Phán quyết của PCA - Cơ sở để Philippines đàm phán với Trung Quốc

Thứ Năm, 28/07/2016, 10:33
Ngày 27-7, trong cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang trong chuyến thăm Philippines, Tổng thống nước chủ nhà Rodrigo Duterte khẳng định phán quyết hôm 12-7 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) bác những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, sẽ là “cơ sở” cho các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Manila với Bắc Kinh về tranh chấp lãnh thổ song phương. Trong khi đó, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố, Washington muốn tránh “đối đầu” ở Biển Đông.


Ngoại trưởng Kerry đồng thời cho biết, Mỹ mong muốn Trung Quốc và Philippines tiến hành đàm phán và theo đuổi “các biện pháp xây dựng lòng tin”. 

Ngoại trưởng Mỹ nói: “Phán quyết của Tòa Trọng tài mang tính ràng buộc pháp lý, song chúng ta không tìm cách đối đầu. Chúng ta nỗ lực mang đến một giải pháp mà trong đó lưu ý tới quyền của con người theo luật pháp. Chúng tôi hy vọng được chứng kiến một tiến trình sẽ thu hẹp phạm vi địa lý về những tranh chấp hàng hải, đặt ra những tiêu chuẩn về cách hành xử ở khu vực tranh chấp, hướng tới giải pháp nhận được sự đồng thuận của nhiều bên, thậm chí có thể là một loạt những bước đi xây dựng lòng tin”.

Cái gọi là “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị PCA bác bỏ.

Tại cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Perfecto Yasay, Ngoại trưởng Kerry cho biết, ông hài lòng với tuyên bố chung mà ASEAN đưa ra trong hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM 49) vì tuyên bố chung “đã nhắc đến mọi khía cạnh quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Washington ủng hộ lời kêu gọi đàm phán (dựa trên cơ sở là phán quyết của PCA) mà Philippines đã đề nghị với Trung Quốc. 

Trước đó, chiều 26-7, phát biểu tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị liên quan, Ngoại trưởng Kerry tái khẳng định Washington không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Mỹ sẽ đứng về phía Luật pháp quốc tế.

Ông Kerry nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, khuyến khích tất cả các bên liên quan hành xử “có trách nhiệm và kiềm chế”. Theo Ngoại trưởng Mỹ, việc Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết của PCA là một thách thức. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, coi phán quyết trên hoàn toàn có tính pháp lý, theo đúng trình tự giải quyết của luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, Đô đốc Mark Richardson, chỉ huy các chiến dịch hải quân của Mỹ cho biết, Washington đã tuyên bố rõ ràng với Trung Quốc rằng nước này sẽ tiếp tục hoạt động ở biển Đông để thực thi quyền tự do hàng hải. Ông cũng cảnh báo với các đối tác Trung Quốc rằng, bất kỳ nỗ lực thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông cũng như xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough của Philippines sẽ khiến Mỹ quan tâm.

Cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông, tại buổi Đối thoại ASEAN lần thứ 36 với chủ đề “Hậu phán quyết của Tòa Trọng tài về tranh chấp trên Biển Đông” diễn ra hôm 26-7 ở thủ đô Jakarta (Indonesia), các đại biểu đã nhìn lại sự kiện PCA ngày 12-7 ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông. 

Theo phán quyết của tòa, Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 đoạn”.

Tiến sỹ Siswo Pramono, Tổng Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Phân tích Chính sách và Phát triển (BPPK) thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, nhận định rằng, đến nay, các nước thành viên ASEAN đã ra tuyên bố riêng về kết quả của PCA, trong đó đều nhấn mạnh sự kiềm chế, không gây thêm căng thẳng và có những hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, tham chiếu với các chuẩn mực trong các văn bản pháp lý của ASEAN. 

Tiến sỹ Siswo Pramono cũng cho rằng, phán quyết của PCA sẽ có những tác động nhất định đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) và tình hình an ninh chung của khu vực.

Các đại biểu nhất trí rằng, mặc dù đây là phán quyết về mặt kỹ thuật cuối cùng và có tính ràng buộc, nhưng do chưa có cơ chế thống nhất để thực thi, vì vậy, kết quả của phán quyết sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các bên liên quan. 

Theo đánh giá của các đại biểu, các bên, kể cả Trung Quốc, Mỹ và ASEAN, không muốn tình hình quá nhiều biến động, không muốn phán quyết của PCA ảnh hưởng quá lớn đến môi trường ổn định trong khu vực.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.