Syria sẵn sàng tham gia đàm phán nhằm chấm dứt nội chiến
Phát biểu trên kênh truyền hình Al Mayadeen, bà Shaaban khẳng định: “Chúng tôi nhất trí với các nghị quyết đó (của LHQ)” và cho biết thêm rằng, Damascus nhận thấy lập trường của phương Tây về tương lai của Tổng thống Assad đã trở nên mềm mỏng hơn, đặc biệt là sau khi xảy ra các vụ tấn công của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gần đây nhất là xảy ra tại thủ đô Paris cướp đi sinh mạng của 130 người.
Bà Shaaban đồng thời chỉ ra rằng, IS là một lực lượng nổi dậy mạnh nhất ở Syria và Tổng thống Assad từng nhiều lần tuyên bố việc lật đổ ông sẽ mở đường cho lực lượng này chiếm quyền kiểm soát đất nước, từ đó gây nguy hiểm cho toàn thế giới. Bấy lâu nay, các cường quốc phương Tây liên tục yêu cầu ông Assad phải từ bỏ quyền lực, đây được coi là một phần của bất cứ giải pháp hòa bình nào. Tuy nhiên, Damascus luôn bác bỏ lời kêu gọi này.
Bà Shaaban bày tỏ: “Thật không dễ để phương Tây rút lui. Đây là lần đầu tiên những quan điểm của họ không thể áp dụng được tại Syria. Chiến lược (ngoại giao) của Nga nhằm thúc đẩy để các bên hiểu nhau hơn đang bước đầu thành công và sẽ sớm đơm hoa kết trái. Sự can dự của Nga có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc khủng hoảng Syria”.
Nga và Iran là những đồng minh chính của Tổng thống Assad trong cuộc xung đột kéo dài gần 5 năm qua, trong khi Saudi Arabia, các quốc gia vùng Vịnh và phương Tây lại hỗ trợ các nhóm đối lập nhằm lật đổ ông. Trong 3 tháng kể từ khi nhận được sự hỗ trợ trên không của Không quân Nga và trên bộ của các lực lượng Iran cùng với những tay súng của phong trào Hezbollah, Quân đội Chính phủ Syria đã giành lại được nhiều khu vực quan trọng ở nước này.
Thủ đô Syria trở nên hoang tàn sau gần 5 năm nội chiến. |
Bà Shaaban đánh giá: “Chúng tôi đang ở tình thế tốt hơn trước… Có một liên minh chống khủng bố quốc tế thực sự, một sự hiểu biết (lẫn nhau) lớn và sự thay đổi hoàn toàn, được bắt đầu từ cách đây một năm, đang trở nên trọn vẹn hơn”. Tuy nhiên, nữ trợ lý của Tổng thống Syria đã bác bỏ nhóm đàm phán, gồm các nhóm vũ trang và các tổ chức chính trị được Saudi Arabia hậu thuẫn, tham dự cuộc đàm phán do LHQ tổ chức.
Có đồng quan điểm với bà Shaaban, từ Bắc Kinh, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem, đang trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, ngày 24-12 cho biết, chính quyền Syria sẵn sàng tham gia cuộc hòa đàm tại Geneva nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tàn khốc ở quốc gia Trung Đông này. Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Muallem tuyên bố: “Syria sẵn sàng tham gia cuộc đối thoại giữa những người Syria được tổ chức ở Geneva mà không có bất cứ sự can thiệp nào của nước ngoài”.
Trước đó, với đại đa số tán thành, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua dự thảo nghị quyết do Mỹ đệ trình về việc hỗ trợ lộ trình hòa bình quốc tế tại Syria. Các nội dung then chốt của nghị quyết mới về Syria khẳng định, người dân nước này có quyền quyết định tương lai đất nước, đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, thành lập một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức các cuộc bầu cử dưới sự bảo trợ của LHQ. Nghị quyết cũng kêu gọi thu xếp một tiến trình đối thoại giữa đại diện Chính phủ Syria và các nhóm đối lập vào đầu năm 2016.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác cùng ngày, tờ Nước Nga ngày nay (RT) dẫn nguồn từ tờ The Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ tiết lộ, trong nhiều năm qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã giữ liên lạc với các đại diện trong Chính phủ Syria nhằm tìm ra những khoảng trống để gây ra một cuộc đảo chính, lật đổ Tổng thống Assad.
Tuy nhiên, cho tới nay ý định này vẫn chưa đem lại kết quả. WSJ chỉ ra rằng, những liên lạc bí mật của Washington với các đại diện khác nhau trong Chính phủ Syria đã bàn về nhiều “vấn đề cụ thể” và việc này đôi khi diễn ra trực tiếp, lúc khác lại thông qua các đồng minh của Tổng thống Assad. Ngoài ra, có một số lần Tổng thống Syria đã cố gắng thuyết phục Washington về sự cần thiết của liên minh giữa Mỹ và Chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố.
Năm 2011, Chính phủ Syria bắt đầu áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với phe đối lập và người biểu tình phản đối. Các cơ quan tình báo Mỹ đã bám vào cơ hội này để xác định trong Quân đội Syria những sĩ quan người thiểu số Alawite, trên lý thuyết có thể lãnh đạo cuộc đảo chính. “Năm 2011, chính sách của Nhà Trắng là một quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria thông qua phát hiện những rạn nứt trong chế độ và kích thích lôi kéo người từ chối ông Assad”, một cựu nhân viên của chính quyền Mỹ thừa nhận.
Tuy nhiên, các sĩ quan trong Quân đội Syria đã bộc lộ được sự gắn kết và lòng trung thành (đối với Tổng thống Assad), khiến Mỹ, tính tới nay, hoàn toàn trắng tay.