Sóng gió mới trong quan hệ Nga-Mỹ

Chủ Nhật, 22/05/2016, 06:39
Đang không bằng lòng trước kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu, nhất là ở Rumania, ngày 21-5, Moscow lại bị “giội thêm gáo nước lạnh” khi Washington kiên quyết từ chối đề nghị không kích chung chống IS ở Syria.


Hãng tin Reuters cho biết, đề nghị này được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đưa ra hôm 20-5 sau khi có cuộc họp khẩn cấp với quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng.

Quan điểm của phía Nga là nếu muốn tiêu diệt và ngăn chặn bước tiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cùng các tổ chức khủng bố khác trong đó có Mặt trận Hồi giáo Nusra, cần phải tăng cường không kích và tấn công vào căn cứ của những tổ chức này.

Chính quyền Moskva dự định, với sự hợp tác của cả quân đội chính phủ Syria, các đợt không kích mới sẽ được bắt đầu từ ngày 25-5 tới. Nga đề nghị phía Mỹ cùng tham gia chiến dịch này và nhận trách nhiệm không kích các mục tiêu là đoàn xe chở vũ khí và đạn dược của IS từ Thổ Nhĩ Kỳ đến những vùng đất ở Syria mà IS đang kiểm soát. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng chiến dịch này sẽ giúp chuyển giao quyền lực sớm hơn ở Syria, đem lại giải pháp mới trong vấn đề ở quốc gia Trung Đông này”.

Ông Sergei Shoigu còn cho biết thêm rằng, ông sẽ nói chuyện với một số chuyên gia quân sự của Mỹ ở Jordan và một số đồng nghiệp người Mỹ khác ở Geneva, Thụy Sĩ.

Nhưng xem ra, Mỹ có vẻ không hứng thú lắm với ý tưởng này. Thậm chí, hôm 20-5, khi trả lời phỏng vấn báo giới, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis nhấn mạnh Mỹ sẽ không hợp tác hay phối hợp với Nga trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào tại Syria.

Lý do mà ông Jeff Davis đưa ra là vì các chiến dịch của Nga ở Syria chỉ nhằm mục đích “chống đỡ cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa), Thủ tướng Rumania Dacian Cilos và Bộ trưởng Ngoại giao Rumania Lazar Comanescu tại lễ kích hoạt tên lửa Aegis hôm 13-5. Ảnh: EPA.

Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby thì khẳng định không có thỏa thuận không kích chung nào giữa Nga và Mỹ ở Syria. Ông John Kirby nhấn mạnh, Mỹ chỉ hợp tác với Nga trong nỗ lực duy trì thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt các hành động thù địch của Syria chứ không có hợp tác quân sự với nước này tại Syria.

Trước đó, trong một báo cáo mà Lầu Năm Góc đưa ra, giới chức quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận rằng, sức mạnh quân sự của Nga ở Syria kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh rút quân khỏi nước này hồi tháng 3 không hề suy giảm. Trong khi đó, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Wark nhận định rằng, quan hệ giữa Nga và Mỹ đã thay đổi sâu sắc từ đối tác tới mức gần xung đột.

Ông Bob Wark nói: "Như tôi thấy, người Nga đã chuyển từ cạnh tranh, mà họ coi là trạng thái bình thường, sang đối đầu” và rằng những bình luận của Moskva liên quan đến việc Washington triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Rumania và bắt đầu xây dựng hệ thống khác ở Ba Lan cho thấy khoảng cách giữa hai quốc gia này ngày càng gia tăng.

Trên thực tế, mối quan hệ Nga-Mỹ trong vài năm trở lại đây đã trở nên khá căng thẳng. Sóng gió mới lại nổi lên khi Washington kích hoạt lá chắn tên lửa Aegis trị giá 800 triệu USD ở Rumania và tiến hành động thổ xây dựng phần phía Bắc của hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan. Mặc dù phía Mỹ một mực khẳng định lá chắn tên lửa được thiết lập để bắn hạ tên lửa đạn đạo từ những quốc gia như Iran, tuy nhiên Nga cho rằng, lá chắn tên lửa của Mỹ nhắm mục tiêu vào Nga nhiều hơn là Iran. Đồng thời, Moskva cũng cáo buộc Washington đang có những hành động vi phạm các thoả thuận và tuỳ vào diễn biến tình hình, nước này hoàn toàn có quyền đưa ra những phản ứng đáp trả.

Bên cạnh việc chỉ trích gay gắt các hành động của Mỹ, Nga mạnh mẽ cảnh báo sẽ thực thi nhiều biện pháp để vô hiệu hoá hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu chẳng hạn như việc thành lập 2 đơn vị mới tại quân khu phương Tây và quân khu phương Nam; kích hoạt một loạt trạm radar cảnh báo sớm ở bán đảo Crimea; bắt tay vào sản xuất đoàn tàu tên lửa Barguzin…

Hôm 20-5, quân đội Nga còn tăng cường lực lượng ở khu vực Tây Nam bằng các loại vũ khí tầm xa và hệ thống phòng không…

Phan Hiển
.
.
.