Phương Tây định hình chính sách với Nga và Trung Quốc

Thứ Năm, 06/05/2021, 08:28
Bên cạnh cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, cách tiếp cận Nga và Trung Quốc là chủ đề chính mà ngoại trưởng các nước G7 thảo luận trong cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên từ thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từ ngày 3 đến 5/5 (giờ địa phương) có mặt tại thủ đô London, Anh, để dự Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới - G7 (gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia, và Nhật Bản), trong cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của các quan chức ngoại giao hàng đầu G7 từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát cuối năm 2019.

Ngoài nỗ lực phân phối vaccine COVID-19, vấn đề biến đổi khí hậu, ngoại trưởng G7 dành nhiều thời gian để bàn về nỗ lực ứng phó tập thể với Trung Quốc và cách thức theo đuổi một mối quan hệ ổn định hơn với Nga, Reuters đưa tin.

Cuộc họp các Ngoại trưởng G7 lần này là bước đi tạo nền tảng cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra trực tiếp tại Anh từ ngày 11 đến 13/6. Đây cũng là dịp Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ lúc nhậm chức. Dưới thời ông Biden, Washington đảo ngược nhiều chính sách ngoại giao mà cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng, theo hướng hợp tác gần gũi và hiệu quả hơn với các nước đồng minh. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden vẫn duy trì quan điểm coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh" lớn nhất của Mỹ.

Ngay trước khi lên đường đến Anh, trên chương trình "60 phút" của Đài CBS phát sóng hôm 2/5, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định Trung Quốc đang hành động ngày càng quyết đoán, đồng thời lặp lại quan điểm của Nhà Trắng rằng Mỹ hiện nay xem Trung Quốc là nước có thể thách thức trật tự dựa trên luật lệ.

Tại London, dưới sự dẫn dắt của Mỹ, ngoại trưởng các nước G7 đã dành phiên làm việc chính thức đầu tiên hôm 4/5 để bàn về Trung Quốc. Theo tờ The Hindu, cách tiếp cận Trung Quốc của các nước G7 không tương đồng: Dù từng cùng nhau bày tỏ quan ngại về một số hành động của Trung Quốc, Nhật Bản gần đây đã không tham gia trừng phạt Bắc Kinh theo các nước phương Tây; còn Italy từng thông báo sẵn sàng tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc khởi xướng.

Dẫu vậy, một quan chức Mỹ tham dự cuộc họp nói với AFP rằng không có bất đồng nào đáng kể được nêu lên trong cuộc họp của các ngoại trưởng. Đây là chỉ dấu cho thấy Mỹ đã tìm được đồng thuận đáng kể từ các đồng minh gần gũi nhằm thiết lập một "mặt trận chung" ứng phó với Trung Quốc.

Phát biểu trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab sau ngày làm việc 4/5, Ngoại trưởng Blinken cho hay, Mỹ không hề muốn "níu Trung Quốc lại" mà muốn tìm cách buộc Bắc Kinh tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ. Tuyên bố này cũng được ông Raab hưởng ứng: "Công bằng mà nói, chúng tôi thấy rõ sự cần thiết phải bảo vệ các giá trị của mình, giữ Bắc Kinh tuân theo các cam kết của họ,… đồng thời cần tìm ra các cách thức làm việc với Trung Quốc theo hướng phù hợp và tích cực nếu có thể". Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cùng ngày cũng ra tuyên bố cho rằng thế giới cần có chiến lược chung để ứng phó Bắc Kinh.

Ngoại trưởng các nước G7 dự họp trực tiếp ở London. Ảnh: AP.

Trong diễn biến liên quan, DW ngày 5/4 dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis thông báo, EC đã tạm đóng băng nỗ lực thông qua Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI) - một thỏa thuận đầu tư lớn mà Bắc Kinh đang theo đuổi từ Liên minh châu Âu (EU). Chưa rõ quyết định này có liên quan đến Hội nghị Ngoại trưởng G7 đang diễn ra hay không.

Về Nga - quốc gia bị loại khỏi nhóm G7 cách đây 7 năm vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Washington kì vọng vào một mối quan hệ ổn định hơn với Moscow, nhưng kiên quyết cho rằng điều đó phụ thuộc nhiều vào cách thức hành động của ông chủ Điện Kremlin Vladimir Putin.

"Chúng tôi không muốn leo thang: chúng tôi muốn có một mối quan hệ ổn định hơn, dễ đoán hơn. Và nếu Nga đi theo hướng đó, chúng tôi cũng vậy", ông Blinken nói.

Trong khi đó, một số hãng truyền thông Nga thì nhận định cuộc họp ở London sẽ là dịp để Mỹ, Anh và các nước đồng minh khơi dậy một cuộc chiến thông tin mới nhằm vào Nga. Moscow gần đây vướng phải hàng loạt cáo buộc do phương Tây đưa ra, liên quan đến vấn đề gián điệp, can thiệp bầu cử, cuộc chiến ở Đông Ukraine hay tình hình nhân vật đối lập tai tiếng Nga Alexei Navalny. Nga đến nay bác bỏ mọi cáo buộc mà phương Tây đưa ra, đồng thời khẳng định sẽ đáp trả mọi hành động thù địch nhằm vào họ.

Được biết, cũng tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận ông và những người đồng cấp trong nhóm G7 đã tái khẳng định cam kết của G7 trong việc hỗ trợ một giải pháp chính trị tại Syria cũng như cơ chế viện trợ xuyên biên giới của Liên Hợp Quốc. Ông Blinken nhấn mạnh, các nước thành viên G7 sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trên tất cả các phương diện nhằm tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị tại Syria để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.

Theo truyền thống, ngoài các nội dung thảo luận cấp G7, hội nghị cũng là nền tảng cho các cuộc gặp song phương, ba bên, qua đó giúp các nước thảo luận thêm nhiều vấn đề hẹp. Với vai trò chủ nhà, Anh đã mời Australia, Hàn Quốc, Nam Phi, Ấn Độ và đại diện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tới hội nghị.

Ông Biden muốn gặp Tổng thống Nga khi tới châu Âu dự họp G7

Vào thời điểm các ngoại trưởng G7 đang nhóm họp ở London, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4/5 cho biết, ông muốn gặp thượng đỉnh người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong chuyến công du châu Âu vào tháng 6 tới. "Đó là hy vọng và kỳ vọng của tôi. Chúng tôi đang nỗ lực vì điều đó", ông Biden nói về triển vọng gặp gỡ Tổng thống Nga.

Trong cuộc điện đàm với ông Putin hồi tháng 4, ông Biden đã đề xuất hai bên gặp gỡ để thảo luận về những căng thẳng trong quan hệ song phương. Áo và Phần Lan đã bày tỏ mong muốn được đăng cai cuộc gặp này. Cách đây vài ngày, cố vấn cấp cao của Tổng thống Putin, ông Yury Ushakov, tiết lộ, hai bên đang làm việc để thống nhất các chi tiết xung quanh cuộc gặp.

Thiện Nhân
.
.
.