TPA và vấn đề đối với Việt Nam

Thứ Hai, 29/06/2015, 08:09
TPP đem lại cơ hội cho Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế, tăng cường tính minh bạch, ổn định của hệ thống pháp luật, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, góp phần vào công cuộc tái cơ cấu kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh, tạo sức bật cho các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế...

Cánh cửa đã mở

Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật “đàm phán nhanh”, hay còn gọi là quyền xúc tiến thương mại (TPA), với tỷ lệ 60 phiếu thuận và 38 phiếu chống để trao quyền cho Tổng thống Obama nhanh chóng hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh TPA, một dự luật khác là Dự luật Điều chỉnh hỗ trợ thương mại (TAA - một phần trong gói dự luật về TPA), nhằm mở rộng chương trình hỗ trợ liên bang cho người lao độngbị thiệt hại bởi hoạt động giao thương tự do quốc tế cũng được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua.

Đây là một bước đi rất quan trọng, quyết định giúp cho Tổng thống Mỹ Obama thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); được chuyển tới Nhà Trắng để Tổng thống Obama ký thông qua.

Quá trình thông qua TPA diễn ra đấu tranh gay gắt giữa các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ; thậm chí với chính Tổng thống với một số nghị sĩ Dân chủ và cả Cộng hòa. Thông qua TPA là sự kiện đánh dấu mối quan hệ "liên minh bất thường" giữa ông Obama và các nghị sĩ Cộng hòa trước đó từng chống đối dữ dội mọi chính sách đối nội và đối ngoại của ông. Việc thông qua TPA và cả TAA thực sự là một động thái "mở toang cánh cửa" để Tổng thống Obama rộng đường hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và các thỏa thuận thương mại khác.

Nội dung cốt lõi của TPA là trao cho Tổng thống Obama quyền "đàm phán nhanh" trong đàm phán TPP cùng các thỏa thuận thương mại khác và trình lên Quốc hội để bỏ phiếu thông qua hoặc là bác bỏ; giới nghị sĩ Mỹ sẽ không có quyền chỉnh sửa hay thay đổi những nội dung trong các thỏa thuận đó. TPA cho phép Tổng thống Obama đàm phán các thỏa thuận thương mại toàn cầu, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Khi được ký thành luật, TPA sẽ có hiệu lực trong vòng 6 năm, tới năm 2021, cho phép Tổng thống Obama và cả Tổng thống kế nhiệm sẽ toàn quyền đàm phán các thỏa thuận thương mại với các đối tác bên ngoài trước khi trình Quốc hội xem xét. Đây là một công cụ thiết yếu để Mỹ và 11 quốc gia khác có thể sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Về nguyên tắc, coi như Mỹ đã hoàn tất các mục tiêu chiến lược đối ngoại ở châu Á - Thái Bình Dương và chỉ tiếp tục triển khai “chiến lược chuyển trục” như kế hoạch đã vạch ra.

Thượng viện Mỹ đã trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Obama với tỷ lệ 60 phiếu thuận và 38 phiếu chống. Ảnh: Sourcingjournalonline.

Đây thực sự là một thắng lợi lớn của chính quyền Tổng thống Obama trong bối cảnh ông Obama đang mong muốn nhanh chóng hoàn tất việc tham gia TPP với 11 nước châu Á - Thái Bình Dương (gồm Canada, Australia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Việt Nam, Singapore, Peru, New Zealand, Chile và Brunei) trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ của mình. TPP chính là trụ cột kinh tế trong chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Obama, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông trước khi rời Nhà Trắng vào đầu năm 2017.

Có được quyền xúc tiến thương mại, Tổng thống Obama có toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của TPP, tiến tới hoàn tất văn bản của TPP. Lúc đó, Quốc hội Mỹ chỉ có thẩm quyền phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hiệp định TPP mà không có quyền sửa chữa, điều chỉnh các điều khoản đó.

