Syria tổ chức bầu cử giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”

Thứ Ba, 18/09/2018, 08:05
Hôm 16-9 (giờ địa phương), lần đầu tiên kể từ năm 2011, Syria đã tổ chức cuộc bầu cử địa phương. Hơn 6.000 điểm bỏ phiếu mở cửa tại những khu vực do chính quyền Syria kiểm soát, tức khoảng 2/3 lãnh thổ đất nước, để đón cử tri đi bỏ phiếu.


Đây được đánh giá là một sự kiện có ý nghĩa biểu tượng cao, củng cố những thành công quân sự mà chính quyền Syria đạt được sau nhiều năm chiến tranh.

Cuộc bầu cử mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Trong cuộc bỏ phiếu này, người dân bầu ra các đại diện của mình vào hội đồng hành chính địa phương. Có hơn 40.000 ứng cử viên chạy đua vào 18.478 ghế hội đồng cấp tỉnh, thành phố.

Số ghế trong cuộc bầu cử này đã tăng nhẹ so với con số 17.000 ghế trong cuộc bầu cử địa phương gần đây nhất hồi tháng 12-2011 – thời điểm bắt bầu bùng phát cuộc nội chiến, vì các ngôi làng nhỏ hơn cũng được có các hội đồng địa phương đầy đủ chức năng.

Tổng thống Syria đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương. Ảnh: SANA

Các đại biểu nhân dân được bầu trong cuộc bỏ phiếu sẽ có nhiều trách nhiệm hơn những người tiền nhiệm, nhất là những người liên quan đến công cuộc tái thiết và phát triển đô thị. Các băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền xuất hiện trên khắp các con phố, cho thấy sự chuẩn bị chu đáo của chính quyền cho sự kiện quan trọng này.

Là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ năm 2011, cuộc bầu cử địa phương lần này tại Syria có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc tái thiết và phát triển đất nước sau nhiều năm chiến tranh. Cuộc chiến sắp bước sang năm thứ 8 này đã gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế quốc gia Trung Đông.

Hầu hết các thành phố, trung tâm kinh tế lớn của đất nước hiện chỉ còn là những đống đổ nát. Dù tại những khu vực do chính quyền kiểm soát hay do các lực lượng nổi dậy chiếm đóng, mối quan tâm hàng đầu cử cử tri đều không nằm ngoài từ “tái thiết”.

Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh chính quyền Syria đang chuẩn bị cho “trận chiến quyết định” giành lại Idlib, thành trì cuối cùng của các lực lượng nổi dậy ở Tây Bắc Syria. Theo Liên hợp quốc (LHQ), tất cả các bên liên quan cần tạo điều kiện cho việc xây dựng một tiến trình chính trị đáng tin cậy nhằm khôi phục hòa bình và ổn định cho Syria.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết: “Mục đích của chúng tôi là tiếp tục những bước đi nhằm thực thi nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ và các tuyên bố tại Sochi. Những văn kiện này yêu cầu thành lập một ủy ban hiến pháp chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp, cũng như xây dựng một tiến trình chính trị đáng tin cậy tại Syria”.

Và cuộc nội chiến chưa có hồi kết

Có nhận định rằng, chiến dịch giải phóng Idlib mà Quân đội Syria lên kế hoạch tiến hành có thể chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 7 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.

Nhưng, theo giới chuyên gia, chiến dịch trên không kết thúc cuộc nội chiến Syria chỉ “trong một đêm” và nó có thể kéo theo nguy cơ đáp trả của các lực lượng đối lập ở Syria cũng như không giải quyết được vấn đề người Kurd.

Theo nhà bình luận chính trị Avigdor Eskin của Israel, bất cứ bên nào cũng cần phải cân nhắc thận trọng về một chiến dịch nhằm vào Idlib. Đây là thành trì cuối cùng của những kẻ khủng bố ở Syria, nhưng cũng là khu vực có gần 3 triệu dân sinh sống.

Vì vậy, cái giá của cuộc tấn công vào Idlib sẽ cao hơn cả ở Aleppo hay Mosul. Nhà bình luận này còn cho rằng, đây là một cuộc chiến tâm lý, đồng thời tin tưởng “sẽ không có bất cứ vụ đụng độ trực tiếp nào giữa các lực lượng Mỹ và Nga”.

Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu mạnh mẽ phản đối chiến dịch này, mặc dù những nước này thừa nhận Idlib vẫn là một thành trì lớn của những kẻ khủng bố. Các thành viên trong liên minh do Mỹ dẫn đầu đã ám chỉ rằng, họ sẽ “đáp trả” nếu Quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib.

Damascus tất nhiên bác bỏ những cáo buộc của Mỹ và phương Tây, đồng thời dẫn thực tế rằng, các loại vũ khí hóa học của nước này đã bị tiêu hủy dưới sự giám sát của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW). Sở dĩ Mỹ và các đồng minh phản đối chiến dịch giải phóng Idlib vì, theo giải thích của ông Nicholas Heras - chuyên gia phân tích về Syria tại Trung tâm An ninh Mỹ, Idlib là cơ hội cuối cùng để Mỹ tăng cường ảnh hưởng ở Syria.

Nếu Idlib sụp đổ trước khi các cuộc đàm phán Geneva được nối lại thì những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm tái can dự vào cuộc đàm phán hòa bình này sẽ có nguy cơ thất bại.

Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng ê-kíp của người đứng đầu Nhà Trắng đã chậm trễ để có thể đưa ra được một chính sách toàn diện về Syria. Không chỉ Mỹ và các đồng minh châu Âu phản đối chiến dịch quân sự nhằm giành lại Idlib mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn chiến dịch trên, cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Iblib sẽ gây ra tác động đối với tương lai của Syria cũng như đến tình hình an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và toàn khu vực.

Chỉ Nga và Iran, đều là đồng minh của Syria, là ủng hộ chiến dịch này. Đối với Moscow và Tehran, việc giành lại Idlib có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực hoàn thành điều mà cả hai cho là một chiến thắng quân sự trong cuộc nội chiến ở Syria sau khi binh sỹ Syria tái chiếm gần như toàn bộ các thành phố và thị trấn chủ chốt.

Tổng thống Nga Vladimir nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn mối đe dọa từ thành trì khủng bố cuối cùng ở Syria. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, có một số lượng lớn dân thường ở khu vực Idlib, và cần phải nhớ điều này trong cuộc chiến với những kẻ khủng bố.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.