Thắng lợi kép của Thủ tướng Đức Markel

Thứ Tư, 28/02/2018, 08:13
Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thông qua thỏa thuận thành lập Chính phủ liên minh với đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD), động thái được đánh giá là thắng lợi lớn giúp bà Merkel tiến gần hơn tới nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 4 liên tiếp.

Reuters ngày 27-2 đưa tin, tại đại hội đảng CDU của Thủ tướng Angela Merkel diễn ra vào chiều 26-2, 975 trong tổng số 1.002 thành viên tham dự đã bỏ phiếu phê chuẩn thoả thuận thành lập Chính phủ liên minh mới tại Đức giữa liên đảng CDU và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) với đảng SPD. 

Con số ủng hộ gần như tuyệt đối trong nội bộ đảng được xem là đã giúp nữ Thủ tướng Merkel trút bỏ gánh nặng trên vai bà suốt 5 tháng qua, khi chính trường Đức liên tiếp rơi vào tình cảnh bế tắc sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9-2017. 

Giới quan sát nhận định, với cá nhân bà Merkel, đây được xem như một thắng lợi kép. Thứ nhất, việc gần như toàn bộ thành viên của CDU chấp nhận thoả thuận lập Chính phủ liên minh giữa liên đảng CDU/CSU với đảng SPD cho thấy, bất chấp muôn vàn sóng gió trong thời gian qua, nữ Thủ tướng Angela Merkel vẫn là người giành được sự tín nhiệm cao nhất trong đội ngũ lãnh đạo đảng CDU. 

Đây là điều không đơn giản, bởi lẽ uy tín của bà Merkel đã bị sụt giảm sau khi đảng CDU bất ngờ giành được kết quả kém nhất trong nhiều thập kỷ tại cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9-2017. 

Sự thất vọng với bà Merkel thậm chí còn lên đến đỉnh điểm khi liên đảng CDU/CSU của bà thất bại trong đàm phán thành lập Chính phủ liên minh cùng đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP) cuối năm ngoái. Vào thời điểm đó, một số thành viên của CDU thậm chí cho rằng bà Merkel nên cân nhắc việc ra đi. 

Tuy nhiên, sự kiên trì của bà Merkel trong việc thuyết phục các thành viên đảng SPD ngồi vào bàn đàm phán để thành lập Đại liên minh đã đem lại kết quả khả quan, khi một thoả thuận giữa CDU/CSU với SPD được thiết lập hồi đầu tháng với những điều khoản gần như chắc chắn sẽ được các bên thông qua.

Nụ cười của Thủ tướng Đức Angela Merkel sau khi CDU thông qua thỏa thuận thành lập Chính phủ liên minh. Ảnh: AP.

Thứ hai, kết quả khả quan này cho thấy bà Merkel đã thành công trong việc hàn gắn chia rẽ nội bộ đảng CDU. Gần đây, các thành viên trẻ đầy tham vọng của đảng này liên tiếp bày tỏ quan điểm trái ngược, hay thậm chí nổi loạn với quan điểm của các thành viên kỳ cựu. 

Chỉ trước khi phiên bỏ phiếu diễn ra đúng một ngày, hôm 25-2, Thủ tướng Merkel đã công bố danh sách 6 bộ trưởng thuộc đảng của bà tham gia vào Chính phủ mới. 

Những người được bà Merkel lựa chọn gồm ông Peter Altmaier - Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng, bà Ursula von der Leyen - Bộ trưởng Quốc phòng, ông Jens Spahn - Bộ trưởng Y tế, bà Julia Klckner - Bộ trưởng Nông nghiệp, bà Anja Karliczek - Bộ trưởng Giáo dục và ông Helge Braun - Bộ trưởng, Chánh văn phòng Thủ tướng. 

Trong số này, chỉ có duy nhất Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen vẫn tại vị, những người còn lại đều là các gương mặt mới, trong đó đáng chú ý nhất là ông Spahn, người nhiều lần chỉ trích chính sách mở cửa đón người tị nạn của bà Merkel. 

Giới quan sát nhận định, chính việc bà Merkel chấp nhận hy sinh các đồng minh chính trị lớn tuổi trong đảng và nhường ghế cho những gương mặt trẻ hơn đã phần nào xoa dịu được các mầm mống "nổi loạn" thuộc nội bộ CDU. 

Có thể nói rằng, phần khó khăn nhất đã qua, một Chính phủ liên minh mới cho nước Đức hiện chỉ còn chờ các đảng viên SPD trên toàn quốc thông qua trong một cuộc bỏ phiếu được tiến hành vào ngày 4-3 tới.

Dù đang có những bước tiến vô cùng vững chắc trong việc lập được Chính phủ liên minh, nữ Thủ tướng Merkel và liên minh của bà sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. 

Theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận được công bố hồi tuần trước, tỷ lệ ủng hộ đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đã lần đầu tiên vượt đảng SPD. 

Đây được xem là một cú sốc lớn với những người ủng hộ đảng trung tả SPD, cũng như cho thấy cái nhìn tiêu cực của không ít người dân Đức về vấn đề nhập cư, lương hưu, an ninh hay toàn cầu hoá… chưa thực sự được giải toả triệt để. Cùng với đó là những thử thách ngày càng căng thẳng trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và bài toán ổn định Liên minh châu Âu (EU) thời "hậu" Brexit.

Ngay tại đại hội của đảng CDU, nữ Thủ tướng Merkel đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó tái khẳng định các cam kết mà bà và Chính phủ liên minh sẽ theo đuổi trong thời gian tới. 

Đề cập đến lo lắng của dư luận về xu hướng toàn cầu hóa và tình hình chính trị hiện nay ở Đức, bà Merkel nhấn mạnh bà sẽ cùng nội các mới xác định những định hướng cụ thể cho nước Đức cũng như cho đảng CDU, song khẳng định giữ nguyên lập trường cứng rắn đối với việc tăng thuế và nợ công trong nước. 

Bên cạnh đó, bà cũng cam kết làm mọi thứ để đảm bảo Internet có mặt trên khắp nước Đức trước năm 2025, tăng chi tiêu cho nghiên cứu khoa học, tạo ra 8.000 việc làm trong lĩnh vực y tế cộng đồng và "không khoan nhượng" với các mối nguy về an ninh.

Đối với vấn đề EU, nữ Thủ tướng Đức một lần nữa kêu gọi đổi mới liên minh, nhấn mạnh EU là yếu tố quan trọng để đảm bảo các lợi ích của Đức và hối thúc cần hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng chắp vá các bộ luật về an ninh biên giới, quốc phòng hay thị trường giữa các nước trong khối.

Thiên Minh
.
.
.