Đây là một thắng lợi góp phần giải tỏa những hoài nghi của 11 đối tác đang đàm phán TPP. Nó mang đến cho những đối tác thương mại của Mỹ niềm tin cần thiết để có thể đưa lên bàn đàm phán những đề nghị thích hợp nhất và giúp chính quyền Obama kết thúc tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã kéo dài hơn năm năm; khẳng định thắng lợi của Mỹ trong chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc. Tổng thống Obama đã từng cho rằng, TPP sẽ giúp Mỹ và các nước thành viên “viết ra các quy định thương mại toàn cầu” thay vì Trung Quốc.

Bài toán đối với Việt Nam

TPP đem lại cơ hội cho Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế, tăng cường tính minh bạch, ổn định của hệ thống pháp luật, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, góp phần vào công cuộc tái cơ cấu kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh, tạo sức bật cho các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế, hướng đến hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp.

Thị trường xuất khẩu được mở rộng, giảm sự phụ thuộc về kinh tế vào một hay một số đối tác nhất định, đảo ngược tình trạng nhập siêu khá lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt từ một số thị trường. Việt Nam cơ hội: cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, mở thêm thị trường cho hàng hóa Việt Nam; tham gia các chuỗi sản xuất khu vực và quốc tế; tạo thuận lợi tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện môi trường thể chế; tăng tính hấp dẫn với đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, tạo năng lực sản xuất mới và tạo việc làm cho người lao động. 

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản, thủ công mỹ nghệ sẽ được hưởng lợi từ TPP; nhiều lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sẽ thu hút được thêm vốn đầu tư nước ngoài, giúp tạo ra các ngành công nghiệp mới, tạo thêm giá trị gia tăng xuất khẩu.

Một điều chú ý là, có thể Việt Nam có được "đặc cách" khi vào TPP và trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, khi Mỹ sẽ không xem xét đến trong quá trình đàm phán với Việt Nam. 

Tuy nhiên, thách thức cũng không ít khi thực hiện TPP. Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất, với GDP bình quân đầu người nhỏ hơn một phần ba so với nước thành viên.

Về kinh tế, ngành chăn nuôi được xem là ngành kinh tế chịu tổn thương nhiều nhất khi TPP tới Việt Nam. Chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, dịch bệnh thường xuyên đe dọa, liên kết chuỗi trong chăn nuôi yếu, quá nhiều khâu trung gian và lãi suất ngân hàng cao làm giá thành sản xuất chăn nuôi ở Việt Nam cao, khả năng cạnh tranh thấp (hiện giá thành thịt heo ở Mỹ thấp hơn 20 - 30% so với Việt Nam). Cho đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể nào về các yêu cầu đối với đối tác chăn nuôi Việt Nam tham gia TPP trong trường hợp hiệp định được ký kết.

Theo dự báo, riêng với Mỹ, sau khi TPP có hiệu lực, xuất khẩu thịt heo của Mỹ sang Việt Nam có thể tăng từ 2,3 triệu USD (năm 2014) hiện nay lên đến 100 triệu USD/năm, còn kim ngạch nhập khẩu thịt bò từ Mỹ vào Việt Nam năm 2014 là 16 triệu USD, nên việc thịt bò Mỹ sẽ tràn mạnh vào thị trường Việt là không thể tránh khỏi. Nếu Việt Nam không có chính sách hỗ trợ tốt thì ngành chăn nuôi thu hẹp sản xuất hoặc mất thị trường là khó tránh khỏi.

Vấn đề đặt ra là, Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp, cần chủ động xây dựng chiến lược để chuẩn bị sẵn sàng khi Hiệp định TPP được phê chuẩn và có hiệu lực. Hiểu rõ hơn quy định và yêu cầu của TPP; đổi mới và nâng cao trình độ tư duy, năng lực quản lý; nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; chuẩn bị các nguồn lực và nhân lực thực thi.

Cơ hội và thách thức được tận dụng, phát huy và khắc phục, hạn chế như thế nào phụ thuộc rất quyết định vào sự nỗ lực, nội lực, trình độ và năng lực của Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng
.
.
.