Quốc tế phản đối quyết định trừng phạt của Mỹ đối với ICC

Chủ Nhật, 14/06/2020, 07:43
Dự luận quốc tế đã lên tiếng phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua các biện pháp trừng phạt mọi hoạt động điều tra xoay quanh các cáo buộc binh lính Mỹ phạm tội ác chiến tranh tại Afghanistan của Tòa án hình sự quốc tế (ICC).

Phần lớn dư luận quốc tế cho rằng, hành động này của Mỹ sẽ tác động đến các phiên xét xử cũng như hoạt động điều tra mà cơ quan trên đang tiến hành cũng như cho thấy sự thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế của Mỹ.

Bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 12-6 (giờ địa phương) nhấn mạnh: “Việc Mỹ tiến hành trừng phạt các cá nhân liên quan đến hoạt động điều tra tội ác chiến tranh tại Afghanistan là một vấn đề đáng quan ngại. Với tư cách EU, chúng tôi ủng hộ sự kiên định của Tòa án Hình sự quốc tế. Chúng tôi chắc chắn sẽ hỗ trợ ICC”. 

Ông Josep Borrell cho rằng, ICC đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo luật pháp và quá trình thực thi luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu quyết định của Tổng thống Donald Trump và thảo luận với các Ngoại trưởng các nước thành viên EU trong cuộc họp trực tuyến vào đầu tuần tới về vấn đề này. 

Chia sẻ quan điểm này, Văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) cũng lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ. Người phát ngôn Ủy ban Nhân quyền LHQ Rupert Colville cho rằng, đây là hành động can thiệp vào nguyên tắc thượng tôn pháp luật và các quy trình xét xử của ICC. 

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng các biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Tòa án Hình sự quốc tế. Cần phải bảo vệ sự độc lập của Tòa án Hình sự quốc tế và không có sự can thiệp để Tòa án có thể đưa ra những quyết định khách quan, không bị ảnh hưởng, sức ép, đe dọa hay can thiệp, theo hình thức gián tiếp hay trực tiếp với bất cứ lý do nào”. 

Cùng ngày, chính phủ Venezuela đã ra thông cáo phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ, cho rằng, lệnh trừng phạt này cho thấy sự “thiếu tôn trọng hoàn toàn” của Mỹ đối với luật pháp quốc tế.

Trụ sở ICC tại The Hague, Hà Lan. Ảnh: Reuters.

Về phần mình, ICC đã lên án đòn trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào các quan chức đang điều tra tội ác chiến tranh ở Afghanistan, khẳng định các hành động đe dọa và ép buộc của Washington không thể cản trở việc thực thi pháp luật của mình. 

“Hành động tấn công này chỉ khiến căng thẳng leo thang. Đây là sự can thiệp nhằm vào pháp quyền và thủ tục tố tụng tư pháp không thể chấp nhận được”, ICC cho biết trong một tuyên bố đáp trả sau khi Mỹ ký sắc lệnh trừng phạt kinh tế và thị thực nhắm vào các nhân viên của tổ chức này. 

ICC cũng cho biết họ sẽ đứng về phía nhân viên, quan chức của mình và khẳng định các cuộc điều tra độc lập và thủ tục tố tụng của tòa án được thực thi một cách công bằng, khách quan. 

ICC được thành lập vào năm 2002 để truy tố và xét xử những người phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng. Hồi tháng 3 vừa qua, cơ quan này đã cho phép mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh của các bên gây ra trong cuộc xung đột ở Afghanistan với nghi phạm là binh lính quốc gia Nam Á này cùng một số đơn vị vũ trang và tình báo của Mỹ. 

ICC đã mở điều tra về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Afghanistan trong giai đoạn 2003 và 2014. Trong đó, điều tra bao gồm cáo buộc tra tấn tù nhân tại các cơ sở bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Ba Lan, Romania và Lithuania. 

Vào đầu tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định rằng Washington sẽ xử lý vấn đề này trong tương lai gần. ICC đã “bật đèn xanh” cho cuộc điều tra về tội ác chiến tranh tại Afghanistan chỉ vài ngày sau khi Mỹ đạt thỏa thuận hòa bình với Taliban nhằm giảm căng thẳng leo thang.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump lâu nay luôn phản ứng gay gắt với khả năng tiến hành điều tra quốc tế về cuộc chiến tranh mà Mỹ tham chiến tại Afghanistan. 

Ngày 11-6, Tổng thống Donald Trump đã cho phép thực hiện các biện pháp trừng phạt như đóng băng những tài sản hoặc bất động sản trên đất Mỹ của mọi cá nhân từ ICC tham gia hoặc hỗ trợ hoạt động điều tra hoặc truy tố binh lính Mỹ mà không được sự đồng thuận của Washington. 

Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ cho phép Ngoại trưởng Mike Pompeo tham vấn với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong việc phong tỏa tài sản ở Mỹ của các thành viên ICC liên quan tới cuộc điều tra nói trên. 

Sắc lệnh này cũng cho phép Ngoại trưởng Mỹ cấm những cá nhân này và gia đình của họ nhập cảnh vào Mỹ. Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng, ICC đe dọa xâm phạm chủ quyền quốc gia Mỹ đồng thời cáo buộc Nga đã thao túng cơ quan này nhằm phục vụ cho lợi ích của mình. 

Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo các đồng minh thân cận của Mỹ, đặc biệt là các nước thuộc NATO đang tham gia chống khủng bố ở Afghanistan, có thể là mục tiêu tiếp theo của cuộc điều tra này.

Mỹ đã nhiều lần phản đối cuộc điều tra. Thậm chí, hồi tháng 4-2019, Washington đã hủy bỏ thị thực du lịch cho bà Fatou Bensouda, một nhân viên điều tra cấp cao của ICC và cấm bà nhập cảnh nhằm phản đối chiến dịch điều tra quân đội Mỹ ở Afghanistan mà bà thực hiện. 

Washington cũng tuyên bố sẽ tiếp tục trả đũa nếu tòa án này tiếp tục công việc của mình. Ngoài ra, trong tháng 9-2019, các thẩm phán của ICC đã thông qua một phần đề nghị của công tố viên trưởng Fatou Bensouda kháng cáo quyết định trước đó bác bỏ đề xuất điều tra tội ác chiến tranh của binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. 

Theo Trung tâm Quyền Hiến pháp (CCR), chương trình tra tấn của Mỹ với các hành động tội ác chiến tranh đã xảy ra từ lâu tại Afghanistan và một số quốc gia khác. Chính phủ Mỹ đã miễn cưỡng trong điều tra và xét xử công dân và quan chức quân sự chịu trách nhiệm cho những hành động này. 

Mỹ từ chối gia nhập ICC và cáo buộc rằng cơ quan này sẽ trở thành một diễn đàn truy tố vì mục đích chính trị nhắm đến Washington và đồng minh. Năm 2002, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Bảo vệ quân nhân Mỹ, trong đó cho phép tổng thống sử dụng lực lượng quân đội để đảm bảo tự do cho binh sĩ Mỹ bị ICC giam giữ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.