Quan hệ Nga - Trung “đang ở thời điểm tốt nhất trong lịch sử”?

Thứ Sáu, 07/07/2017, 07:47
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Liên bang Nga lần thứ 6 kể từ khi nhậm chức hồi năm 2013. Theo nhận định của giới phân tích, đây là chuyến thăm nhằm củng cố mối quan hệ song phương.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, quan hệ Nga – Trung Quốc hiện đang ở “thời điểm tốt nhất trong lịch sử”. Trong khi đó, người đứng đầu Điện Kremlin cho biết, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc là “một sự kiện quan trọng về xây dựng quan hệ song phương trong năm 2017”.

Tại buổi hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương, tăng cường trao đổi về chính sách, phối hợp hành động trong các vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu, nhằm đối phó các thách thức, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng trên thế giới.

Tổng thống Putin bày tỏ nhất trí rằng, hai nước cần tăng cường ủng hộ lẫn nhau, đẩy mạnh phối hợp trong các vấn đề lớn của khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, hai bên cần thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao nhằm góp phần tăng cường mối quan hệ song phương.

Tổng thống Nga Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường liên lạc, phối hợp giữa hai nước khi giải quyết các vấn đề lớn, tăng cường trao đổi về chính sách và phối hợp hành động trong các vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu để đối phó với những nguy cơ và thách thức, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới. Bên cạnh đó, hai bên cũng cần tăng cường hợp tác, ủng hộ nhau trong việc theo đuổi con đường phát triển riêng của mỗi nước.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin cũng đã chứng kiến lễ ký kết một loạt hiệp định tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, thương mại, du lịch, phát triển hành lang giao thông… với trị giá hơn 12 tỉ USD. Ngoài ra hai bên cũng ký Nghị định thư về phương hướng tăng cường hợp tác phát triển không gian thông tin.

Trong khuôn khổ cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các chủ đề nhằm tăng cường hợp tác chính trị, giải quyết các vấn đề quốc tế, hợp tác kỹ thuật - quân sự và trong lĩnh vực nhân đạo. Hai bên đã ra tuyên bố chung về việc tiếp tục mở rộng quan hệ Đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược, các vấn đề toàn cầu cũng như các vấn đề quốc tế quan trọng.

Chuyên gia Yana Lexiutina tới từ Trường Đại học St. Petersburg nhận định, điều này phản ảnh rõ ý định và nỗ lực của Moscow và Bắc Kinh trong việc tăng cường trục Nga – Trung trong một thế giới đa cực.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, truyên bố chung của hai nước cho thấy cả hai đều có những quan điểm tương đồng về các vấn đề toàn cầu lớn như cuộc xung đột tại Syria, vấn đề hạt nhân Triều Tiên… Nga và Trung Quốc cùng muốn chứng tỏ rằng, trật tự thế giới hiện nay không phản ánh những lợi ích của họ và hai quốc gia đang tìm cách cải cách hệ thống kinh tế toàn cầu.

Đồng quan điểm, ông Ma Yujun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Viện Khoa học Hắc Long Giang (Trung Quốc), tuyên bố chung Nga – Trung Quốc mang ý nghĩa chiến lược quan trọng vì nó thể hiện rõ quan điểm chung của hai nước về các vấn đề khu vực cũng như toàn cầu sẽ được giải quyết tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) tổ chức tại Hamburg (Đức).

“Việc đưa ra một tuyên bố chung, với mục tiêu tăng cường quan hệ song phương và ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, mang tầm quan trọng về địa chính trị”, ông Ma Yujun nhận xét đồng thời chỉ ra rằng, mối quan hệ Nga – Trung là ví dụ điển hình về mối quan hệ hợp tác mới giữa các nước lớn, tức là “tương ứng với lợi ích chiến lược của cả hai”. Tuy nhiên, mối quan hệ này không phải lúc nào cũng đơn giản, nhưng hai bên luôn tìm cách vượt qua những khác biệt và cũng nỗ lực để có thể đạt được những giải pháp tốt nhất cho cả hai.

Liên quan tới luận điểm này, giới chuyên gia chính trị thì cho rằng, những kỳ vọng khác biệt giữa Nga và Trung Quốc trong quan hệ song phương là điều dễ hiểu.

Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu lịch sử quan hệ Nga – Trung Quốc, ông Yang Su nhận định rằng: “Trung Quốc và Nga có những mục đích khác nhau khi nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác. Bắc Kinh tìm kiếm một đối tác chiến lược để đối kháng lại với các nước phương Tây như Mỹ và Nhật Bản, trong khi Nga tập trung nhiều hơn cho sự tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các lệnh trừng phạt phương Tây và giá dầu toàn cầu đang đi xuống”.

Mặc dù Trung Quốc luôn mong muốn tăng cường quan hệ chiến lược với Nga, nhưng không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ tìm kiếm một liên minh quân sự với Moscow, ông Yang Su nhấn mạnh, “Họ không có mục tiêu quân sự chung. Hầu hết các học giả Trung Quốc nghiên cứu về quan hệ Nga – Trung đều phản đối ý tưởng hai nước liên minh quân sự”.

Khổng Hà
.
.
.