Quốc tế đề cao chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc là hạt nhân

Thứ Năm, 24/09/2020, 08:01
Đại diện Liên Hợp Quốc (LHQ) và lãnh đạo các quốc gia thành viên tái khẳng định sự ủng hộ với chủ nghĩa đa phương, coi đây là yếu tố then chốt hướng đến xây dựng một thế giới ngày càng an toàn, công bằng, phát triển bền vững và thịnh vượng hơn.

Đề cao chủ nghĩa đa phương

Mang tên gọi “Tương lai mà chúng ta muốn, LHQ mà chúng ta cần: tái khẳng định cam kết tập thể về chủ nghĩa đa phương - đối phó COVID-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”, phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 75 Đại Hội đồng LHQ chính thức diễn ra từ 22 đến 26/9 (giờ địa phương) theo hình thức trực tuyến. 

Thay cho các bài phát biểu trực tiếp cùng nhiều cuộc gặp bên lề, các nhà lãnh đạo thế giới gửi thông điệp trong năm kỷ niệm 75 năm ngày thành lập LHQ qua các đoạn video ghi sẵn – điều chưa có tiền lệ trong lịch sử LHQ; còn đại diện ngoại giao các nước xuất hiện tại phòng họp chung ở New York với khẩu trang và ngồi giãn cách để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres một lần nữa gọi COVID-19 là “mối đe dọa an ninh toàn cầu số một”, cho rằng, COVID-19 đã nhắm vào những người dễ bị tổn thương nhất và gây tổn hại nghiêm trọng đến những tiến bộ mà thế giới mất nhiều thập kỷ để đạt được, trong đó có sự gia tăng của tình trạng đói nghèo lần đầu tiên trong suốt 30 năm qua. Theo người đứng đầu cơ quan LHQ, thế giới cần đoàn kết vượt qua dịch bệnh. 

Ông chỉ trích các phong trào cánh hữu trong bối cảnh hiện nay và nhận định rằng, chủ nghĩa dân túy luôn thất bại. “Trong một thế giới liên kết, đã đến lúc chúng ta nhận ra một chân lý đơn giản: đoàn kết mang lại lợi ích cho mỗi người. Nếu chúng ta không nắm bắt được thực tế đó, mọi người đều thua cuộc”, ông Guterres cảnh báo. 

Tổng Thư ký Guterres cũng nêu rõ, sau 75 năm hoạt động, các thể chế đa phương tại LHQ cần được nâng cấp để mang lại công bằng cho tất cả người dân trên thế giới, đồng thời vạch ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương bao trùm trong tương lai.

Chủ tịch Khóa 75 Đại Hội đồng LHQ, ông Volkan Bozkir, cũng có phát biểu kêu gọi các lãnh đạo thế giới ủng hộ chủ nghĩa đa phương, củng cố lại các cơ quan của LHQ. Ông Bozkir khẳng định vai trò không thể thiếu của LHQ những năm qua và trong tương lai, nhất là giai đoạn phục hồi thế giới sau đại dịch, hướng tới một thế giới phát triển bền vững, bao trùm. 

Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ khóa 75 cũng đề ra một loạt vấn đề ưu tiên sắp tới cho LHQ, gồm: Củng cố chủ nghĩa đa phương; thúc đẩy các chương trình nhân đạo; và tăng cường nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong chương trình nghị sự 2030 của LHQ…

Gửi thông điệp đến LHQ, lãnh đạo nhiều nước đánh giá cao những thành tựu to lớn mà LHQ đạt được từ khi thành lập năm 1945; khẳng định cam kết và sự tin tưởng đối với chủ nghĩa đa phương với LHQ là trung tâm; đề cao và nhấn mạnh sự cần thiết của việc tôn trọng Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của các quốc gia, ngăn chặn xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp. 

Các nước cũng thẳng thắn nhìn nhận bối cảnh hiện nay và những hạn chế của LHQ, từ đó kêu gọi các biện pháp cải tổ mạnh mẽ để LHQ ứng phó tốt hơn với nhiều thách thức trong thời đại mới.

Đại diện các nước ngồi giãn cách tại phòng họp Liên hợp quốc ở New York hôm 22/9. Ảnh: UN

Cảnh báo nguy cơ “Chiến tranh Lạnh”

Vẫn theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, một trong những vấn đề mà cộng đồng quốc tế cần quan tâm lúc này là làm sao thúc đẩy một lệnh ngừng bắn toàn cầu nhằm huy động các nguồn lực chống lại dịch bệnh. Ông Guterres cũng kêu gọi thế giới ngăn chặn một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” giữa Mỹ và Trung Quốc. 

“Chúng ta cần làm mọi thứ để tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thế giới đang đi theo một chiều hướng rất nguy hiểm. Thế giới này không thể chịu nổi một tương lai mà ở đó hai nền kinh tế lớn nhất chia cắt địa cầu bằng một vết đứt gãy lớn, khi mỗi bên đều có các quy định thương mại, tài chính, cùng năng lực Internet và trí tuệ nhân tạo (AI) của riêng mình”, ông Guterres nói.

Trên thực tế, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã một lần nữa bộc lộ rõ qua thông điệp mà lãnh đạo hai nước phát đi tại phiên họp của Đại Hội đồng LHQ. Nhắc tới đại dịch COVID-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người tại Mỹ và gần một triệu người trên toàn cầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Trung Quốc đã để virus lây lan ra thế giới và hối thúc LHQ buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc, qua bài phát biểu của mình, kêu gọi thế giới không chính trị hóa cuộc chiến chống COVID-19.

Theo Guardian, căng thẳng với Washington cũng đã trở thành chủ đề chính trong bài phát biểu của Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Nhà lãnh đạo Iran mạnh mẽ lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ, tuyên bố Tehran sẽ kiên cường trước áp lực của Washington. 

Xung quanh vấn đề Iran, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dành phần lớn thông điệp để phê phán việc Mỹ năm 2018 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 rồi tái áp đặt trừng phạt chống Tehran. “Chiến lược áp lực tối đa của Mỹ, vốn được áp dụng vài năm qua, đến nay vẫn chưa thể đảm bảo việc nước này không thể có vũ khí hạt nhân”, ông Macron nói. 

“Đó là lí do vì sao Pháp, cùng với các đối tác Đức và Anh sẽ duy trì yêu cầu thực hiện đầy đủ thỏa thuận 2015… Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về việc kích hoạt các lệnh trừng phạt (của LHQ chống Iran) mà Mỹ mong muốn vì điều này sẽ làm suy yếu sự thống nhất của Hội đồng Bảo an LHQ”.

Thiện Nhân
.
.
.