“Tảng băng chìm” trong quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Bảy, 08/02/2020, 08:17
Vốn khá nồng ấm với những quan điểm và lợi ích chung tại Syria sau khi Mỹ rút quân, tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều tín hiệu cho thấy mâu thuẫn đang leo thang trong mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong mỗi vấn đề của khu vực, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại có các chính sách can thiệp riêng để đảm bảo lợi ích tối đa và ảnh hưởng ở khu vực. Do đó việc Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đụng độ với Quân đội Syria được Nga hậu thuẫn mới đây và việc Thổ Nhĩ Kỳ mô tả việc sáp nhập Bán đảo Crimea vào Liên bang Nga là “chiếm đóng” hay Ankara tố cáo Moscow gửi binh sĩ đến Lybia ủng hộ lực lượng quân đội quốc gia Libya… thực sự chỉ là bề nổi của tảng băng.

Điều đó cho thấy những rạn nứt trong quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ trong một số vấn đề ở Trung Đông dù lãnh đạo hai nước chưa có tuyên bố nào về điều này khi căng thẳng leo thang. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng sẽ không thắt chặt mối quan hệ với Nga ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria sau những vụ đụng độ vừa qua thì Moscow cho rằng Ankara không tuân thủ các thỏa thuận ngừng bắn ở Sochi. 

Mặc dù vậy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh rằng không có “tranh chấp nghiêm trọng” với Nga về những diễn biến ở Syria vào thời điểm hiện tại, nói thêm rằng đất nước của ông sẽ nói chuyện với Nga về vấn đề này với thái độ “không giận dữ”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại St. Petersburg.

Dư luận cho rằng, đó là cách nói nhằm tránh leo thang của ông Recep Tayyip Erodgan bởi khi bị Quân đội Syria tấn công thì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công đáp trả 54 mục tiêu Syria ở Idlib làm 76 binh sĩ Syria thiệt mạng. 

Những leo thang này được cho là lời cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ khi Nga ủng hộ lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực ủng hộ lực lượng hòa giải dân tộc, một địa bàn chiến lược của Nga và nước này có ảnh hưởng từ rất lâu. 

Nga lo ngại khả năng Thổ Nhĩ Kỳ đưa binh sĩ đến Libya sẽ gây ra phản ứng từ các nước láng giềng và khiến Libya thêm phức tạp. Tuy nhiên, cuộc đối thoại giữa Ankara và Moscow không bị gián đoạn và được cho là căng thẳng vẫn đang được kiểm soát.

Thực sự những toan tính và nước cờ mà các bên đưa ra rất khó dự đoán bởi giữa đối thoại hay tuyên bố lại khác xa việc các bên thực hiện. Tuy nhiên có thể thấy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cần có nhau trong một số vấn đề để kìm hãm ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông như vụ mua bán vũ khí S-400 hay cuộc chiến chống khủng bố ở Syria… nhưng cũng bất đồng trong một số vấn đề cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Đông. 

Trong khi Nga ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các lực lượng đối lập, bất đồng này cũng tương tự như ở Libya. Chiêu bài gây hấn để mặc cả được nhiều nước sử dụng trong thời gian qua, nhất là trong các vấn đề ở khu vực Trung Đông như Syria, Libya kể cả ở Sudan, Yemen, Iran, Iraq…

Từ cuối năm 2019 tới nay, vấn đề Libya lại trở nên nóng hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng ảnh hưởng ở nước này. Động thái này giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ vực dậy các dự án và hợp đồng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya ước tính trị giá khoảng 18 tỷ USD so với 9,8 tỷ USD năm 2010. Xung đột Libya là nhân tố quan trọng trong trò chơi thương lượng của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì nó đan xen với các vấn đề và lợi ích quan tâm ở Trung Đông và Châu Phi.

Libya là nơi giao thoa địa chính trị, kho chứa các mối đe dọa và rủi ro liên quan đến hai khu vực như là khủng bố, nhập cư bất hợp pháp và tội phạm có tổ chức. Mặc dù vậy các nước lớn ở khu vực và quốc tế vẫn đang cạnh tranh ở nhiều mức độ khác nhau. Đó là chưa kể tới cuộc đấu năng lượng ở biển Địa Trung Hải. 

Sự cạnh tranh ảnh hưởng và lợi ích kinh tế, quân sự của các nước khiến khu vực Trung Đông luôn trở nên bất ổn và phức tạp. Giới quan sát cũng như người dân ở các nước đang bất ổn chưa nhìn thấy tương lai của hòa bình và ổn định.

Theo giới phân tích, quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu nay không thể gọi là thân thiết. Không thể lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và NATO mua S-400 của Nga là “cái bắt tay bền chặt”. Đó là sự thay đổi một phần trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào Mỹ và NATO khi nghiêng về phía Nga, còn Nga cần Thổ Nhĩ Kỳ để tăng ảnh hưởng ở Trung Đông. Nga đảm bảo 55% nhu cầu khí đốt tự nhiên cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều nhà quan sát nhận định sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không chỉ giới hạn ở khía cạnh chính trị liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria mà còn bao gồm cả khía cạnh kinh tế và quân sự. Đó là mối quan hệ cùng có lợi hoặc là những bất đồng lợi ích. Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga khi đang tham gia chiến dịch tại Syria hồi tháng 11-2015 tưởng như sự rạn nứt biến thành xung đột lớn nhưng ngay sau đó hai bên đã ngồi lại với nhau. Yếu tố kinh tế, an ninh và sự thay đổi chính sách ngoại giao được cho là nguyên nhân hai bên cần có nhau. Quan hệ đối tác mới được thiết lập giữa Nga – Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn mong manh và đang trong quá trình thay đổi.

Cuộc tấn công gần đây của Quân đội Syria do Nga hậu thuẫn vào Idlib cho thấy rõ ràng giới hạn của sự hợp tác Nga -Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông và ngoài Trung Đông. Trong tương lai, quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ rất khó xảy ra xung đột lớn nhưng lại tồn tại sự cạnh tranh. Nhưng sự cân bằng quyền lực là chìa khóa để hình thành và định hướng một mối quan hệ giữa hai nước này.

PV (tổng hợp)
.
.
.