Thanh gươm tự vệ của CHDCND Triều Tiên
- Mỹ nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa, sau khi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch1
- CHDCND Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch: Những dư chấn ở Đông Bắc Á
Khi CHDCND Triều Tiên tin rằng, cuối cùng họ cũng có thể chế tạo thành công vũ khí hạt nhân và thu nhỏ lại để gắn lên tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong, thì an ninh khu vực Đông Bắc Á sẽ "tăng nhiệt" nguy cơ bùng phát xung đột. Điều quan trọng nhất là Triều Tiên giờ đây như được tiếp thêm niềm tin vào sự thành công của chương trình hạt nhân mà họ vẫn theo đuổi và có lẽ đây mới chính là thách thức lớn đặt ra đối với cộng đồng quốc tế.
Với tuyên bố thử bom nhiệt hạch vừa qua, nhà lãnh đạo Kim Jong un đã chứng tỏ bản lĩnh của mình. Theo đánh giá của một số chuyên gia, Bình Nhưỡng thường có những hành động bất ngờ khi cảm thấy họ đang bị "phớt lờ". Nước này thường sử dụng các hành động khiêu khích, đe dọa để buộc đối phương tham gia các cuộc đối thoại, đồng thời để tìm kiếm viện trợ trong điều kiện kinh tế trong nước gặp khó khăn.
Kể từ khi kế thừa quyền lực, ông Kim Jong-un đã tiến hành cải tổ hầu hết các vị trí quyền lực trong đảng và quân sự. Kho vũ khí hạt nhân dường như là chỗ dựa quan trọng đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên và người dân nước này. Đối với những người luôn lo sợ về một cuộc xâm lược của Mỹ, vũ khí hạt nhân có thể được coi là "thanh gươm" để tự vệ.
Vụ thử vũ khí hạt nhân này - nếu được xác nhận - sẽ là vấn đề lớn bởi vì điều đó đồng nghĩa rằng Triều Tiên đang trên đường tiến tới sở hữu một loại bom có khả năng công phá lớn hơn các loại bom mà họ từng sử dụng trong 3 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất vào các năm 2006, 2009 và 2013.
Nếu CHDCND Triều Tiên triển khai loại vũ khí như vậy thì họ có thể làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến kéo dài để tái thống nhất bán đảo Triều Tiên. Điều đó sẽ dẫn đến việc Mỹ - vốn đã ký hiệp ước bảo vệ Hàn Quốc - phải đưa ra quyết định cứng rắn, có thể dùng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết. Mặt khác, CHDCND Triều Tiên được cho là đã sở hữu một số bom nguyên tử và đang phát triển tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân.
Để biết liệu có phải CHDCND Triều Tiên sở hữu bom hiệt hạch hay không, Mỹ và cộng đồng quốc tế có nhiều cách để phân tích một vụ nổ dưới lòng đất, bao gồm việc sử dụng máy đo địa chấn. Lực lượng Không quân Mỹ cũng có máy bay được trang bị thiết bị phát hiện vụ nổ hạt nhân và một hệ thống phát hiện các vụ nổ hạt nhân toàn cầu có tên gọi Hệ thống Phát hiện năng lượng hạt nhân Mỹ, có thể phát hiện các hoạt động hạt nhân dưới đất, dưới biển, trong bầu khí quyển và trên vũ trụ.
Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện của Liên Hiệp Quốc cũng có các trạm giám sát trên khắp thế giới, đã từng phát hiện các đồng vị phóng xạ từ các vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên. Lassina Zerbo - người đứng đầu trung tâm này - cho biết các máy phát hiện phóng xạ đang tìm kiếm các đồng vị phóng xạ từ vụ nổ hôm 6-1 để xác định xem có phải Bình Nhưỡng đã tiến hành một vụ thử hạt nhân hay không, và liệu có phải đó là bom nhiệt hạch như Bình Nhưỡng tuyên bố hay không.
Còn để giải tỏa nghi ngờ về trình độ kỹ thuật cần thiết để chế tạo bom nhiệt hạch của Triều Tiên, người ta có thể so sánh thời gian cần thiết để các cường quốc hạt nhân khác phát triển từ bom nguyên tử lên bom nhiệt hạch. Đối với Mỹ, quốc gia hàng đầu trong cả hai lĩnh vực, thời gian cần thiết là 87 tháng, hay hơn 7 năm, tính từ thời điểm vụ thử bom nguyên tử đầu tiên năm 1945 đến vụ thử bom khinh khí đầu tiên năm 1952.
Giới phân tích cho biết Trung Quốc cần thời gian là 32 tháng, hay chưa đầy 3 năm. Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 - một số vụ được cho là không thành công. Như vậy, Triều Tiên đã tiến hành công cuộc này trong vòng ít nhất 10 năm.