Khổng Hà
.
.
.